Kỳ 1: Phong thư mang lửa ấm
Trong những năm tháng ấy, khi sinh mạng treo trên chiếc dây mỏng manh, những lá thư trở thành cầu nối duy nhất giữa tiền tuyến và hậu phương. Mỗi lá thư là niềm hy vọng, là minh chứng cho sự sống của người lính nơi chiến tuyến.
Tình yêu và nước mắt
Trong những năm tháng chiến tranh, tình yêu với quê hương, gia đình, người thân dù trong những thời khắc hiểm nghèo nhất, luôn là sức mạnh giúp họ vững bước qua mọi gian khó.
Bức thư của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (1942-1970) mang theo một thông điệp đau đớn nhưng cũng đầy kiêu hãnh: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm, có lẽ kiếp này con chưa làm tròn đạo hiếu. Nếu con không trở về, xin mẹ đừng khóc. Hãy tự hào vì con đã sống, đã chiến đấu vì Tổ quốc”. Đó không chỉ là tâm tư của riêng chị, mà còn là tiếng lòng của hàng vạn chiến sĩ khi cầm bút giữa chiến trường.
Như một dự cảm chẳng lành, không ít lần, người chiến sĩ ngoài mặt trận viết thư dặn dò người thân chuẩn bị tinh thần cho khả năng hy sinh của mình. Một bức thư đặc biệt được viết vội ở Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa 1972 của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (1949-1972), mở đầu bằng lời nhắn nhủ đầy can đảm: “Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột”.
Anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần hy sinh vì Tổ quốc, nên những dòng chữ cuối chứa chan lý tưởng và lòng hiếu thảo: “...vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Mẹ đừng buồn... coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau!”.
Trong lời trăn trối gửi mẹ, người con út ấy vừa bộc lộ nỗi đau xót khi chưa kịp báo hiếu, vừa khẳng định sự dâng hiến trọn vẹn đời mình cho độc lập dân tộc. Đọc những dòng thư viết trước giờ ra trận, chúng ta hôm nay cảm nhận được lòng yêu nước mãnh liệt và tinh thần sẵn sàng xả thân “vì Tổ quốc mai sau” của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam. Theo ông Lê Quang Chẩm, anh ruột của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, bức thư đã được liệt sĩ Huỳnh viết ra bằng một sự tiên cảm kỳ lạ về cái chết của mình: “Tất cả những gì em tôi viết trong thư trước khi hy sinh, đều chính xác như lời một nhà tiên tri! Làm sao nó biết chắc ngôi mộ của mình sẽ được các đồng đội chôn cất đúng ở thôn Nham Biều 1, trong khi mặt trận rộng lớn như thế? Để rồi hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết đường đi cho vợ mình, đợi ngày thống nhất thì vào mang hài cốt về quê?...”.
Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Và có thể thấy, dù trong hoàn cảnh nào, tình yêu nước vẫn được những chiến sĩ đặt lên trên đầu, trong lá thư cuối cùng của chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn, sinh năm 1950 gửi về cho gia đình lần cuối vào tháng 3/1970, trước lúc hy sinh 3 tháng khi mới tròn đôi mươi, anh viết: “Nhưng nếu ngày chiến thắng đến mà con không về nữa, thì mong ba má đừng buồn. Hãy nhìn lên lá cờ Tổ quốc, ba má sẽ thấy bóng hình con trong đó”. Những lời ấy, không chỉ là lời dặn dò, mà còn là niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, vào hòa bình.
![]() |
Bức thư liệt sĩ Vũ Ngọc Quảng gửi cho em gái. |
Gia đình thiêng liêng
Ở hậu phương, những người mẹ, người vợ cũng mỏi mòn đợi thư. Ngày ấy, thư là báu vật. Chỉ cần nhận được một tờ giấy nhỏ, vài dòng chữ là có thể chồng mình/con mình vẫn còn sống, vẫn còn hy vọng để chờ đợi. Nhưng có những lá thư gửi đi lại không bao giờ đến tay người nhận, có những bức thư đến khi người viết đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.
Ông Lê Xuân Thành (90 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) từng là chiến sĩ chiến dịch Đường 9-Khe Xanh bồi hồi chia sẻ: “Những năm ở chiến trường, những lá thư của mẹ trở thành nỗi mong đợi của toàn thể anh em trong tiểu đội... Nếu như mẹ từng giờ khắc khoải mong thư chúng tôi, thì ở chiến trường chúng tôi cũng đau đáu trông mong những cánh thư từ quê nhà gửi tới, những bức thư đó là động lực, là hy vọng”.
