“Tro tàn rực rỡ”:

Những điểm cộng và điểm trừ

Công chiếu toàn quốc từ ngày 2/12, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” đang thu hút sự chú ý của những người yêu điện ảnh và văn học. Chuyển thể từ hai truyện ngắn khá nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (“Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về”), bộ phim vừa đoạt giải cao nhất từ Liên hoan phim ba châu lục. Điều này càng khiến dư luận tò mò.
0:00 / 0:00
0:00
Poster phim “Tro tàn rực rỡ”.
Poster phim “Tro tàn rực rỡ”.

Điểm cộng

Lấy bối cảnh một làng chài miền Tây nghèo khó, phim kể về câu chuyện tình yêu đặc biệt của ba người phụ nữ. Mỗi người có những câu chuyện riêng, ẩn ức riêng, nhưng đều ấp ủ trong mình ngọn lửa khao khát yêu và được yêu. Nói về niềm cảm hứng khi thực hiện bộ phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có những tình yêu rất đặc biệt. Tôi cảm nhận được sự tích cực của những tình yêu ấy. Đó là bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì có thể làm họ dừng lại”.

Phim bám khá sát cốt truyện văn học, phần lớn những câu thoại ít ỏi trong hai truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư cũng được đưa vào phim như sự kết nối những số phận; như điểm nhấn cho những nút thắt và xô đẩy kịch tính của bi kịch. Các nhân vật: Hậu yêu Dương nhưng Dương lại si mê Nhàn kể cả khi Nhàn đã lấy Tam….

Cái bảng lảng tưởng chừng rất bình dị, bình lặng ở một câu chuyện vốn không có nhiều sự kiện đã được tái hiện trong phim với đúng chất của nó. Rất chậm rãi, như một câu chuyện được kể trước lúc đi ngủ, rủ rỉ, rời rạc, đạo diễn đã dẫn dắt người xem qua mê cung của những hờn ghen, đố kỵ, sụp đổ, tha thứ rồi tràn đầy hy vọng. Bùi Thạc Chuyên đã khá thành công khi kết nối hai truyện ngắn khiến người xem khó nhận ra đó là hai câu chuyện khác nhau trong văn học. Các nhân vật của hai câu chuyện đan cài số phận với nhau, hiện diện bên cạnh nhau một cách tự nhiên, tạo ra nhịp điệu của bi kịch và tính nhân văn của bộ phim…

Ánh sáng trong phim được tiết chế một cách nghiêm ngặt, tạo một gam trầm xuyên suốt như những ẩn ức khuất lấp đằng sau mỗi số phận. Song song, xuyên suốt với gam trầm ấy là ngọn lửa và tro tàn. Lửa trong phim cũng là một nhân vật, một sự ẩn dụ cho nỗi khát khao cháy bỏng được “nhìn thấy”, được đáp lại tình yêu của những người đàn bà trong phim.

Những cảnh lửa cháy được tính toán thực hiện với hiệu ứng mãn nhãn. Khi thể hiện ở góc rộng toàn cảnh; khi ở góc quay hẹp với những cú cận cảnh thể hiện lưỡi lửa liếm từng cái cột, cái kèo. Cháy đùng đùng, cháy dữ dội, cháy liên tiếp… Mỗi lần cháy là một thông điệp khác nhau trong quá trình phát triển tính cách và kịch tính. Cảnh cháy nào cũng ấn tượng, đẹp một cách đắng xót.

Cùng với lửa, âm nhạc cũng là một điểm cộng. Nhạc sĩ Tôn Thất An đã khéo hòa trộn yếu tố nam và bắc tạo nên âm hưởng nhạc Việt Nam truyền thống phổ quát, đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng rất hiện đại, văn minh. Không chỉ “ăn” với hình ảnh phim, những giai điệu có sức ám ảnh đã giúp hình ảnh phim ở nhiều trường đoạn cất cánh.

