Những rắc rối phía sau hệ thống THAAD

Ngày 7-6, Hàn Quốc đã yêu cầu Mỹ tạm ngừng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc để đánh giá lại tác động của nó với môi trường. Quyết định trên của Seoul được xem là một thất bại của Washington trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh việc triển khai toàn bộ hệ thống THAAD ở “xứ sở kim chi”.

Lực lượng cảnh sát được điều động bảo vệ hệ thống THAAD tại Seongju. Ảnh: THE JAPAN TIMES
Lực lượng cảnh sát được điều động bảo vệ hệ thống THAAD tại Seongju. Ảnh: THE JAPAN TIMES

Hệ thống phòng thủ tên lửa ưu việt

THAAD là một trong bốn hệ thống phòng thủ tên lửa ưu việt của Mỹ. Ngoài THAAD, Mỹ còn triển khai ở một số nơi trên thế giới ba hệ thống tên lửa khác, gồm Hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD), Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và Hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (PAC-3).

THAAD do Tập đoàn chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và các kỹ thuật tiên tiến quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) thiết kế và sản xuất, có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung trong giai đoạn chuẩn bị lao xuống mặt đất. Theo nhà thiết kế Lockheed Martin, mỗi tổ hợp THAAD gồm sáu bệ phóng với 48 tên lửa đánh chặn, đơn vị kiểm soát và bắn tên lửa, cùng hệ thống radar AN/TPY-2. Hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly 200 km, tầm cao 150 km.

Tờ Business Insider cho biết, tổ hợp THAAD đầu tiên được quân đội Mỹ triển khai hoạt động vào năm 2008. Tháng 4-2013, Lầu năm góc đã triển khai một tổ hợp THAAD đến đảo Guam nhằm ngăn chặn hành động, mà theo giới chức Mỹ là có ý đồ khiêu khích, của CHDCND Triều Tiên, cũng như bảo vệ các khu vực khác ở Thái Bình Dương.

Mặc dù có giá thành cao, lên tới hơn 1,3 tỷ USD, chưa kể chi phí duy trì tổ hợp khoảng 22 triệu USD/năm, song hiệu quả tác chiến của THAAD chưa đạt được kết quả mong muốn. Theo tờ Defense News, tỷ lệ đánh chặn thành công của THAAD hiện đạt hơn 90%. Tuy nhiên, ở những lần đánh chặn được coi là thành công này, THAAD chỉ đáp ứng việc ngăn chặn một hoặc hai đầu đạn tiến công. “Ðối với các đợt tiến công bằng tên lửa quy mô lớn, hiệu năng phòng thủ của THAAD vẫn bị nghi ngờ”, Philip Coyle - chuyên gia cấp cao của Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí của Mỹ nhận định.

THAAD đã được quân đội Mỹ sử dụng trong nhiều năm qua để bảo vệ những đơn vị trọng yếu của họ ở các khu vực như đảo Guam và Hawaii khỏi các cuộc tiến công tiềm tàng. Ngoài lãnh thổ Mỹ, THAAD còn được triển khai ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

Lý do khiến Hàn Quốc đồng ý triển khai THAAD trước hết là đối phó chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Theo tính toán của Cục Tình báo quốc phòng Mỹ, từ việc sở hữu một tới hai đơn vị vũ khí hạt nhân từ đầu những năm 2000 tới thời điểm hiện tại Triều Tiên đã tăng lên 30 đơn vị, và có thể lên tới 60 đơn vị vào cuối thập niên này. “Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo riêng của họ, và trách nhiệm của chúng tôi là duy trì một hệ thống phòng vệ mạnh mẽ để chống lại các mối đe dọa đó. THAAD có thể là một bổ sung quan trọng và hiệu quả cho các hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp”, tướng Curtis M. Scaparrotti, Chỉ huy lực lượng liên quân Mỹ - Hàn Quốc cho biết.

Kế hoạch triển khai hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc được chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye thông qua hồi tháng 7-2016 trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa. Theo thỏa thuận này, Hàn Quốc sẽ cung cấp địa điểm triển khai THAAD, còn phía Mỹ phụ trách việc lắp đặt và bảo dưỡng. Ban đầu Seoul và Washington định triển khai một tổ hợp THAAD tại phía đông nam Hàn Quốc, song đến tháng 9-2016, vị trí này bị thay đổi, THAAD được đưa về lắp đặt tại sân golf ở hạt Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi có ít dân cư sinh sống. Tháng 3-2017, các bộ phận đầu tiên của THAAD đã được đưa đến và lắp đặt tại hạt Seongju.

