Nỗ lực mới vì an ninh lương thực

Hội nghị cấp cao An ninh lương thực toàn cầu diễn ra trong bối cảnh nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng đáng báo động đối với trẻ em trên thế giới, nhất là tại những khu vực có xung đột. Chủ trì hội nghị, Anh muốn đưa vấn đề an ninh lương thực trở lại tâm điểm của nỗ lực toàn cầu, với các sáng kiến và dự án nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: FAHD
Biếm họa: FAHD

Diễn ra tại London chỉ trong một ngày (20/11), Hội nghị An ninh lương thực toàn cầu do Anh và Somalia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng Tổ chức Quỹ đầu tư trẻ em (CIFF) và Quỹ Bill&Melinda Gates đồng tổ chức, với sự tham dự của các đại diện từ 20 quốc gia khắp các châu lục. Hội nghị cũng thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế và quỹ tài chính, như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Phi...

Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, được đưa ra hồi tháng 9/2023, sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực trên thế giới ngày càng sâu sắc do bất ổn, xung đột và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Hội nghị thu hút chú ý đặc biệt của dư luận và làm nổi bật tính cấp thiết của hợp tác quốc tế nhằm chấm dứt nạn đói và giảm tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều nơi trên thế giới.

Chính phủ Anh ước tính, gần một tỷ người trên thế giới đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó khoảng 345 triệu người ở mức độ rất cao, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để tồn tại và duy trì sinh kế. Đây là con số cao nhất trong 5 năm gần đây và xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn, thậm chí tồi tệ hơn. Hơn một phần ba dân số toàn cầu không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng. Số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính lên 60 triệu vào năm 2022 và tình trạng này vẫn là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em nhiều nhất, dù có thể được phòng ngừa và ngăn chặn.

Theo đánh giá của Chính phủ Anh, tham vọng và nỗ lực tập thể của cộng đồng quốc tế chưa tương xứng với “quy mô khắc nghiệt” của tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, xung đột leo thang ở nhiều nơi, giá lương thực cao, nhiều quốc gia bị đẩy tới gần bờ vực nạn đói và những người nghèo nhất bị bỏ lại phía sau. Thực trạng trên đang gióng lên hồi chuông báo động về hành động khẩn cấp trên quy mô toàn cầu.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Sunak nói: “Trong thế giới ngày nay, không thể để ai phải chết vì thiếu lương thực, không để cha mẹ nào phải nhìn con mình chết vì đói”. Lãnh đạo Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết nguyên nhân cơ bản gây mất an ninh lương thực, xây dựng hệ thống thực phẩm linh hoạt hơn và hành động ngay lập tức để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng.

Đồng chủ trì hội nghị, Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud nêu bật những thách thức đối với an ninh lương thực của châu Phi, nhất là khu vực Đông Phi, như khí hậu khắc nghiệt, rào cản đối với phát triển kinh tế. Phát biểu ý kiến qua video, tỷ phú Bill Gates cũng cảnh báo xung đột và bất ổn địa - chính trị đã làm gián đoạn và có thể phá hủy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, trong đó có ngũ cốc và phân bón. Theo đại diện UAE, nước giữ vai trò Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng là chủ đề được quan tâm cao tại COP28 vào cuối tháng 11 tới.

Anh đã công bố một số sáng kiến về hỗ trợ ứng phó khủng hoảng lương thực, nêu bật vai trò của nỗ lực ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Không có tuyên bố chung, không có cam kết quốc tế về viện trợ tài chính, song hội nghị đã đưa vấn đề an ninh lương thực trở lại quỹ đạo nỗ lực toàn cầu, hướng tới hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.