Nhật Bản xuất khẩu công nghệ xử lý nước

Nhu cầu xử lý nước sạch đang tăng lên trên toàn cầu trong bối cảnh hạn hán gia tăng cùng tình trạng các sông, suối, hồ đối mặt nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Là một trong những quốc gia có kinh nghiệm và sở hữu các công nghệ tiên tiến, Nhật Bản đã thúc đẩy xuất khẩu công nghệ xử lý nước tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Mương nước nuôi cá sử dụng nước thải sinh hoạt đã qua xử lý ở Nhật Bản. Ảnh: JAPAN TIMES
Mương nước nuôi cá sử dụng nước thải sinh hoạt đã qua xử lý ở Nhật Bản. Ảnh: JAPAN TIMES

Nhiều người đã nghe nói tới công nghệ xử lý nước Nano-Bioreactor của Nhật Bản, sau khi công nghệ này đang được áp dụng vào làm sạch nước ô nhiễm tại sông Tô Lịch. Trước khi giới thiệu tại Hà Nội, các chuyên gia Nhật Bản từng thử nghiệm xử lý nước ở một số hồ điều hòa của TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Theo Japan Times, các công ty Nhật Bản cũng triển khai những biện pháp xử lý nước tương tự tại các nguồn nước bị ô nhiễm nặng ở châu Á.

Kỹ thuật tiên tiến Nano-Bioreactor là sự kết hợp giữa máy sục nano và hệ thống lò phản ứng sinh học làm sạch nước thải thông qua các màng đặc biệt. Mỗi hệ thống lọc đóng vai trò như một “nhà máy xử lý nước mini” đặt ngay tại nguồn nước bị ô nhiễm. Hệ thống này có khả năng xử lý nước thải thành nước sạch trong một thời gian ngắn và thời gian lắp đặt nhanh. Đây được đánh giá là biện pháp có chi phí thấp, hiệu quả cao và phù hợp các đô thị, nơi không có diện tích xây dựng nhà máy xử lý.

Ngoài mục tiêu xử lý các con sông bị ô nhiễm rác thải, các nhà khoa học của “đất nước mặt trời mọc” cũng chú trọng phát triển kỹ thuật mới có thể xử lý những nguồn nước bị ô nhiễm hóa chất với chi phí thấp. Các kỹ thuật này nhằm vào giải quyết vấn đề nước thải khu công nghiệp, vốn là bài toán làm đau đầu nhiều doanh nghiệp.

Tại khu công nghiệp Amata Nakorn phía đông nam Thủ đô Bangkok (Thái-lan), một hệ thống giúp loại bỏ hóa chất và các chất thải công nghiệp bằng “màng nhầy hữu cơ” theo công nghệ Nhật Bản đã được đưa vào vận hành từ năm 2017. Hệ thống đặc biệt này giúp các nhà máy tiết kiệm 30% năng lượng tiêu thụ so phương pháp sử dụng hóa chất truyền thống.

Nhu cầu về xử lý và cấp nước sạch được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trên thế giới trong bối cảnh dân số gia tăng, các ngành công nghiệp tiêu thụ nước sạch phát triển mạnh và ngày càng nhiều dòng sông bị ô nhiễm. Theo dự báo của LHQ, vào năm 2030, thế giới ​​sẽ thiếu hụt 40% nguồn nước có thể sử dụng do sông, hồ, ao, suối… cấp nước bị ô nhiễm hoặc khô cạn. Bên cạnh việc lọc nước ô nhiễm, thách thức lớn khác còn là việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt.

Vừa qua, Công ty công nghệ Hitachi của Nhật Bản đã bắt tay tham gia xây dựng nhà máy khử nước mặn lớn ở cửa sông Shatt-al-Arab, tại thành phố Basra lớn thứ hai của Iraq. Công ty này cung cấp giải pháp màng chắn sinh học loại bỏ muối, giúp tách muối từ nước biển khi đi qua lớp màng này. Nhà máy với công suất đủ cấp nước sinh hoạt cho nửa triệu người mỗi ngày, là cơ sở khử mặn lớn nhất ở Iraq hiện nay.

Bằng việc đẩy mạnh phát triển các hệ thống sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng cạnh tranh với những công ty lớn của phương Tây vốn chi phối ngành kinh doanh nước toàn cầu, như Veolia của Pháp hay Thames Water Utility của Anh, các công nghệ khử mặn quy mô lớn của Israel… Chính phủ Nhật Bản cũng vươn lên trở thành nhà viện trợ các chương trình nước sạch hàng đầu thế giới, qua đó mở hành lang để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Theo Nikkei, dù thị phần của Nhật Bản trong lĩnh vực này còn thấp, song thực tế cho thấy ngày càng có nhiều không gian để các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế.

Nhật Bản đã đi đầu thế giới trong việc quản lý tài nguyên nước hiệu quả với các công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ màng lọc, chống rò rỉ... Tỷ lệ thu hồi nước công nghiệp ở Nhật Bản được ghi nhận là gần 80% và tỷ lệ rò rỉ trong hệ thống cấp nước chỉ dưới 10%. Công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản tạo nên thế mạnh để các doanh nghiệp từ “xứ sở hoa anh đào” xuất khẩu công nghệ xử lý nước ra thế giới.