Nhớ hồn xưa làng chiếu

“Anh về An Thạnh, em trải chiếu cho anh nằm/Tình sâu nghĩa nặng, mấy con trăng rằm không phai”..

0:00 / 0:00
0:00
Nghề dệt chiếu thủ công do phụ nữ đảm nhận.
Nghề dệt chiếu thủ công do phụ nữ đảm nhận.

Vẫn con đường đất này - con đường bao lớp người làng An Thạnh (xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đã đi qua. Đường xưa vẫn đó, còn cuộc sống thì tất nhiên đổi thay nhiều. Những ngôi nhà gạch mới nằm im lặng nghe tiếng bước chân người qua, trong tiếng gió. Tiếng dập khung nhịp nhàng mà rộn ràng khắp làng chiếu xưa, giờ chỉ còn trong ký ức. An Thạnh xưa là làng chiếu duy nhất của Ninh Thuận, trải qua mấy trăm năm thăng trầm. Nhưng rồi, nghề truyền thống cũng không thắng nổi guồng quay của thời gian.

Chiếu chợ chiều

An Thạnh bé, nhưng nhiều nghề thủ công: làm bánh tráng, làm lò gốm, làm chiếu. Âu cũng là cách để người ở đây mưu sinh qua thời gian, khi mà đất nhiễm mặn, lúa khó lên. Ông Tư Trịnh, theo nghề chiếu từ năm 15 tuổi, giờ đã ngoài 80, kể rằng, từ hơn 60 năm trước, làng này đâu đâu cũng có người làm chiếu. Cả tuổi trẻ của ông gắn với tiếng kéo khung dệt, không khí của nghề dệt chiếu này ngày xưa sôi động lắm. Nghề này có từ thuở lập làng, tính tới giờ cũng ngót 300 năm có lẻ. Nghề nuôi nhiều người trong làng, bao năm không ai đói, không ai nghèo, con cháu của làng không đứa nào thất học. Hằng năm, cứ vào tháng Chạp là mùa thịnh của nghề làm chiếu. Người ta tới mua chiếu, có người tới đổi lúa lấy chiếu mang về. Nhà nào không làm ruộng cũng được tới 1-2 tấn lúa trong nhà.

Ông Tư cũng nhờ manh chiếu mà học hết tú tài, ngang với THPT bây giờ. Mà anh em nhà ông, thấp cũng hết trung cấp đệ nhất. Nghề chiếu mẹ truyền con nối, người An Thạnh học làm chiếu từ những người bà, người mẹ trong nhà. Vợ ông Tư, bà Mạnh cũng học nghề từ lúc hơn mười tuổi, cũng từ bà má cầm tay chỉ việc. Bà bảo bà thuộc lòng từng kiểu chiếu, kiểu gì bà cũng dệt được, muốn đặt chiếu mầu gì bà cũng có. Bà Võ Thị Thể, từng là một nghệ nhân làm chiếu cũng nói, bà làm nghề từ năm 7-8 tuổi, làm lác, vác lác, bó chiếu, bà làm được hết. Con gái, con trai gì cũng làm được hết. Mà nhà nào không có nghề chiếu thì cũng sang các nhà có nghề để học, nên hầu như người An Thạnh ai cũng biết dệt chiếu.

Chiếu An Thạnh xưa nổi tiếng vì mẫu mã, hình dệt đa dạng, sinh động. Xưa An Thạnh có câu “Mua chiếu xem biên, người hiền xem mặt”, cũng là bởi biên chiếu An Thạnh bền chắc đã thành thương hiệu. Người An Thạnh có những thợ chiếu làm tới tầm nghệ nhân, sáng tạo ra nhiều mẫu đa dạng. Nổi tiếng có thể kể tới cụ Hai, người làm ra chiếc chiếu cửu phẩm. Lúc Vua Bảo Đại tới thăm làng, cụ Hai bắt ra hình con rồng chầu, rồi mang đôi chiếu đó tặng vua. Chuyện đó tới giờ cả làng An Thạnh vẫn kể.

Ấy vậy mà thời dệt chiếu rộn ràng đã lùi xa phải tới 20 năm. Độ năm - bảy năm trước, tới An Thạnh, cũng chỉ còn hơn chục nhà còn phơi cỏ, se sợi, kéo khung. Mà lúc đó, cũng chỉ toàn người ở tuổi cổ lai hy như ông Tư Trịnh, bà Mạnh, bà Thể cặm cụi với nhau. Bà Thể lúc đó kể, nhà nào còn giữ nghề thì con cháu còn làm, chứ không còn cảnh sang nhà nhau để học nghề như trước nữa.

Mất nghề

Chuyện xưa qua rất lâu rồi. Còn nhớ trước kia, khi còn khỏe, ngày nào bà Tư Mạnh cũng gọi người bạn già của mình sang góp công dệt. Mấy người già làm tất cả các công đoạn: từ phơi cỏ lác tới se sợi, dệt. Sức họ một ngày nhiều lắm được hai đôi chiếu, mà mỗi công dệt cũng chỉ chưa nổi một trăm nghìn. Mà ở tuổi họ, cũng chỉ có thể làm được đến vậy. Ngay cả lúc ấy, làng nghề cũng đã bước vào cảnh chợ chiều ảm đạm, dù chiếu làm ra cái nào bán hết cái nấy.

