Những hộp đựng trà qua nhiều thế hệ

Tại cố đô Kyoto của Nhật Bản, Kakaido là công ty gia đình với truyền thống làm hộp đựng trà. Tuy có vẻ ngoài hiện đại song thiết kế hộp đựng trà Kakaido đã không thay đổi trong gần 150 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Các hộp đựng trà đẹp mắt của gia đình Kakaido. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Các hộp đựng trà đẹp mắt của gia đình Kakaido. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo The New York Times, được thiết kế và chế tác bởi sáu thế hệ gia đình Yagi trong nhiều năm, các hộp trà còn được gọi là “chazutsu” (trong tiếng Nhật “cha” có nghĩa là trà, “zutsu” là hộp đựng). Chúng được làm bằng đồng, thiếc với kiểu dáng hình trụ đẹp mắt. Đi kèm hộp trà là hướng dẫn bảo quản đơn giản: không rửa, không làm lạnh và chạm vào hộp mỗi ngày do dầu từ da người giúp mang lại cho hộp vẻ sáng bóng nhẹ nhàng và tạo nên sự thay đổi mầu sắc đẹp hơn theo thời gian.

Seiji Yagi, 75 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Kaikado và là một nghệ nhân thế hệ thứ năm của gia đình cho biết, Kaikado được thành lập vào năm 1875, ngay sau khi Nhật Bản mở cửa với phần còn lại của thế giới. Trong giai đoạn đó, Nhật Bản ghi nhận sự ưa chuộng đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu mới. Tôn và thiếc từ Anh cũng nằm trong số đó và đã nhanh chóng trở nên thịnh hành. Seisuke Yamamoto, người sáng lập Kaikado và là một thợ thủ công kim loại, đã tạo ra loại hộp đựng trà bằng thiếc và sau đó truyền lại công việc kinh doanh cho gia đình. Đến nay, Kakaido đã có trụ sở chính cách ga xe lửa Kyoto 15 phút đi bộ, bao gồm ba tòa nhà: cửa hàng, văn phòng và nhà xưởng có tuổi đời hơn 120 năm.

Để làm ra một hộp trà cần trải qua khoảng 130 bước và công đoạn này hầu như không hề thay đổi trong suốt những năm qua. Trong bước đầu tiên, các tấm thiếc được cắt bằng tay bởi các nghệ nhân sử dụng máy cắt tương tự máy cắt giấy. Dù có nhiều nghệ nhân của Kakaido cũng tham gia cắt thiếc, nhưng cách làm và tay nghề của ông Yagi được cho là vượt trội nhất. Con trai ông là Takahiro Yagi cho biết, họ đang làm việc với Trường đại học Nagoya để tạo nên một dự án công nghệ nhằm ghi lại các thao tác của ông.

Theo đó, các dải kim loại sau khi được cắt sẽ được chuyển sang xưởng bên cạnh, nơi các nghệ nhân hàn các cạnh của dải đồng với nhau tạo nên một hình trụ, đây cũng chính là ngoại thất của hộp đựng trà. Sau đó, lớp lót được thêm vào hình trụ, rồi đến nhiều công đoạn hoàn thiện và điều chỉnh được thực hiện để tạo ra một bề mặt hộp trà sáng lấp lánh. Cuối cùng, các nghệ nhân sẽ kiểm tra chất lượng tổng thể và bảo đảm nắp trượt trơn tru. Công ty tạo ra tổng cộng khoảng 40 hộp đựng trà mỗi ngày.

Các hộp trà của Kakaido có giá khởi điểm từ 93 USD. OEO Studio, một doanh nghiệp thiết kế có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch) đã bày tỏ mong muốn hợp tác kinh doanh với Kakaido. Hai công ty đã cùng hợp tác thiết kế và mở cửa quán cà-phê Kaikado vào năm 2016. Cách trụ sở chính năm phút đi bộ, quán cà-phê ngoài việc bán các sản phẩm của Kaikado cũng cung cấp cả đồ gia dụng từ nhóm các nghệ nhân Kyoto, kèm theo phục vụ trà, cà-phê cùng bánh kẹo Nhật Bản. Thomas Lykke, người sáng lập và hiện là Giám đốc thiết kế kiêm Giám đốc sáng tạo của OEO Studio, mới đây cũng bày tỏ mong muốn cùng tạo nên những thiết kế và sản phẩm mới như bình đựng nước, bình hoa hay đèn dựa trên tinh thần và phong cách của Kaikado.

Kaikado là một công ty gia đình, song công ty không có ý định ép buộc truyền dạy lại nghề thủ công cho con, cháu trong gia đình. Ông Yagi nói: “Những người thợ thủ công ở Kyoto không dạy nghề cho con cái của họ. Chúng tôi để con cháu mình tự học khi có mong muốn, để chúng có thể tự phát triển các kỹ năng và trở nên vượt bậc hơn các thế hệ đi trước”. Giờ đây, dù đã lớn tuổi nhưng Seiji Yagi cho biết, ông vẫn chưa có ý định nghỉ hưu mà muốn tiếp tục làm việc và vận dụng những kỹ năng, kinh nghiệm của mình để hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm của gia đình.