Việc triển khai hệ thống THAAD đã gây tranh cãi ở Hàn Quốc, đồng thời vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Ở trong nước, người dân ở Seongju - nơi lắp đặt hệ thống THAAD, đã phản đối vì lo ngại việc triển khai và hoạt động của các hệ thống máy móc quân sự này sẽ gây ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ. Hơn nữa, việc các binh sĩ Mỹ hiện diện ở khu vực dân cư cũng là một vấn đề gây lo lắng.

Những rắc rối phía sau hệ thống THAAD ảnh 1

Biếm họa của PODVITSKY

“Rào cản” môi trường

Theo dự kiến, việc triển khai THAAD sẽ hoàn tất sớm nhất vào tháng 6 và chậm nhất vào cuối năm 2017. Hiện, hai trong tổng cộng sáu bệ phóng của hệ thống THAAD được triển khai. Tuy nhiên, ngày 7-6 vừa qua, theo yêu cầu của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Mỹ buộc phải tạm ngừng công việc.

Là người kế nhiệm bà Park Geun-hye, nhưng Tổng thống Moon Jae-in không có cùng quan điểm với người tiền nhiệm về việc triển khai hệ thống THAAD. Sau khi đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 9-5 mới đây, ông Moon Jae-in đã yêu cầu chính phủ nước này thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét những tranh cãi chung quanh việc triển khai THAAD. Theo Yonhap News, nhóm đặc nhiệm này do Bộ trưởng Văn phòng Ðiều phối chính sách của chính phủ (OPC) đứng đầu, bao gồm thứ trưởng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Môi trường. Nhiệm vụ của nhóm là tập hợp ý kiến của các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Môi trường, qua đó nghiên cứu cách thức giải quyết những vấn đề liên quan THAAD, bao gồm cả đánh giá tác động đối với môi trường. Và chính môi trường đã trở thành rào cản lớn buộc Mỹ phải tạm dừng triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc một thời gian.

Theo thỏa thuận với Mỹ, Hàn Quốc sẽ cấp 700.000 m2 đất để triển khai THAAD. Quá trình này được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu là 320.000 m2 và trong giai đoạn hai, phía Hàn Quốc sẽ cấp thêm 380.000 m2 đất còn lại. Căn cứ theo quy định ghi trong luật pháp Hàn Quốc là “Việc lắp đặt thiết bị hay xây dựng cơ sở trên diện tích đất rộng hơn 330.000 m2 mới cần phải đánh giá về ảnh hưởng đối với môi trường trước khi được triển khai”, thì phía Mỹ và Hàn Quốc chỉ cần đánh giá về tác động của THAAD đối với môi trường ở phần đất 380.000 m2 chứ không phải trải qua đánh giá đầy đủ về môi trường đối với tổng cộng 700.000 m2 đất. Ðể thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch, theo Yonhap News, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã có những “động thái” nhằm tạo cảm giác THAAD chỉ có quy mô nhỏ. Ðây là một trong những nguyên nhân chính buộc Mỹ phải tạm dừng kế hoạch triển khai THAAD.

Ngoài ra, việc triển khai THAAD còn gặp trục trặc khi cuối tháng 5 vừa qua, một người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã công bố thông tin cho biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã “cố tình bỏ sót” thông tin về bốn bệ phóng tên lửa của hệ thống THAAD đã được triển khai trong báo cáo trình Tổng thống Moon Jae-in. Trước đó, Tổng thống Moon Jae-in đã yêu cầu điều tra vấn đề này do ông cảm thấy “sốc” trước việc các bệ phóng tên lửa được triển khai nhiều hơn mà Bộ Quốc phòng không hề có báo cáo với chính quyền mới cũng như với công chúng.

Giới phân tích nhận định, việc tạm dừng triển khai THAAD để đánh giá lại tác động đối với môi trường có thể làm chậm kế hoạch của Mỹ. Với rào cản mới này, kế hoạch của Lầu năm góc có thể sẽ phải kéo tới cuối năm 2018, thậm chí lâu hơn bởi việc đánh giá tương tự đối với quá trình triển khai THAAD ở đảo Guam trước đây đã mất tới 23 tháng.

Lo ngại Hàn Quốc hủy bỏ quyết định triển khai hệ thống THAAD của Mỹ, người phát ngôn của Lầu năm góc Gary Ross bày tỏ sự tin tưởng của Mỹ đối với lập trường chính thức của Hàn Quốc trong việc triển khai THAAD, đồng thời hy vọng quyết định này sẽ không bị đảo ngược. Ông Gary Ross cũng nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Seoul để thúc đẩy hoạt động này.