Nỗ lực bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia

Tiếp nối những thành công của Hiệp định Abraham - sáng kiến do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm thuyết phục các nước Arab công nhận Nhà nước Do thái, Israel đang nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia. Tuy nhiên, một thỏa thuận do Washington làm trung gian giữa Tel Aviv và Riyadh sẽ không thể đạt được nếu không có những diễn biến tích cực hướng tới một giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
0:00 / 0:00
0:00
Israel mở lại cửa khẩu Kerem Shalom nhằm tạo thuận lợi trong đàm phán với Palestine. Ảnh: AFP
Israel mở lại cửa khẩu Kerem Shalom nhằm tạo thuận lợi trong đàm phán với Palestine. Ảnh: AFP

Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Israel, ông Tzachi Hanegbi cho biết, Israel và Chính quyền Palestine (PA) đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp như một phần trong nỗ lực của Tel Aviv nhằm đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia. Cố vấn an ninh cấp cao của Israel đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Palestine trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Tel Aviv và Riyadh trong tương lai.

Phát biểu ý kiến tại một hội nghị an ninh, ông Hanegbi thông báo, lần đầu trong một thập niên qua, các đại diện của Israel và Palestine có các cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở về mong muốn của cả hai phía. Các cuộc đàm phán được tổ chức trong khuôn khổ một diễn đàn được thành lập dưới vai trò trung gian của Jordan, như một phần trong nỗ lực của Israel nhằm chính thức thiết lập quan hệ với Saudi Arabia.

Để tạo không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán với Palestine, Israel đã mở lại cửa khẩu Kerem Shalom - điểm giao thương duy nhất giữa dải Gaza và Israel. Israel đóng cửa khẩu Kerem Shalom hồi đầu tháng 9 sau khi quân đội nước này cho biết đã phát hiện thuốc nổ giấu trong quần áo trên ba chiếc xe tải. Phía Palestine đã yêu cầu Israel dỡ bỏ lệnh cấm trên do ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn gia đình tại dải Gaza. Các doanh nghiệp Palestine cảnh báo việc đóng cửa khẩu Kerem Shalom có thể gây ra thảm họa nhân đạo ở dải Gaza.

Ngoài ra, giới chức Palestine tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực để Chính phủ Israel chấm dứt hoạt động tài trợ cho những nhóm người định cư ở khu Bờ Tây. Israel đã chiếm đóng Bờ Tây từ năm 1967. Kể từ đó, nước này đã xây dựng và mở rộng nhiều khu định cư được cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là vấn đề gây tranh cãi nhất trong căng thẳng giữa Palestine và Israel, đồng thời là một trong các nguyên nhân chính khiến các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ đổ vỡ từ hồi tháng 3/2014. Theo số liệu chính thức của Palestine, hiện có hơn 600.000 người định cư Israel sinh sống ở khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Tor Wennesland, đã bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực gia tăng ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng trong những tháng gần đây. Theo Đặc phái viên của LHQ, hoạt động xây dựng các khu định cư vẫn diễn ra, đẩy cuộc sống của nhiều người dân Palestine vào tình cảnh khó khăn. LHQ kêu gọi các bên cần có tầm nhìn chính trị để chấm dứt tình trạng chiếm đóng và đạt được giải pháp hai nhà nước phù hợp các nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đó.

Căng thẳng tại Trung Đông khiến tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia đối mặt nhiều thách thức. Cả Mỹ và Saudi Arabia trong những tháng gần đây đều nhấn mạnh rằng, một thỏa thuận do Washington làm trung gian giữa Tel Aviv và Riyadh sẽ không thể đạt được nếu không có những tiến triển tích cực về giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Cận Đông Barbara Leaf vừa đến Israel để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia. Việc đạt được thỏa thuận chính thức về vấn đề này sẽ là bước tiến lịch sử đưa Nhà nước Do thái hội nhập vào khu vực rộng lớn hơn, sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thúc đẩy thành công các thỏa thuận tương tự giữa Israel và Morocco, Sudan, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).