Bà Mạnh nhớ lại: Chiếu này bền lắm, nếu nằm bình thường phải 5-6 năm mới hư. Ông bà Tư Trịnh, gần như là người nỗ lực cuối cùng của làng để giữ nghề. Nhưng tuổi tác cao, họ cũng không còn đủ sức để dệt nữa. Bà đem hết tâm huyết tinh hoa nghề truyền lại cho bảy cô con gái, họ đều lành nghề cả. Nhưng chẳng có ai trong số các cô theo bà dệt chiếu.

Hay như mẹ con bà Trần Thị Thọ, dăm năm trước, hình ảnh cô gái Thọ Em bên khung dệt giống như điểm sáng làng nghề. Bà Thọ từng coi đó là niềm hy vọng giữ nghề, rằng “Nghề này ko mai một đâu, nghề này là mẹ truyền con nối”. Nhưng giờ con bà Thọ cũng không đủ kiên nhẫn nữa. Thọ Em đã bỏ nghề lâu rồi. Năm đó gặp Thọ Em, cô đã ngậm ngùi làm chiếu cũng là ráng để giữ nghề mà thôi.

Ông Bùi Thể Ly, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã An Hải, nói rằng, làng chiếu mất nghề cũng là điều có thể thấy trước. Bây giờ người ta làm chiếu máy, nhanh, đều, công suất bảo đảm. Làng An Thạnh bao lâu chỉ dệt thủ công, chiếu đẹp thật, bền thật, tinh tế thật, nhưng không còn hợp với đời sống bây giờ nữa. “Làm mấy ngày mới xong vài tấm chiếu, bán ra mỗi người chỉ được công 100 nghìn đồng/ngày, chưa kể tiền nguyên liệu sợi lác, cói, mầu, không đủ trang trải chi phí”, ông Ly cho biết.

Người làm chiếu giờ hoặc đã già, hoặc chuyển nghề khác. Trong góc nhà bà Tư Mạnh vẫn còn để lại những đôi chiếu đẹp nhất, nguyên liệu bền nhất, làm từ những sợi cói ít ỏi trồng trên ruộng làng. Đó là những chiếc chiếu đặc biệt, mà nếu bán phải gấp ba lần giá chiếu thường. Điểm đặc trưng nhất, cũng là cái làm nên hồn chiếu An Thạnh, chính là những sợi dây trân làm khung cho chiếu là thứ dây mảnh, trắng óng ánh như tơ, dai bền như cước, được se từ sợi của cây thơm tàu. Ấy là thứ cây chỉ có ở Ninh Thuận, vốn chuyên dùng để đan võng, dai và nằm rất êm.

Thật ra chiếu An Thạnh vốn không phải không có đầu ra. Ông Tư Trịnh bảo vài năm trước, chiếu làm ra tới đâu bán tới đấy: “Nghe tới chiếu An Thạnh là người ta mua hết”. Nhưng An Thạnh thua nơi khác ở cái máy, công suất chiếu An Thạnh chỉ có chừng đó, nên nghề không thể nuôi sống người làng như trước. Ấy cũng là lý do mà giờ An Thạnh chẳng còn ai làm chiếu. Mà danh tiếng làng chiếu xưa cũng theo những người già khuất bóng mà đi xa.

Nói nhớ chiếu không thì hẳn vẫn nhớ. Tiếng dập khung, tiếng thanh đưa sợi… những sợi cói trắng, những sợi cói mầu… những âm thanh, sắc mầu ấy mỗi ngày vẫn còn đâu đó trong ký ức người An Thạnh, đó từng là niềm tự hào về tài nghệ của đôi tay và trí óc người làng chiếu. Ông Trịnh, bà Mạnh, bà Thọ, vài năm trước, vẫn cố níu giữ niềm tin rằng An Thạnh sẽ không mất nghề đâu. Chỉ là, họ cũng đã lớn tuổi, không còn đủ sức tự mình dệt chiếu nữa. Dăm năm trước, làng chiếu An Thạnh được xếp vào danh sách làng nghề được bảo tồn, vừa làm kinh tế vừa làm du lịch. Nghe đâu cũng có đề án, kiến nghị. Nhưng cuối cùng, làng nghề vẫn mai một.

Dưới ruộng trũng, đám cỏ lác đã ra hoa. Trên bờ, những sợi cỏ săn mình lại, dẻo dai trong cái nắng như rang của xứ cát. Xương rồng vẫn nở hoa. Nghề chiếu mất, âu cũng như một dòng chảy không thể tránh khỏi của đời sống. Nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân An Thạnh, tiếng cách cách của khung dệt sẽ vẫn còn đó, chờ ngày lại được vang lên.