Nỗ lực giữ chân người lao động

Thị trường lao động hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu việc làm cục bộ, do tác động của thị trường thế giới. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã xác định năm nay có nhiều khó khăn, đơn hàng ít và thời gian ký ngắn nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ chân người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn do đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm. Ảnh: TTXVN
Lao động ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn do đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm. Ảnh: TTXVN

Khó thực hiện tăng lương cho lao động dệt may

Theo thống kê, ba tháng đầu năm 2023, dệt may ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do khó khăn về đơn hàng (với mức bình quân giảm 25-27%), giá nhiên liệu tăng cao… khiến xuất khẩu ngành dệt may lao dốc.

Ông Chu Hữu Nghị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt may Hưng Yên chia sẻ: “Dệt may đang phải ăn đong, ví như chúng tôi chẳng hạn, đến giờ là cuối tháng 3 nhưng lượng đơn hàng phủ kín năng lực sản xuất của chúng tôi mới chỉ hết tháng 4 và tháng 5 còn tháng 6 chưa đầy đủ. So với năm 2022 thì giá gia công của chúng tôi đang giảm 10-15% là ít nhất”. Nhiều lao động cũng cho biết, thời điểm hiện tại họ đang khó khăn hơn cả dịp Tết vì khi đó vẫn còn đơn hàng để làm, có lương, có thưởng Tết. Nếu như những năm trước, doanh nghiệp thường ký được đơn hàng cho sáu tháng tiếp theo thì năm nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ có đơn hàng trong khoảng hai đến ba tháng hoặc từng tháng một. Không những thế giá gia công cũng giảm.

Thông thường, những tháng đầu năm vốn là mùa thấp điểm của ngành dệt may, lại do ảnh hưởng của đại dịch, do mức tiêu thụ hàng hóa của thế giới suy giảm mạnh khiến đơn hàng về Việt Nam càng ít. Nhiều doanh nghiệp đang phải dùng Quỹ dự phòng để duy trì lương, giữ chân người lao động nhưng nguồn quỹ cũng đang dần cạn kiệt.

Mới trong tháng 3, Công ty PouYuen (chuyên gia công giày xuất khẩu và dệt may) có văn bản gửi cơ quan chức năng về việc thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với gần 2.400 công nhân do khó khăn về đơn hàng. Ban đầu, Công ty Pou Yuen định cắt giảm hơn 6.000 lao động nhưng sau đó cắt giảm chỉ hơn 2.000 người. Duy trì được việc làm là một nỗ lực vô cùng lớn của các doanh nghiệp. Với một công ty lớn, trước đây chỉ có tuyển lao động và tuyển không đủ mà giờ đây phải cho số lượng lớn công nhân nghỉ việc cho thấy các doanh nghiệp trong ngành da giày và dệt may đang thật sự rất khó khăn. Tuy nhiên các công ty trong ngành đang cố gắng không cắt giảm lao động ồ ạt.

Hiệp hội Dệt may đã xác định năm nay có nhiều khó khăn, đơn hàng ít và thời gian ký ngắn nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng không cắt giảm lao động. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Hiệp hội chúng tôi đang cố gắng duy trì việc làm và tìm kiếm cơ hội mới để người lao động có thu nhập ổn định. Năm nay định hướng tăng lương cho người lao động chắc là khó thực hiện”.

Ngành da giày cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng cắt giảm lao động. Nhiều nơi vẫn cố gắng giữ chân người lao động và hy vọng tình hình sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm 2023. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: “Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp là buộc phải cắt giảm lực lượng lao động do ảnh hưởng thiếu đơn hàng còn 70% các doanh nghiệp của chúng tôi vẫn duy trì. Chúng tôi đã làm việc với các khách hàng lớn như Nike, Adidas để họ vẫn duy trì cam kết giữ sản lượng hơn 50% tại Việt Nam”.

