Nỗ lực chuyển đổi xanh

Chính phủ Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là mục tiêu hết sức tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Để đạt được những bước chuyển hóa căn bản, từng bước tiến tới đích đến đã được vạch ra, chúng ta cần có sự chung tay của cả Nhà nước và doanh nghiệp, tận dụng cả nguồn lực từ bên trong lẫn bên ngoài.
0:00 / 0:00
0:00

Các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quá trình chuyển đổi xanh bằng một số bước đi cụ thể. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc ký kết vay vốn phục vụ chuyển đổi từ bên ngoài. Mỗi thương vụ có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Cuối tháng 9, Tín Thành Group ký hợp đồng nhận vốn của tổ chức tài chính Acuity Funding (Australia) 6,4 tỷ USD. Tập đoàn cho biết, sẽ dùng số vốn này triển khai hàng loạt dự án tại Việt Nam và Mỹ, đều liên quan chuyển đổi xanh hay kinh tế xanh.

Cũng trong tháng 9, BIM Land và Công ty Thanh Xuân nhận được cam kết đầu tư 150 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC). 50 triệu USD sẽ dùng để phát triển khu dân cư thân thiện môi trường kèm tổ hợp khách sạn tại Vĩnh Phúc. 100 triệu USD còn lại dùng để phát triển các giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại hai khách sạn ở Phú Quốc. Trong tương lai không xa, sẽ còn nhiều hơn nữa những thương vụ tương tự.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh trong bối cảnh thuận lợi của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp lớn, xứng tầm khu vực vẫn còn rất ít, chưa nói gì đến tầm thế giới. Nói một cách khác, phần đông các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực để phát triển hơn nữa. Quá trình tích lũy chưa kết thúc thì đã phải bước sang chuyển đổi xanh trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn về khí thải và môi trường. Muốn duy trì vị thế cũng như sức cạnh tranh, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sang một con đường mới mang tính chiến lược và hiệu quả hơn.

Mục tiêu của chuyển đổi xanh là hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nó bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Thế nhưng chuyển đổi xanh yêu cầu những khoản đầu tư rất lớn. Riêng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, hàng tỷ USD chỉ như “muối bỏ biển”. Thời gian để hoàn vốn một dự án xanh có thể kéo dài qua nhiều năm. Nếu chỉ tính riêng cho các dự án năng lượng tái tạo, thời gian hoàn vốn thường từ 13-15 năm. Trong lúc nguồn lực của cả Nhà nước và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, việc chuyển đổi xanh đặt ra nhiều thách thức.

Trải qua nhiều năm nỗ lực phấn đấu, chúng ta đã gặt hái được những “trái ngọt” trong phát triển kinh tế. Năm 2022, GDP bình quân đầu người đã đạt 4.162,94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới. Mức tăng trưởng ấn tượng này đã giúp chúng ta nhảy 56 bậc so với những năm 2000. Đã đến lúc, chúng ta đủ tự tin để chuyển đổi từ phát triển sang phát triển bền vững. Đó cũng là con đường để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.