Nỗi niềm chuyện sách giáo khoa

Năm học mới đã bắt đầu nhưng tình trạng thiếu sách giáo khoa (SGK) in đang diễn ra tại một số địa phương trên khắp cả nước. Trong khi chờ bổ sung thì sử dụng sách điện tử được xem là một giải pháp tạm thời. Được thiết kế giống như SGK giấy, kèm thêm nhiều tính năng thuận tiện, tuy nhiên sách điện tử chưa được nhiều trường học khuyến khích sử dụng. Đâu là nguyên nhân của việc thiếu sách in, còn sách điện tử thì bị thờ ơ?
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng thiếu sách cho năm học mới vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: NAM HẢI
Tình trạng thiếu sách cho năm học mới vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: NAM HẢI

Đi học mà chưa thấy sách

Khoảng 23 triệu học sinh trên cả nước đã bắt đầu năm học mới. Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức áp dụng với bậc THPT. Các em học sinh lớp 10 sẽ học chương trình mới, SGK mới. Trước ngày khai giảng năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Công văn số 4185/BGDĐT-VP yêu cầu các địa phương bảo đảm cung cấp đủ SGK cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học. Các nhà xuất bản (NXB) có SGK được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù năm học mới đã bắt đầu, tại nhiều tỉnh, thành phố, học sinh vẫn chưa có sách để học, đặc biệt là SGK lớp 10.

Đại diện một số đơn vị biên soạn, xuất bản SGK thừa nhận thực tế đang xảy ra tình trạng thiếu sách cho năm học mới. Đơn vị biên soạn, xuất bản SGK Cánh Diều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt, sau thông báo điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử từ môn tự chọn thành môn học bắt buộc khiến các trường đều rơi vào tình huống bị động và phải tổ chức cho học sinh lựa chọn lại tổ hợp môn học. Điều này là thách thức lớn cho các đơn vị xuất bản trong việc bảo đảm tiến độ in ấn, phát hành.

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, với SGK lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể. Ngoài ra, năm nay chương trình lớp 10 cho phép học sinh chọn môn, nên tên sách và số lượng tương ứng phụ thuộc vào sự lựa chọn của các em. Vì điều này, các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ hạn chế nhập sách hoặc không nhập đủ đầu sách do không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng trên địa bàn.

Sách điện tử bị thờ ơ

Từng được xem là giải pháp tối ưu trong thời kỳ dịch Covid-19, khi các trường học bắt buộc phải dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi học sinh được đến trường trở lại, SGK điện tử bỗng dưng bị “ngó lơ”.

Về hình thức và nội dung, sách điện tử được thiết kế giống như SGK giấy, kèm thêm những tính năng thuận tiện như làm bài tập trực tiếp, phóng to hoặc thu nhỏ trang, sử dụng các phương tiện hỗ trợ (audio, video, hình ảnh)... làm phong phú bài giảng của giáo viên, khiến cho việc học trở nên thú vị và trực quan hơn.

Lý giải về việc sách điện tử tuy nhiều tính năng ưu việt nhưng lại không được chú trọng, cô Vân Oanh (giáo viên một trường THCS ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cách này chỉ phổ biến trong thời gian giãn cách xã hội, còn bây giờ khi học sinh đến trường thì thao tác học trên sách điện tử lại khá rườm rà. “Với bản PDF, đại diện nhà trường sẽ gửi tệp để phụ huynh tải về cho con học hoặc in ra thành sách. Việc này tùy thuộc vào kế hoạch đào tạo của từng trường, từng địa phương. Cùng với việc chất lượng đường truyền không bảo đảm, do vấn đề bản quyền nên với cách này, học sinh chỉ học trực tuyến chứ không thể tải sách về được. Ngoài ra, nhiều giáo viên cũng gặp khó với SGK điện tử, đặc biệt là thế hệ 7X trở về trước vì khả năng sử dụng internet còn nhiều hạn chế”.

Đứng trước tình trạng trên, các chuyên gia giáo dục đề xuất các trường học nên duy trì mỗi tuần cố định vài buổi học trực tuyến để cả giáo viên và học sinh quen dần với sách điện tử, tránh bị phụ thuộc nhiều vào sách in. Cùng với đó cần tuyên truyền, hướng dẫn, thông tin mạnh mẽ hơn để phổ biến SGK điện tử, tạo điều kiện để phụ huynh và học sinh tiếp cận một cách dễ dàng. Đặc biệt, để phụ huynh có thêm một kênh lựa chọn mà không bị “hoảng loạn” trước tình trạng thiếu SGK như hiện nay.