Nỗi khổ B2B

Hiện nay, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoạt động theo hai loại mô hình chủ đạo là bán trực tiếp cho người tiêu dùng (B2C) và tổ chức “chợ” để người bán và người mua gặp nhau (B2B).

Nỗi khổ B2B

Tính đến thời điểm này, sàn TMĐT ấn tượng nhất là Tiki.vn hoạt động theo mô hình B2C, sàn VuiVui.com do nhà bán lẻ hàng đầu Thế giới di động lập ra cũng hoạt động theo mô hình B2C và nhiều đơn vị khác cũng làm tương tự. Trong khi đó, nói đến sàn B2B người ta chỉ nhớ đến những Sendo.vn hay 123mua.vn… Và trong suy nghĩ của nhiều người, ấn tượng các sàn B2B tạo ra về sự chỉn chu, chuyên nghiệp là không thể bằng được B2C. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ các sàn B2B chỉ là cái chợ, những người lập ra cũng na ná… ban quản lý chợ, khó lòng mà kiểm soát toàn diện như B2C.

Lợi thế của sàn B2B chính là việc có thể đa dạng hóa được sản phẩm, dịch vụ nhờ sự kết hợp những đối tác, tiểu thương buôn bán và nhờ vậy cũng thu hút khách hàng dễ hơn. Đó cũng là lý do mà Sendo.vn, sàn TMĐT được tập đoàn công nghệ FPT hậu thuẫn, đã tăng trưởng rất mạnh trong khoảng ba năm qua. Nhưng song song với tăng trưởng là việc kiểm soát như thế nào để hạn chế những rủi ro cũng không đơn giản.

Một khách hàng gần đây đã đặt hàng trên Sendo.vn cho biết hai lần đặt hàng đều thất bại, lý do là sau khi thao tác xong thì người bán trên sàn này gọi điện thông báo đã… hết hàng. Nguyên nhân cũng đơn giản, do các shop bán hàng trên chợ trực tuyến thường có quy mô nhỏ, hoạt động không phải lúc nào cũng chuyên nghiệp, đôi khi không có đủ nhân sự nên hàng dù đã hết nhưng chưa cập nhật kịp.

Vấn đề đặt ra là khách hàng sẽ trách cứ bên nào, shop, hay sàn TMĐT? Có lẽ sàn TMĐT sẽ chịu thiệt đáng kể vì dù biết rằng mua trực tiếp của shop, nhưng khách hàng vẫn thao tác trên website của sàn, và ấn tượng chắc chắn sẽ không được tốt đẹp. Đó là còn chưa kể việc các đối tác của sàn cũng có thể “treo đầu dê, bán thịt chó” đăng ký bán mặt hàng này, nhưng sau lại bán những mặt hàng không được phép.

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Sendo.vn cho biết, công ty phải liên tục sử dụng các thuật toán để quét những loại hàng hóa không được phép buôn bán nhưng cũng rất vất vả. Số lượng khách hàng ngày càng đông nên chỉ cần bỏ sót một lúc nào đó thì ấn tượng để lại là không hay. Có một nghịch lý là sàn B2B vốn dĩ đã có từ rất lâu, và cho dù sàn B2C dạo gần đây có phát triển rất mạnh đi nữa thì sàn B2B vẫn sống tốt. Nhưng B2B đến giờ vẫn chưa có những bước đột phá thật sự về mặt chất lượng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc những người sở hữu, quản lý các sàn B2B cần thêm những giải pháp đột phá về mặt quản lý chất lượng, cần siết chặt, theo từng quy mô nhất định, để tạo niềm tin, thay vì chỉ định vị mình như… chợ trời, có đủ thượng vàng hạ cám, từ đó có thể tạo nên sự dè dặt cho khách hàng về lâu dài.