Nỗ lực khôi phục hành lang ngũ cốc

Nỗ lực ngoại giao con thoi liên tiếp trong những ngày qua giữa các nước cũng như đề xuất của LHQ đều hướng tới mục tiêu chung là khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, mở hành lang vận chuyển lương thực an toàn, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đang ảnh hưởng sâu sắc thị trường lương thực toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Ngũ cốc từ Ukraine phát miễn phí tại Somalia. Ảnh: REUTERS
Ngũ cốc từ Ukraine phát miễn phí tại Somalia. Ảnh: REUTERS

Ngày 4/9, theo AP, tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm sâu rộng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tháng 5/2023 và sau khi Moscow rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Ankara làm trung gian.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng khôi phục thỏa thuận, nhưng chỉ sau khi tất cả các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Nga được gỡ bỏ. Ông cũng nhấn mạnh Nga sẽ cung cấp 1 triệu tấn ngũ cốc với giá ưu đãi để chế biến tại Thổ Nhĩ Kỳ và miễn phí vận chuyển tới các nước nghèo nhất trong thời gian tới. Nhà lãnh đạo Nga tiết lộ nước này sắp hoàn tất các thỏa thuận với 6 quốc gia châu Phi, trong đó Moscow dự định cung cấp thực phẩm miễn phí và thậm chí thực hiện giao hàng và logistics miễn phí, bắt đầu trong vài tuần tới.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan khẳng định thỏa thuận ngũ cốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhận xét việc Nga dự định gửi thực phẩm đến các nước nghèo nhất là điều đúng đắn. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẵn sàng đảm nhận vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, thảo luận về hành lang biển do Kiev thiết lập ở Biển Đen để bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận. Đăng trên mạng xã hội sau cuộc điện đàm, Tổng thống Zelensky nêu rõ: “Chúng tôi đã thảo luận các cách để bảo đảm hoạt động của hành lang ngũ cốc cũng như tăng cường an ninh cho khu vực Odessa”.

Cùng mục tiêu sớm mở lại hành lang vận chuyển ngũ cốc Ukraine an toàn qua các cảng ở Biển Đen, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã gửi tới Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov các đề xuất cụ thể nhằm khôi phục Sáng kiến. Gói đề xuất có điều khoản về việc đàm phán nhằm dỡ bỏ các hạn chế đối với các nhà sản xuất thực phẩm của Nga - những công ty có tài sản bị châu Âu phong tỏa. Tờ Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, LHQ còn đề xuất bắt đầu công việc đánh giá thiệt hại của các đường ống bị hư hỏng, kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ngoài ra, dự án cung cấp ngũ cốc Nga chế biến tại Thổ Nhĩ Kỳ cho các nước có nhu cầu đang thu hút sự chú ý. Dự án này được cho là sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Qatar.

LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nga đã đình chỉ tham gia thỏa thuận trên từ tháng 7 vừa qua với lý do phần liên quan Moskva trong thỏa thuận đã không được thực hiện. Tổng thống Putin tuyên bố không loại trừ việc nối lại sáng kiến này khi các điều kiện của Nga được đáp ứng.

Trong khi chờ khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Liên minh châu Âu (EU) đang cung cấp các tuyến thương mại thay thế, còn được gọi là “các tuyến đường đoàn kết”, tới Ukraine để phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và các mặt hàng khác. EU nêu rõ, kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen hết hiệu lực, khoảng 45 triệu tấn ngũ cốc, hạt có dầu và các sản phẩm liên quan của Kiev đã được xuất khẩu thông qua các tuyến đường huyết mạch thay thế qua Ba Lan và Romania. Ngoài nông sản, các tuyến đường đoàn kết của EU cũng giúp Ukraine xuất khẩu hơn 36 triệu tấn hàng hóa khác như sắt, quặng, thép, đất và gỗ, tạo ra thu nhập 33 tỷ euro cho người nông dân và doanh nghiệp của Ukraine.