Sự biến đổi của khủng bố
Theo AFP, kể từ năm 2015 đến nay, Pháp hứng chịu hàng loạt vụ tiến công do các đối tượng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng thánh chiến cực đoan thực hiện, khiến hơn 250 người chết. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết, thủ phạm của các vụ tiến công gần đây đều là những cá nhân trước đó không thuộc diện tình nghi, vì vậy không nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan an ninh.
Ngày 3/9 vừa qua, cảnh sát TP Auckland ở New Zealand đã tiêu diệt một đối tượng tiến công bằng dao trong siêu thị New Lynn khiến bảy người bị thương. Hồi tháng 5, một vụ tiến công bằng dao bên trong một siêu thị đã xảy ra ở Dunedin làm bốn người bị thương. Hai vụ việc này đã gợi lại ký ức đau buồn về vụ khủng bố tồi tệ nhất ở New Zealand, đó là vụ xả súng tại thánh đường Hồi giáo Christchurch hồi tháng 3/2019, khi một tay súng có tư tưởng người da trắng thượng đẳng đã sát hại 51 tín đồ Hồi giáo và làm bị thương nặng 40 người khác.
Bộ trưởng Tư pháp New Zealand Kris Faafoi thừa nhận, đạo luật trấn áp khủng bố của New Zealand chỉ tập trung vào kiểm soát các nhóm khủng bố, mà không chú ý đến hoạt động khủng bố của các cá nhân. Những cuộc tiến công như vụ thảm sát ở Christchurch chưa từng xảy ra tại New Zealand, cho thấy bản chất của chủ nghĩa khủng bố đã thay đổi. Các cuộc tiến công khủng bố có xu hướng liên quan nhiều đến các cá nhân hành động đơn lẻ, hơn là các nhóm có tổ chức.
Ký ức kinh hoàng về loạt vụ tiến công khủng bố ngày 11/9/2001 sẽ không thể phai nhòa trong tâm trí người dân Mỹ. Từ giữa tháng 8 vừa qua, một tháng trước ngày tưởng niệm gần 3.000 nạn nhân xấu số trong vụ tiến công tàn khốc nhất lịch sử nước Mỹ 20 năm trước, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) lại phát đi cảnh báo về nguy cơ Mỹ phải đối mặt “môi trường đe dọa cao độ” từ khủng bố. Điều đáng chú ý, bên cạnh mối nguy cơ tiến công bạo lực từ các nhóm khủng bố nước ngoài, DHS nhấn mạnh tới việc chủ nghĩa bạo lực cực đoan trong nước cũng là mối đe dọa lớn. Để dẫn chứng cho lời cảnh báo, DHS chỉ ra rằng, các diễn đàn trực tuyến với mục đích gây ảnh hưởng, lan truyền, cổ súy bạo lực cực đoan ngày càng hoạt động mạnh.
Sự điều chỉnh cần thiết
Đầu tháng 6/2021, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua một dự luật, trong đó đề xuất luật hóa vĩnh viễn một số biện pháp khẩn cấp, trao quyền nhiều hơn cho cảnh sát nhằm hạn chế sự đi lại của các đối tượng từng bị kết án khủng bố, sau khi các đối tượng này mãn hạn tù. Cơ quan tình báo cũng được nới rộng quyền hạn trong việc sử dụng các thuật toán để tìm các đối tượng khả nghi thường xuyên truy cập các nội dung truyền bá khủng bố.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã công khai xin lỗi người dân vì những thiếu sót trong giám sát an ninh liên quan vụ tiến công khủng bố tại Christchurch. Thủ tướng Adern cho biết, Chính phủ New Zealand đã nhất trí về nguyên tắc đối với các khuyến nghị trong báo cáo chi tiết dài 792 trang của Ủy ban Hoàng gia sau khi điều tra sự việc. Báo cáo nhấn mạnh các khuyến nghị như cải cách luật về ngôn từ kích động thù địch, thay đổi chính sách cấp phép sử dụng súng, bổ nhiệm một bộ trưởng chống khủng bố mới và tăng tài trợ cho nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan…
Bên lời tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Joe Biden cho rằng nước Mỹ đang phải đương đầu với “sự trỗi dậy” của chủ nghĩa cực đoan chính trị, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và khủng bố trong nước. Trong phiên điều trần trước Quốc hội về chủ nghĩa cực đoan dẫn tới vụ bạo lực ở Đồi Capitol đầu năm 2021, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nhấn mạnh rằng, đây là một vụ “khủng bố trong nước”. Ông Wray cho biết thêm, số lượng các cuộc điều tra liên bang liên quan khủng bố trong nước tăng gấp hai lần, lên 2.000 vụ kể từ khi ông nhậm chức năm 2017.
Bối cảnh đó khiến chính quyền Tổng thống Biden phải dành nhiều ưu tiên hơn cho chiến lược chống khủng bố trong nước. Washington đưa ra các định hướng lớn, gồm cải thiện hệ thống chia sẻ thông tin về các nhóm hoặc cá nhân cực đoan ở cấp địa phương và liên bang; ngăn chặn kêu gọi, khuyến khích hành động bạo lực, tuyển mộ và lôi kéo tham gia các hội nhóm cực đoan trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội; cải thiện hệ thống truy tố phần tử cực đoan, tăng cường nhân sự phân tích, điều tra và hoạt động công tố; ngăn chặn các yếu tố có thể khiến nảy sinh khủng bố trong nước, như bất bình đẳng kinh tế, phân biệt chủng tộc, lạm dụng quyền sử dụng súng đạn...
Cuộc chiến tiếp diễn
CNN cho biết, mất khoảng 5 năm để Mỹ và liên quân tuyên bố “đánh bại” tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy tổ chức khủng bố này chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh gấp rút sơ tán lực lượng và công dân khỏi Afghanistan, khép lại cuộc can thiệp quân sự kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, thì một vụ đánh bom cảm tử xảy ra ở sân bay Kabul hôm 26/8 khiến hàng chục người chết, trong đó có các binh sĩ Mỹ. IS-K, một nhánh của IS tại Afghanistan tuyên bố thực hiện vụ tiến công. Tại phiên họp hồi tháng 8, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã bày tỏ sự quan ngại về dấu hiệu gia tăng hoạt động của IS, nhất là tại các khu vực ở châu Phi, một số địa bàn Nam Á.
Trong khi đó, những tác động nặng nề do đại dịch kéo theo bất bình đẳng về kinh tế và thu nhập, an sinh xã hội, trở thành cái “cớ” để những đối tượng cực đoan tiến hành hoặc kích động bạo lực. Tháng 7 vừa qua, New York trở thành bang đầu tiên của Mỹ phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng. Đáng chú ý, các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt để chống dịch vô tình lại gây cản trở sự phối hợp chống khủng bố giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng cực đoan bạo lực và các nhóm tội phạm có tổ chức ở cấp quốc gia và xuyên quốc gia có xu hướng gia tăng mối liên hệ với nhau.
Trong một thế giới vận động không ngừng, các đối tượng khủng bố cũng luôn thay đổi phương thức hoạt động, liên lạc và tiến công. Do vậy, việc điều chỉnh chiến lược là điều cần thiết đối với các cơ quan an ninh. Bên cạnh việc tăng cường phối hợp chặt chẽ ở tất cả các cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, giải quyết bất công, bất bình đẳng xã hội, phân biệt chủng tộc… chính là những giải pháp được cộng đồng quốc tế nhấn mạnh để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố.