Mottainai là một thuật ngữ trong Phật giáo cổ của Nhật Bản, có nghĩa là tôn trọng các tài nguyên chung quanh, không lãng phí và sử dụng chúng với sự biết ơn. Trong nhiều thế kỷ, “Mottainai” thể hiện thái độ sống có trách nhiệm của người dân nước này đối với mọi sản vật tự nhiên và sản phẩm nhân tạo. Ở một đất nước phải đối mặt thiên tai thường xuyên và không có nguồn tài nguyên dồi dào, người Nhật vì thế luôn có sự tôn trọng đối với mỗi sản phẩm, có ý thức cao trong việc giảm thiểu sự lãng phí, khuyến khích tái sử dụng, tái chế rác thải.
Ngày nay, truyền thống Mottainai góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững. Không giống những hoạt động bảo vệ môi trường khác, Mottainai tập trung nâng cao ý thức của người sử dụng đối với sản phẩm, bởi nếu đã có sự tôn trọng thì không còn lý do để lãng phí. Môi trường nước này đang gánh chịu ngày càng nhiều các loại rác thải như thực phẩm thừa, nhựa sử dụng một lần, rác thải công nghiệp… Bởi thế, dù có hệ thống tái chế hiện đại và các thành phố sạch gần như hoàn hảo, người Nhật Bản vẫn duy trì suy nghĩ và hành động theo truyền thống Mottainai trong cuộc sống thường nhật.
Du khách tới Nhật Bản có thể tham dự lễ hội Hari-Kuyo, được tổ chức hằng năm để bày tỏ sự biết ơn đối với các đồ vật đã qua sử dụng. Tại sự kiện này, kim khâu hỏng sẽ được cắm trong đậu phụ, đặt trong điện thờ của ngôi đền để người dân đến bày tỏ sự thành kính, tôn vinh. Truyền thống Mottainai còn có sức ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác, trong đó đặc biệt là tại Kenya. Bà Wangarĩ Muta Maathai, một nhà hoạt động môi trường người Kenya từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2004 đã khởi động chiến dịch bảo vệ môi trường mang tên “Mottainai” nhằm loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường tự nhiên. Chiến dịch này đã góp phần thay đổi chính sách của Chính phủ Kenya trong việc sản xuất và sử dụng các vật liệu nhựa.
Ông Tatsuo Nanai, người đứng đầu Chiến dịch Mottainai cho biết: “Truyền thống này đã được bà Maathai phổ biến khắp thế giới. Trong bài phát biểu tại lễ ra mắt Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2006, bà đã minh họa mối liên hệ giữa quyền con người và bảo tồn môi trường, với luận điểm về ảnh hưởng của lòng tham con người đối với các nguồn lực hạn chế của Trái đất, đồng thời cho rằng đây là nguyên nhân gốc rễ của hầu hết các cuộc xung đột. Sau đó, bà Maathai nhớ lại chuyến đi đến Nhật Bản, nơi bà tìm hiểu về Mottainai và bài học về lòng biết ơn, tiết kiệm, cũng như sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên hạn chế”.
Tại Nhật Bản hiện nay, có một khoảng cách lớn trong quan niệm về Mottainai giữa người già và người trẻ của thời đại sung túc về vật chất. Bởi vậy, trách nhiệm tuyên truyền về Mottainai cho thế hệ trẻ cần được các gia đình quan tâm. “Nhằm mục đích thay đổi điều này, chiến dịch Mottainai đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ huynh và các em nhỏ tham gia những khu chợ ngoài trời chuyên bán hàng cũ, đồng thời khuyến khích trẻ em mua bán đồ chơi, quần áo, sách vở cũ... Đây là cách để dạy các em không những hiểu được giá trị của tiền, mà còn có ý thức tái sử dụng những món đồ cũ”, ông Nanai chia sẻ.
Nhờ công sức của bà Maathai và nhiều người khác, tầm ảnh hưởng của truyền thống Mottainai đã vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản, dần lan rộng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Lễ hội Mottainai đã trở thành sự kiện môi trường quan trọng được tổ chức hằng năm, hoặc người dân khu phố Little Tokyo của TP Los Angeles (Mỹ) cũng chọn Mottainai làm chủ đề cho dự án tái thiết năm 2016… Năm nay, Thế vận hội Olympic và Paralympic tại Thủ đô Tokyo cũng thể hiện tinh thần Mottainai một cách rõ rệt. Bên cạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, một số thiết bị cần thiết như bục lễ sẽ được làm từ nhựa tái chế, tất cả 5.000 huy chương sẽ được làm từ 100% kim loại tái chế...