(Tiếp theo và hết)
Nếu như những lá thư là sợi dây nối hậu phương với tiền tuyến, thì những cuốn nhật ký chính là nơi người lính gửi gắm tâm tư sâu kín nhất của mình. Những dòng chữ ấy là tiếng nói của những tâm hồn đang vật lộn trong cuộc chiến - không chỉ trên chiến trường, mà còn trong chính nội tâm của họ.
Những giọt nước mắt của chiến tranh
Trong những cuốn nhật ký đó, người lính gửi gắm tất cả nỗi niềm mà chiến tranh không thể xoa dịu. Không chỉ có lý tưởng cao đẹp mà còn có cả nỗi nhớ, lời yêu thương chưa kịp thốt ra. Những phút giây yếu lòng, những giọt nước mắt không thể bày tỏ với ai. Tất cả đều hiện lên trong từng trang viết. Đọc nhật ký của một chiến sĩ, như nghe được tiếng nói thầm kín từ quá khứ vọng về, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng.
Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong nhật ký ngày 20/6/1970, chỉ hai ngày trước khi hy sinh: “Đời tôi là một bài ca chiến đấu. Nếu ngày mai tôi không còn nữa, tôi vẫn tin rằng lý tưởng của mình sẽ tiếp tục được những người khác viết tiếp…”. Những dòng chữ ấy không có sự sợ hãi, mà là niềm tin kiên định vào lý tưởng. Đó là sự lựa chọn của một thế hệ sẵn sàng hy sinh vì đất nước.
TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng không quên được cái ngày đơn vị trao lại cuốn sổ tay của cha cùng giấy báo tử. Đó là dòng chữ nguệch ngoạc như dùng chút sinh lực cuối cùng trước khi ngã xuống, khóe mắt lúc này đã nhòe đi khiến những dòng chữ càng khó khăn, luận ra mới hiểu: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm! Hải em, nhớ... nuôi ba con... Tìm người tốt làm bố... cho các con. Sau này nhớ về Huế... mà ở...”.
Tháng năm ý nghĩa nhất cuộc đời
Là người lính, có những hoàn cảnh, thời điểm họ đối diện với cái chết mỗi ngày. Và đôi khi, cái chết đến thật gần, đến mức họ không còn sự lựa chọn, chỉ có thể chấp nhận nó như một điều tất yếu. Nhưng những dòng chữ ghi lại trong những cuốn sổ tay, ta có thể tìm thấy một chút an ủi, niềm tin vào tương lai, dù biết rằng tương lai đó chưa chắc đã có mình. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc cũng từng viết trong nhật ký của mình: “Ngày hôm nay, chiến đấu mãi không xong, ta lại tiếp tục bám trụ. Mình không biết có thể sống sót sau trận này không, nhưng điều duy nhất ta muốn là Tổ quốc được tự do. Nếu có chết, ít nhất ta cũng chết vì lý tưởng. Thế hệ chúng ta, dù có hy sinh, cũng sẽ để lại cho thế hệ sau một đất nước không còn bóng giặc”. Trong những dòng chữ này, không có sự sợ hãi, không có nỗi lo lắng cho số phận của bản thân, mà chỉ có một tình yêu nước sâu sắc, kiên định.
Trong những trang nhật ký không có sự giằng xé về cái chết, mà là sự giằng xé giữa lý tưởng và nỗi niềm sâu kín. Người lính yêu đất nước, hy sinh không tiếc vì lý tưởng đó, nhưng đồng thời họ cũng mang trong mình hoài niệm về gia đình, những kỷ niệm về quê hương. Vào phút giây nghỉ ngơi, khi bom đạn ngừng rơi, họ lại lặng lẽ nhớ về những ngày bình yên xưa, nhớ về những bữa cơm gia đình, những lần sum họp cùng người thân. Một trong những dòng chữ sâu sắc khác là của liệt sĩ Phạm Phòng Ngự (1952-1972): “Tôi không thể về được cùng bố mẹ, anh em tôi nữa, tôi đang sống những ngày đầy ý nghĩa nhất của một con người. Đất nước còn đang bị giặc ngoại xâm chà đạp, độc lập tự do của Tổ quốc đang đến khi đòi hỏi tôi phải đi giành lại bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương của tôi của cả gia đình tôi và của toàn dân tộc”.
