Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Phát biểu ý kiến bên lề Hội nghị cấp cao Hệ thống Lương thực Liên hợp quốc (LHQ) tại Rome (Italy), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Nga đàm phán nhằm nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ông cũng hối thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để tìm kiếm các giải pháp hiệu quả bảo đảm an ninh lương thực.
0:00 / 0:00
0:00
Các tàu chở ngũ cốc rời cảng Ukraine khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen còn hiệu lực. Ảnh: TASS
Các tàu chở ngũ cốc rời cảng Ukraine khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen còn hiệu lực. Ảnh: TASS

Kể từ khi Nga dừng tham gia thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, giá lúa mì và ngô đã tăng mạnh và điều này sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia dễ bị tổn thương. Tổng Thư ký Guterres đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Ông đề xuất Moscow gia hạn văn kiện này đổi lại việc LHQ hỗ trợ kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Tháng 7/2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Kiev ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận ba lần được gia hạn và hết hiệu lực vào ngày 17/7.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố không gia hạn thỏa thuận này với lý do phần thỏa thuận liên quan nước này đã không được thực hiện. Tổng thống Putin tuyên bố nước này sẵn sàng thay thế nguồn cung ngũ cốc của Ukraine trên cơ sở thương mại hay miễn phí, đồng thời tiếp tục cung cấp ngũ cốc, lương thực, phân bón và các mặt hàng khác cho các quốc gia châu Phi bất chấp những biện pháp trừng phạt.

Nga cáo buộc trong gần một năm, tổng cộng 32,8 triệu tấn lương thực đã được xuất khẩu từ Ukraine theo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, trong đó hơn 70% là đến các nước có thu nhập cao và trung bình cao, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU), trong khi các nước như Ethiopia, Sudan và Somalia, cũng như Yemen và Afghanistan chỉ nhận được chưa đến 3%, tức chưa đến 1 triệu tấn. Tổng thống Putin cũng chỉ trích phương Tây cản trở việc cung cấp phân bón miễn phí của Nga cho các nước nghèo nhất. Theo ông Putin, trong số 262.000 tấn sản phẩm bị ngăn chặn tại các cảng châu Âu, chỉ có hai lô được gửi đi, bao gồm 20.000 tấn đến Malawi và 34.000 tấn đến Kenya.

Nga khẳng định, chỉ quay lại tham gia thỏa thuận khi đáp ứng yêu cầu về việc tạo điều kiện cho các loại thực phẩm và phân bón của nước này tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn. Tổng thống Putin nêu điều kiện để Nga quay trở lại tham gia thỏa thuận ngũ cốc, bao gồm gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga; gỡ bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới, kết nối với SWIFT; nối lại việc cung cấp cho Nga các linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp và sản xuất phân bón; giải quyết tất cả các vấn đề về thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu thực phẩm của Nga; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong tỏa tài sản của Nga liên quan nông nghiệp; khôi phục bản chất nhân đạo ban đầu của thỏa thuận ngũ cốc. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin, Nga đã vạch ra các tuyến đường mới để xuất khẩu ngũ cốc sau khi chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và Ukraine đe dọa đánh chìm tàu đến Nga.

Trong khi đó, LHQ và các nước cũng nỗ lực thúc đẩy khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi các nước phương Tây cân nhắc những yêu cầu của Moscow, nêu rõ việc chấm dứt thỏa thuận sẽ kéo theo nhiều hậu quả, từ tình trạng tăng giá lương thực toàn cầu tới nạn khan hiếm lương thực ở một số vùng và có thể dẫn tới những làn sóng di cư mới. Ông bày tỏ tin tưởng thông qua những cuộc thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề này với Tổng thống Putin, các bên có thể bảo đảm duy trì sáng kiến ngũ cốc, tránh cho thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực.