Những thách thức với chính phủ mới của Italy

Bà Giorgia Meloni đã chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 22/10, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy. Chính phủ của bà Meloni là chính phủ thiên hữu nhất tại Italy kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và đang đối mặt nhiều thách thức cả ở cấp quốc gia và quốc tế, đòi hỏi người đứng đầu đất nước phải “vững tay chèo”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: EMANUELE DEL ROSSO
Biếm họa: EMANUELE DEL ROSSO

Bà Meloni là người đứng đầu liên minh cánh hữu, gồm ba đảng Anh em Italy (FdI), Liên đoàn và Forza Italia (FI), giành được đa số ghế trong cả hai viện của Quốc hội sau cuộc bầu cử sớm ngày 25/9. Ngày 21/10, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã giao cho bà Meloni nhiệm vụ thành lập chính phủ mới và bà đã công bố danh sách chính phủ mới sau khi được Tổng thống chấp thuận. Chính phủ mới của bà gồm 24 bộ trưởng, trong đó có sáu nữ bộ trưởng.

Chính phủ mới nhậm chức trong bối cảnh Italy phải đối mặt nhiều thách thức, cả ở cấp quốc gia và quốc tế, như lạm phát tăng, nợ công cao, khủng hoảng năng lượng, cải cách châu Âu và xung đột Ukraine. Thử thách đầu tiên của chính phủ mới là dự thảo ngân sách năm 2023 phải được thông qua trong vòng hai tháng nữa. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và lãi suất gia tăng, Chính phủ Italy được nhận định là sẽ gặp khó khăn trong cân bằng ngân sách.

Trước thềm bầu cử, Giám đốc bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Alfred Klammer khuyến nghị Italy nên nỗ lực cắt giảm nợ công. Phát biểu ý kiến trong một cuộc họp báo về kinh tế châu Âu, ông Klammer nhận định Italy đang đối mặt một tình huống phức tạp về chính sách kinh tế. Ông khẳng định: “Trong tình huống tăng trưởng thấp hơn và lãi suất tăng, Italy sẽ phải hết sức tập trung vào ngân sách của mình và việc giảm tỷ lệ nợ trên GDP theo cách của chính phủ tiền nhiệm. Những diễn biến gần đây nhất sẽ đòi hỏi một nỗ lực ngân sách tham vọng hơn”. Theo IMF, Rome cần củng cố ngân sách thông qua việc cắt giảm chi tiêu.

Bộ Tài chính Italy cũng đưa ra dự báo không mấy khả quan về triển vọng kinh tế của “đất nước hình chiếc ủng”. Theo đó, Bộ Tài chính Italy nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã sụt giảm trong quý III và sẽ tiếp tục xu hướng đó cho đến quý II/2023.

Theo truyền thông Italy, các nguyên nhân chính cản đà tăng trưởng của nước này là giá nhiên liệu tăng và lạm phát leo thang ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp. Những dự báo trên được xem là thách thức đối với chính phủ mới của Italy khi liên minh trung hữu, trong đó đảng FdI là nòng cốt, có kế hoạch tung ra chương trình kích thích kinh tế mới.

Trong cam kết tranh cử, bà Giorgia Meloni đã tuyên bố đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong việc giải quyết vấn đề chi phí năng lượng tăng cao. Tân Thủ tướng Italy khẳng định sẽ đưa ra một chiến lược sáng suốt để bảo vệ lợi ích quốc gia, cam kết bảo vệ ngành công nghiệp và nông nghiệp của Italy khỏi những tác động của giá năng lượng leo thang, cũng như đại dịch Covid-19 và đợt nắng nóng kỷ lục gây thiệt hại mùa màng vào mùa hè vừa qua. Lãnh đạo FdI khẳng định ưu tiên hàng đầu của bà là bảo vệ thương hiệu nông sản “Made in Italy” và chuỗi cung ứng của Italy để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Italy đã chi 60 tỷ euro kể từ năm ngoái để hỗ trợ các hộ gia đình và ngành công nghiệp nước này đối phó giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti cho biết, các biện pháp hỗ trợ nông dân chủ yếu là ưu đãi tín dụng thuế chứ không phải hỗ trợ thanh toán hóa đơn tiền điện - vốn đã tăng 500% kể từ năm ngoái, hoặc chi phí phân bón vốn đã tăng 170%.

Với những khó khăn mà Italy đang phải đối mặt, người dân nước này đang trông chờ chính phủ mới có năng lực giải quyết một loạt các vấn đề nóng và chèo lái con thuyền đất nước vượt qua sóng gió.