Những dòng chữ này không chỉ là ghi chép đơn thuần nói về nỗi nhớ, mà là lời khẳng định, một chiến sĩ kiên cường không chỉ vì bản thân mà vì cả dân tộc. Khi đối mặt với cái chết, họ không nhìn về phía sự sống cá nhân, mà hướng về sự hy sinh vì lý tưởng chung.
![]() |
Ảnh chân dung và bút tích của liệt sĩ Trịnh Ngọc Khiết (1945-1973). |
Giá trị cho mai sau
Bên cạnh hai cuốn nhật ký đã quá nổi tiếng của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hay liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, qua chiều dài lịch sử chiến tranh Việt Nam, qua thời gian đến những năm gần đây, còn biết bao cuốn nhật ký khác của thời chiến đã được tìm thấy và nâng niu. Mỗi cuốn nhật ký là một mảnh ghép phản ánh một góc hiện thực chiến tranh và tâm hồn người Việt Nam thời khói lửa. Chẳng hạn, “Nhật ký chiến trường” của nữ nhà thơ, phóng viên Dương Thị Xuân Quý (1941-1969), hay nhật ký của chiến sĩ pháo binh Nguyễn Văn Thân (1944-2001) kể về những trận chiến đấu của các chiến sĩ pháo binh ở mặt trận B5 ngày ấy - điều mà trước cuốn nhật ký này, hầu như chưa có một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn, một bộ phim nào thể hiện.
Rồi nhật ký của các chiến sĩ đặc công như Hoàng Công Sơn, của các cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... thời gian qua đã dần được sưu tầm và công bố. Bên cạnh đó, còn rất nhiều trang viết khác của những người lính vô danh, những người đã ngã xuống mà chưa kịp gửi lời cuối cùng về quê nhà. Dù khác nhau về tác giả và hoàn cảnh, điểm chung những trang nhật ký ấy đều tràn đầy “nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc... và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người”.
Ở đó có hình bóng Tổ quốc, lý tưởng giải phóng dân tộc và cũng có những tâm tư thầm kín của người lính về gia đình, người yêu, về ước mơ rất đỗi đời thường. Bởi vậy, đọc nhiều nhật ký khác nhau, ta vẫn thấy thấp thoáng một gương mặt chung của thế hệ: đó là gương mặt kiên cường, quả cảm ngoài mặt trận, nhưng ẩn sâu bên trong là trái tim nhạy cảm, giàu yêu thương và cũng biết yếu đuối, biết sợ hãi, biết buồn đau. Sự kết hợp giữa lý tưởng lớn và tình cảm đời thường ấy tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho những trang nhật ký thời chiến.
Nhà văn Đặng Vương Hưng, người đã dày công sưu tầm những cuốn nhật ký thời chiến, từng viết:“Nhật ký thời chiến Việt Nam là một tượng đài di sản phi vật thể, ghi lại những ký ức sống động về chiến tranh, về tình yêu nước và cả những suy tư về cuộc đời”.
Nhật ký thời chiến là bức tranh vẽ nên cuộc sống của người lính, không chỉ với những trận đánh ác liệt mà còn với những suy tư sâu lắng về gia đình, tình yêu và ước mơ về một ngày hòa bình. Những dòng nhật ký ấy, dù thấm đẫm nước mắt và máu, nhưng cũng đầy ắp lòng yêu nước và khát vọng sống. Từng chữ viết trong đó là minh chứng cho những tâm hồn kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và là di sản tinh thần mà thế hệ sau không thể quên.
Trong bối cảnh hòa bình, hiện đại, chúng ta vẫn đang đối diện với nhiều thử thách lớn lao, từ sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cho đến giữ gìn bản sắc văn hóa và độc lập quốc gia trong thế giới đầy biến động.
Và trong những lúc khó khăn, chính những giá trị mà các thế hệ trước đã hy sinh sẽ là nguồn cảm hứng, là động lực để chúng ta không ngừng đấu tranh, để tiếp tục gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước. Những dòng nhật ký của người lính năm xưa vẫn vang vọng trong từng trái tim người Việt Nam hôm nay, nhắc nhở chúng ta sự hy sinh vì lý tưởng không bao giờ là vô nghĩa và mỗi thế hệ đều có thể góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho quê hương. Ước mơ về một ngày hòa bình, không chỉ trong chiến tranh mà còn trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn là ngọn đuốc dẫn đường cho mọi thế hệ.