Sự xả thân của các diễn viên là điều người xem nhìn thấy rõ. Các diễn viên đã không ngại làm xấu mình khi hóa thân thành những người dân quê lam lũ, lái ghe, chẻ củi, đốt than, làm bánh… Cảnh Tam và những người dân trong làng đi bắt vẹm ở rừng đước là những hình ảnh gây ấn tượng mạnh với người xem. Sự nhập vai của các diễn viên và những góc máy chân thực ở bối cảnh “đặt máy quay cũng khó” gợi cho người xem cảm giác như đang xem những thước phim tài liệu nghệ thuật. Trong hai nhân vật nữ chính, diễn xuất của Juliet Bảo Ngọc Doling nổi trội hơn. Cô đã lột tả trọn vẹn tính cách, số phận của nhân vật qua vẻ mặt thơ ngây, ánh mắt và nụ cười biết nói, giọng nói ngoan hiền, đều đều nhưng lạnh queo chất chứa nhiều ẩn ức…

Điểm trừ

Mỗi Liên hoan phim có một tiêu chí riêng, nên không có nghĩa “Tro tàn rực rỡ” giành giải cao nhất ở Liên hoan phim ba châu lục 2022 thì bộ phim đã xuất sắc. Bộ phim cũng còn những điểm trừ. Đó là sự bám sát cốt truyện nhưng lại không đủ “vốn từ” như tác phẩm văn học để diễn đạt những điều cần nói nên nếu chưa đọc truyện sẽ thấy khó hiểu với một vài hành động của một vài nhân vật. Đơn cử như nhân vật Tam. Do “bảng lảng”, do chưa đủ sâu để lột tả tính cách nhân vật này nên cái cớ đốt nhà của Tam cũng không thuyết phục như trong văn học. Hay việc Loan tìm đến chùa để uống rượu, ném đá, thả rắn trả thù Khang cũng chưa thể hiện rõ Loan chính là cô bé năm xưa bị Khang cưỡng bức. Và sự thờ ơ của Khang với Loan chính bởi Khang đã coi mình và Loan đều đã chết từ khi hắn cưỡng bức cô bé năm xưa… Hai người đã chết nói chuyện với nhau phỏng có ích gì. Và lý do Khang bỏ trốn khỏi Loan vì hắn sợ nếu cởi bỏ lớp áo của cô Loan bây giờ sẽ khiến hắn nhớ lại tội lỗi của mình nhiều năm về trước…

So với nữ chính Juliet Bảo Ngọc Doling, Phương Anh Đào (vai Nhàn) có vẻ không phải là lựa chọn tốt nhất của Bùi Thạc Chuyên. Vẻ mặt hơi tây của cô không “ăn” với bối cảnh phim. Do phim sử dụng nhiều trung cảnh, nên cũng chưa thấy nét diễn xuất bộc lộ cá tính, số phận nào đặc biệt ở Phương Anh Đào, ngoài cảnh cô bóp tay chồng để cả hai cùng biết… mình đang đau trong bi kịch của chính mình.

Tại buổi ra mắt phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ về những khó khăn mà đoàn phim đã phải vượt qua để thực hiện cũng như những điều không như mong đợi. Anh cho biết, muốn quay phim vào mùa hè nhưng phía đầu tư yêu cầu thực hiện ngay nên phim phải quay vào dịp cuối năm. Quá trình hậu kỳ đúng thời điểm dịch Covid bùng phát, việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại đã gây nhiều trở ngại cho ê kíp. Vì thế, kế hoạch quay lại Cà Mau để quay thêm một số cảnh đã phải hủy bỏ. Có lẽ vậy mà khi xem “Tro tàn rực rỡ” vẫn có cảm giác thiêu thiếu, chưa tới ở một số trường đoạn; chưa tới ở bi kịch của một số nhân vật như Tam, Nhàn, Loan, Khang…

Dẫu vậy, vẫn khẳng định “Tro tàn rực rỡ” là một phim hay; một sự xả thân vì nghề nghiêm túc của toàn thể ê kíp. Cùng với ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, phim là cái nhìn rất “tình” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vào cái “tình” của người phụ nữ, tôn vinh những xúc cảm thiêng liêng của phái nữ.

Năm 2017, “Tro tàn rực rỡ” nhận giải thưởng đặc biệt Busan Awards cho dự án xuất sắc nhất và thuộc nhóm 15 dự án được chọn tham gia Cinéfondation L’atelier tại Liên hoan phim Cannes 2018.

Tháng 10/2022, “Tro tàn rực rỡ” tranh giải tại hạng mục Official Competition, Liên hoan phim quốc tế Tokyo. Festival des 3 Continents (Liên hoan phim ba châu lục) 2022, có sự tham gia của nhiều bộ phim hay đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil.

Tháng 11/2022, “Tro tàn rực rỡ” giành giải Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim ba châu lục Á, Phi, Mỹ la tinh tại Nantes (Pháp).