Cụ Khuyến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm nay mặc dù đã 95 tuổi, chỗ nhớ chỗ quên, nhưng vẫn nhớ như in cái cảm giác mỗi khi thấy bưu tá gửi thư về: “Tháng 12 năm 1965, hôm đó rét, đó là lần đầu cũng là lần cuối tôi nhận được thư của thằng Hải, nó đi biệt tăm, 2 năm rồi, tôi vui lắm thấy nó viết trong thư vẫn ổn, mẹ đừng lo, mẹ và 2 em gái giữ sức khỏe”, bà Khuyến kể một cách mạch lạc, mạnh mẽ. Vài tháng sau, năm 1966, cụ nhận được giấy báo tử đứa con trai duy nhất của mình. Được biết, những bức hình con đã lưu lạc hết, những hình ảnh của liệt sĩ Hải chỉ còn phảng phất trong trí nhớ của người mẹ già. “Nó tên Hải, Nguyễn Mạnh Hải, xưa nó nhiều lông, tóc nó dày, nên gọi nó là thằng Hải khỉ…”, cụ Khuyến nhớ lại.
Tình mẫu tử vốn đã thiêng liêng, nay trong khói lửa chiến tranh, tình yêu thương tha thiết và nỗi nhớ mong day dứt hiện lên chân thực vô cùng. “Thấy một bóng áo Tô Châu vai mang ba-lô thấp thoáng trên đường làng, mẹ lại giật mình thon thót thầm mong đấy là con…”, một dòng thư người mẹ chiến sĩ Nguyễn Phùng Khương gửi năm 1970.
Những câu chữ giản dị ấy chứa đựng bao nỗi nhớ thương, nhưng cũng là lời động viên để người con thêm vững lòng, mạnh mẽ, kiên cường cầm súng bảo vệ non sông và sớm trở về.
Tình yêu đôi lứa trong trẻo
Nếu tình mẹ truyền cho người lính sự bền bỉ, thì tình yêu đôi lứa lại sưởi ấm trái tim họ trong những đêm rừng lạnh giá. Những lá thư tình thời chiến thường chan chứa nỗi nhớ da diết và lời hứa hẹn, động viên nhau cố gắng chờ đợi.
Trong thư của Đại tá Đỗ Sâm gửi người vợ năm 1968, ông viết: “Bao nhiêu cái nhớ nhưng nhớ nhiều, nồng nhiệt, sâu sắc nhất vẫn là nhớ Thu Quí của anh… Nhớ từ lúc mới biết em, yêu em rồi liên tục sau đó hết đi chiến đấu… Nhớ cái buồng cưới nhỏ xinh với biết bao kỷ niệm êm đềm, vừa cưới xong lại tiếp tục những ngày xa nhau khi chiến đấu ở những trận địa bảo vệ vùng biển quê hương…”. Đó là tình yêu thuần khiết, vững bền ngay giữa bão lửa chiến tranh.
Bức thư của liệt sĩ Hồng Phú gửi người vợ năm 1965, khi ông đang ở Quảng Bình: “Em ở nhà đảm nhiệm việc gia đình, trông nom các con, cố gắng vượt qua khó khăn. Hẹn ngày thống nhất anh về, cùng em và các con vui vầy sum họp...”. Đáng tiếc, lời hẹn ấy đã chẳng thể thực hiện được, người lính ấy đã anh dũng hy sinh trong trận “Phục kích vận động tiêu diệt xe tăng Mỹ” tại Xa Cát miền đông Nam Bộ, năm 1966. Lá thư trở thành di vật cuối cùng.
Ở một dòng thư khác, liệt sĩ Hoàng Kim Giao (1941-1968) lại tha thiết nhắn nhủ: “Đừng buồn và đừng khóc em nhé. Lúc nào anh cũng ở bên em... Những giọt nước mắt yêu thương dành để cho lúc gặp nhau. Lúc đó, em sẽ muốn khóc bao nhiêu cũng được, vì bấy giờ em đã có anh rồi. Những giọt nước mắt đó không còn cô đơn nữa, nghe anh em nhé!”.
Giữa bom rơi đạn nổ, những người lính ấy không sợ hiểm nguy mà chỉ “sợ” nước mắt người mình yêu rơi. Mong mỏi người yêu/người vợ hãy mạnh mẽ, coi những nhớ nhung cách trở chỉ là thử thách tạm thời, để đến ngày đoàn tụ sẽ khóc những giọt nước mắt hạnh phúc. Chính những tình cảm riêng tư tưởng chừng yếu mềm đó lại trở thành động lực lớn lao, giúp các anh vững tâm nơi chiến hào. Với họ, tình yêu Tổ quốc không tách rời tình yêu gia đình, yêu người thương. Tất cả hòa quyện thành quyết tâm “đánh giặc mà đi, thư để lại đời” đầy lãng mạn và quả cảm.
Nhiều bức thư thời chiến đã trở thành di sản tinh thần vô giá. Từ những lá thư giản dị của người lính đến thư tuyệt mệnh của các anh hùng liệt sĩ, mỗi trang thư đều lung linh vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng và tình người sâu nặng. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, trước giờ ra pháp trường năm 1964, vẫn kịp gửi mấy dòng từ nhà tù Chí Hòa về cho vợ. Anh không hề nhắc đến cái chết đang chờ mình, mà chỉ an ủi, dặn người em vợ ở cạnh Quyên “phải chọc cười, chứ đừng khóc theo nhé”.
(Còn nữa)