Nhiệm vụ cấp bách của EU

Dù đã làm mọi cách song giới chức châu Âu vẫn chật vật trong việc ngăn chặn dòng người di cư trái phép đang ồ ạt tràn tới “lục địa già” qua tuyến đường Địa Trung Hải.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LUC VERNIMMEN
Biếm họa: LUC VERNIMMEN

Trong bối cảnh dòng người di cư trái phép đến Địa Trung Hải tăng mạnh, ngày 11/4, Nội các Italy ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề nhập cư nhằm quản lý tốt hơn lượng người di cư đến nước này và các cơ sở hồi hương. Theo Bộ Bảo vệ dân sự và Chính sách hàng hải Italy, nguồn tài chính ban đầu dành cho tình trạng khẩn cấp kéo dài sáu tháng này trị giá 5 triệu euro (5,45 triệu USD). Một nguồn tin chính phủ cho hay, biện pháp trên sẽ giúp chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cho hồi hương nhanh chóng hơn những người không được phép ở lại Italy, đồng thời đẩy nhanh việc nhận diện và lệnh trục xuất.

Kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 10/2022, Chính phủ của Thủ tướng Meloni đã cam kết hạn chế nhập cư ồ ạt. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 31.300 người di cư đến nước này, tăng so với khoảng 7.900 người trong cùng kỳ năm 2022. Trong những ngày gần đây, hàng nghìn người di cư đã tới các cảng biển ở Italy, đặc biệt là đảo Lampedusa, sau khi lênh đênh trên những tàu, thuyền cũ nát để vượt qua hành trình đầy nguy hiểm từ Bắc Phi.

Sau vụ đắm tàu chết người ngoài khơi vùng Calabria, miền nam Italy hồi cuối tháng 2, Thủ tướng Meloni đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép, trong khi phía Italy tăng cường phạt tù với những kẻ buôn người.

Trong khi đó, ngày 14/4, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, trước việc số lượng người di cư và tị nạn tới châu Âu bằng đường biển ngày càng tăng trong những tuần gần đây, EC không có kế hoạch thay đổi kế hoạch hành động của mình cho khu vực trung Địa Trung Hải. Theo hãng tin Pháp AFP, EC đang làm mọi việc để thực hiện kế hoạch mà ủy ban này đã trình bày vào tháng 11/2022, qua đó hy vọng giải quyết các thách thức trước mắt và đang diễn ra dọc theo tuyến đường di cư đông đúc và nguy hiểm nhất của khu vực Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, EC triển khai những bước đi cần thiết để Hiệp ước mới về di cư và tị nạn có thể được thông qua vào năm 2024.

Trước việc Italy ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài sáu tháng về vấn đề nhập cư, EC cho biết, họ đã lưu ý về quyết định này cũng như liên hệ với chính quyền Thủ tướng Meloni, đồng thời nhận định, đây là một quyết định mang tính “quốc gia”, xuất phát từ một tình huống khó khăn do số lượng người di cư gia tăng đột biến.

Theo thống kê của LHQ, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay là quý có số người di cư thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải cao nhất kể từ năm 2017. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong giai đoạn trên, 441 người di cư thiệt mạng khi tìm đường tới châu Âu nhưng cũng không loại trừ khả năng con số này vẫn thấp hơn thực tế. IOM cho rằng, việc các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ của các nước bị gián đoạn là một yếu tố dẫn tới một số vụ sự cố nghiêm trọng.

Giám đốc IOM Antonio Vitorino nhận định, cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn trong thời gian dài ở Địa Trung Hải là điều không thể chấp nhận. Hơn 20.000 người đã thiệt mạng trên tuyến đường di cư này kể từ năm 2014. Lo ngại tình hình diễn biến phức tạp, ông Vitorino kêu gọi các chính phủ hành động nhằm giảm tình trạng gián đoạn hay thiếu các chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn. IOM cho biết, việc để xảy ra gián đoạn các chiến dịch trên là một phần nguyên nhân dẫn tới ít nhất là sáu vụ tai nạn người di cư trong năm 2023, khiến ít nhất 127 người chết.

Đã có nhiều cuộc đàm phán, thỏa hiệp hoặc thậm chí nhân nhượng giữa các quốc gia tuyến đầu tiếp nhận người di cư như Italy hay Hy Lạp với phần còn lại của EU, song đến nay những nỗ lực ngăn làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu vẫn “giậm chân tại chỗ”. Giới quan sát cho rằng, nhiệm vụ cấp bách của giới chức EU hiện nay là phải hành động nhiều hơn nữa nhằm không để tiếp tục xảy ra những thảm kịch trên biển thời gian qua.