Những gam mầu trên “cánh đồng lithium”

Dự kiến vào năm 2030, ngành xe điện chiếm hơn 60% doanh số bán xe ô-tô mới, đồng thời nhu cầu lithium để chế tạo pin cho xe điện cũng tăng lên nhanh chóng. “Cánh đồng lithium” ở vùng biên giới giáp ranh giữa Chile, Argentina và Bolivia trở thành một trong những địa điểm khai thác loại “tài nguyên nóng” hiện nay. 

Các nhà nghiên cứu thăm dò một mỏ lithium ở Argentina. Ảnh: WORLD RESOURCE
Các nhà nghiên cứu thăm dò một mỏ lithium ở Argentina. Ảnh: WORLD RESOURCE

Với đặc tính là kim loại có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, dung lượng lưu trữ lớn và dễ tái nạp, nhu cầu lithium được dự báo tăng theo đà tăng sản lượng xe điện. “Cánh đồng lithium” hay “Tam giác lithium” là tên gọi được đặt cho khu vực biên giới giữa ba nước Nam Mỹ, nơi có mỏ lithium Soquimich nằm trên sa mạc Atacama, với trữ lượng lithium ước tính chiếm tới hơn 75% nguồn cung của thế giới. Mỏ hiện do nhà điều hành Sociedad Química y Minera (SQM) khai thác. 

Sa mạc Atacama là một trong những nơi khô hạn nhất trên Trái đất, do đó quá trình khai thác lithium cũng trở nên phức tạp hơn cả. Các thợ mỏ phải khoan lỗ để bơm nước muối cùng khoáng chất lên bề mặt. Sau đó, họ để nước bốc hơi tự nhiên trong suốt nhiều tháng, để tạo thành hỗn hợp muối kali, mangan, borax và lithium. Sau đó, hỗn hợp được lọc và để nước bốc hơi thêm một lần nữa. Sau từ 12 đến 18 tháng, quá trình lọc mới hoàn tất và có thể chiết xuất được lithium carbonat.

Euronews đã dẫn đăng hình ảnh của nhiếp ảnh gia hàng không người Đức Tom Hegen đã ghi lại những mầu sắc sặc sỡ trên ruộng lithium. Do nồng độ lithium carbonat khác nhau, mầu sắc của các khoảnh ruộng có thể thay đổi từ trắng hồng đến xanh ngọc, hoặc vàng đậm. Nhìn từ trên cao, các cánh đồng được ví như một bức tranh vẽ “cảnh quan siêu thực, nơi pin được sinh ra”. 

Để có được hình ảnh cánh đồng lithium có nhiều mầu sắc rực rỡ khi chụp từ máy bay, quá trình khai thác mỏ diễn ra khá vất vả. Ở Argentina, những kho dự trữ lithium trị giá hàng tỷ USD đã thu hút sự chú ý của các công ty khai thác và từ phía những nhóm bảo vệ môi trường. Một phần lớn diện tích mỏ nằm bên dưới vùng đất của người bản địa Atacamas ở Argentina. Người dân địa phương đã phải trải qua quá trình đàm phán lâu dài với các công ty khai khoáng nhằm bảo vệ tài nguyên cũng như môi trường sống của họ không bị xâm hại.

Gam mầu sáng của việc khai mỏ lithium là kinh tế địa phương được cải thiện. Người Atacamas ở Argentina đã cử đại diện đứng ra yêu cầu công ty khai thác lithium bảo vệ sinh kế và cung cấp việc làm cho người dân địa phương. Một số doanh nghiệp cam kết tuyển dụng tới 65% số nhân viên từ các cộng đồng bản địa và trả cho họ khoảng 1.000 USD/tháng. Đây là mức lương trên trung bình so trong khu vực và cả nước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cung cấp các dịch vụ y tế và nha khoa miễn phí cho công nhân của mình, đưa ra các chương trình vay ưu đãi để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe và chăm sóc y tế cho người dân địa phương. Tôn trọng và ưu tiên các điều kiện và tiếng nói của địa phương là một trong những quy tắc sống còn để được chấp thuận khai thác mỏ. 

Tuy vậy, vẫn còn những gam mầu tối. Các mỏ muối lithium làm ô nhiễm vùng biển của địa phương và lượng muối bỏ đi sau quá trình ngưng tụ lấy kim loại nhẹ đã lấp mất nhiều cảnh quan tự nhiên. Người bản xứ của các tỉnh Salta và Catamarca ở Argentina, nơi có mỏ muối lithium, đã cáo buộc hoạt động của các công ty khai thác lithium làm ô nhiễm các dòng suối vốn dùng để tưới tiêu cây trồng và là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Tác động môi trường khác của việc khai thác lithium còn là gây hại cho đất và làm ô nhiễm không khí.

Lithium đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá trong xu hướng thế giới kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Kim loại nhẹ này hiện được sử dụng rộng rãi từ điện thoại di động, máy tính xách tay, cho đến ô-tô và máy bay. Quá trình khai thác lithium không quá đắt đỏ song các nhà môi trường khuyến cáo cần đánh giá tính bền vững và tác động lâu dài do khai thác nguyên tố hóa học có thể gây hại cho môi trường.