Những công trình “đội vốn”

Câu chuyện về những công trình “đội vốn” từ vài trăm tỷ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong thời gian qua với dư luận dường như đã bị bão hòa bởi thực tế cho thấy, đối với mỗi công trình, việc không “đội vốn” mới là chuyện... lạ!

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trong kỳ họp Quốc hội mới đây, đã nhấn mạnh tình trạng điều chỉnh dự án với giá trị lớn. Trong đó, cá biệt có dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) điều chỉnh giá trị tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng. Đặc biệt, theo kết luận thanh tra tại 10/62 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ninh Bình của Thanh tra Chính phủ, tất cả các dự án đều bị đội vốn. Trong đó có dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Giám Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long đã bị tăng thêm hơn 7.000 tỷ đồng. Dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện ban đầu dự kiến là 2.078 tỷ đồng bằng nguồn vốn NSNN. Triển khai từ 2010-2015. Tuy nhiên, tới năm 2012, dự án đã được điều chỉnh lên 9.720 tỷ đồng.

Nhìn lại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội, dù chưa thể đưa vào hoạt động, song đã khiến cho chủ đầu tư phải tăng từ 8.800 tỷ đồng (tương đương khoảng 553 triệu USD) lên tới 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Tại TP Hồ Chí Minh cũng bắt gặp những tình trạng tương tự, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng. Tuyến Bến Thành - Tham Lương tăng từ 26.116 tỷ đồng lên tới 48.771 tỷ đồng.

Không bàn tới những khuất tất mà người ta thường nghĩ tới đối với mỗi dự án trong quá trình triển khai. Song ai cũng hiểu rằng, mỗi dự án được thực hiện, dù bằng nhiều hình thức đầu tư khác nhau, nhưng đều có thể hiểu là mỗi lần số tiền được “đội” lên nghĩa là mỗi lần NSNN lại bị thu hẹp. Số tiền đội lên đối với mỗi công trình đang được triển khai càng lớn, số lượng những công trình phúc lợi cho nhân dân càng bị... “teo” đi.

Đã nhiều lần người ta tỏ ý nghi ngờ về năng lực xây dựng dự án của cả chủ đầu tư và những nhà thầu thi công. Điều này cũng chẳng có gì là lạ. Bởi, nếu coi việc xác định mức đầu tư của dự án là trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị chức năng liên quan, thì có lẽ tất cả các chủ đầu tư đều có... khiếm khuyết về năng lực. Mà như vậy, rất khó có thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai. Bởi giống như lời của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trả lời báo chí mới đây thì: lỗi là do... cơ chế!

Như vậy, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này. Có lẽ phải đem... cơ chế ra mà kiểm điểm. Kiểm điểm sâu sắc mới mong các công trình trọng điểm không còn “đội vốn”. Chứ ở đây, lỗi không phải là do mấy “ông” xây dựng dự án. Có chăng, họ chỉ có lỗi biến những lần đội vốn ấy trở thành chuyện đã rồi.