Phải cắt giảm người và giảm chi phí là điều không doanh nghiệp nào mong muốn, bởi khi đơn hàng tăng trở lại họ sẽ không xoay xở kịp người để làm. Nhiều doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách để vẫn giữ được ổn định nhân lực cho công ty. Đơn cử, Công ty TNHH Viking Việt Nam đang tích cực tìm kiếm khách hàng mới ở những thị trường ngách, thị trường phi truyền thống; linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo từng tuần, từng tháng và giảm size hàng trong mỗi đơn hàng; nâng cao chất lượng sản phẩm để thuyết phục các khách hàng khó tính; không lấy lợi nhuận làm mục tiêu… để bảo đảm việc làm ở mức tương đối cho công nhân, nhằm giữ chân người lao động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tăng cường kết nối với các nhà trọ để kêu gọi chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các gói vay ưu đãi cho công nhân thông qua tổ chức tài chính vi mô CEP, cũng như sớm triển khai các giải pháp để công nhân yên tâm với công việc mà mình đang gắn bó.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp dệt may đang bước vào “cuộc đua” mới, làm sao vừa giữ chân người lao động, làm sao có được những lao động có tay nghề cao, thiết kế tốt. Bởi hiện nay, không chỉ giữ đơn hàng phổ thông, giá rẻ mà ngành dệt may cần hướng tới những đơn hàng may cao cấp, yêu cầu phức tạp từ các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ lợi thế năng lực sản xuất, quản lý tốt.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Nỗ lực giữ chân người lao động ảnh 1

Các doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm kiếm việc làm để giữ chân người lao động. Ảnh: TTXVN

Hỗ trợ người lao động

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: “Có rất nhiều doanh nghiệp tìm các giải pháp khôi phục việc làm cho người lao động hoặc giữ chân người lao động để thực hiện những kế hoạch của năm 2023. Đối với tổ chức công đoàn, chúng tôi vẫn đẩy mạnh gói hỗ trợ của công đoàn cho đoàn viên và người lao động ở những doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn để có thể bảo đảm cuộc sống. Khoản tiền hỗ trợ người lao động không nhiều nhưng cũng giúp người lao động bớt đi phần nào khó khăn”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết 06 chưa có tiền lệ là hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, trích từ Quỹ công đoàn. Cụ thể, người lao động là đoàn viên công đoàn bị giảm giờ làm, ngừng việc sẽ được hỗ trợ từ một đến ba triệu đồng. Đồng thời chỉ đạo công đoàn các cấp thống kê chính xác số lao động bị giãn việc, mất việc để hỗ trợ kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng, xác nhận đến đâu sẽ chi ngay tiền hỗ trợ đến đó. “Mỗi một người lao động là đoàn viên công đoàn được nhận hỗ trợ một lần. Các trường hợp đoàn viên là người lao động được hưởng nhiều mức hỗ trợ khác nhau sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất”, bà Trần Thị Thanh Hà nói.

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 31/3 năm nay. Chậm nhất hết tháng 5 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ. Ước tính sẽ có hơn 600.000 người sẽ được hưởng gói hỗ trợ này. Ước tính chương trình đến nay đã chi được khoảng 205 tỷ đồng.

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm quốc gia về Dịch vụ việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: “Lao động bị mất việc đang dẫn đến những hệ lụy về vấn đề an sinh xã hội, về thu nhập, việc làm bấp bênh nên đang là thách thức lớn đối với thị trường lao động, bản thân người lao động và các doanh nghiệp. Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp bền vững và cũng rất quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo lại lao động, nâng cao tay nghề để phù hợp với xu hướng việc làm. Về quan điểm này, ông Ngô Xuân Liễu cho biết, việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề là việc làm thường xuyên của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong Nghị quyết 06, Chính phủ đã nêu rất rõ chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó chú trọng vào vấn đề đào tạo lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết nêu rõ về việc ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đào tạo lao động trong doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường: Nguy cơ suy thoái toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng là những thách thức lớn với nền kinh tế và thị trường lao động. Dự kiến nửa cuối năm 2023 tình hình mới bớt khó khăn. Do đó, lúc này rất cần chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi.