Theo Tổng cục Hải quan, tính trong bảy tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 115,28 tỷ USD, giảm 17,8% (tương ứng giảm 24,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Nhập khẩu giảm ở nhóm hàng phục vụ sản xuất
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong bảy tháng năm 2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 158,26 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022 do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất giảm.
Cụ thể, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… đều giảm ở mức hai con số như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,6%; vải các loại giảm 18,6%; thép các loại giảm 30,6%; cao-su các loại giảm 39,3%; bông các loại giảm 21%; hóa chất giảm 25,4%; phân bón giảm 24,5%... Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm 66,3%.
Các doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân dẫn đến kim ngạch nhập khẩu giảm do tình hình kinh tế thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Dự kiến tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm.
Thực tế khó khăn trên dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi đó các đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5%.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Tình trạng thiếu đơn hàng khiến việc nhập khẩu nguyên liệu của doanh nghiệp giảm mạnh. Chúng tôi không dám đặt nhiều hàng vì sợ chôn vốn, thua lỗ”.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, ngành dệt may nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất nên trong tình hình hiện nay, xuất khẩu giảm thì đương nhiên nhập khẩu cũng phải giảm theo.
Sức ép về mục tiêu tăng trưởng
Theo các chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến GDP, tỷ giá hối đoái, mức độ lạm phát và lãi suất của quốc gia đó. Do đó, nhập khẩu giảm cũng giúp cán cân thương mại Việt Nam thặng dư.
Cụ thể, bảy tháng năm 2023, Việt Nam ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD, điều này tạo thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua được lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, giúp điều hòa thị trường ngoại hối khi tỷ giá trong nước biến động mạnh. Hơn nữa việc xuất siêu tăng đã giúp Việt Nam tránh được việc nhập khẩu lạm phát.
Với con số nhập siêu tăng mạnh, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, đây là điểm sáng tích cực của ngoại thương. “Cán cân thương mại hàng hóa là một thành tố quan trọng trong cán cân thanh toán quốc tế. Nên cán cân thương mại hàng hóa thặng dư lớn như vậy góp phần bảo đảm ổn định, giảm áp lực cho tỷ giá. Đấy là yếu tố tích cực về mặt vĩ mô”.
Tuy nhiên, với đà giảm mạnh của nhập khẩu, ông Thành cho rằng, là điều đáng lo. “Nhìn vào cấu trúc của nhập khẩu, đóng góp chủ yếu là nhập khẩu hàng trung gian (nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu linh kiện…) để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu. Nhập khẩu hàng trung gian giảm phản ánh xuất khẩu, đặc biệt trong công nghiệp chế biến chế tạo trong tương lai sẽ giảm. Bên cạnh đó, một phần rất lớn khác trong cấu trúc nhập khẩu là nhập khẩu các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Cấu phần này giảm cho thấy đầu tư đang có sự chững lại hoặc suy giảm, hàm ý trong những năm tới, năng lực sản xuất sẽ yếu đi”, chuyên gia này phân tích.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nhập khẩu giảm sẽ khiến mức độ sản xuất hàng hóa giảm sút và sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong khi đó, Việt Nam đang có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ vào tăng trưởng của xuất khẩu. Hầu hết nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu phục vụ sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu giảm đồng nghĩa xuất khẩu cũng giảm.
Bên cạnh đó, nhập khẩu giảm mạnh cũng khiến thu ngân sách nhà nước sụt giảm. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đạt 26.235 tỷ đồng, giảm 14,6% so với tháng trước.
Một chuyên gia cũng cho rằng: “Lo ngại là đương nhiên, vì xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu (tư liệu sản xuất). Mà nhập khẩu sụt giảm liên tiếp và âm rất nặng như thế này khiến sản xuất phục vụ xuất khẩu trong các kỳ sau sẽ rất khó khăn”.
Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm khó khăn sẽ giảm bớt nhờ kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi nhẹ, lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát ổn định. Do đó, xuất khẩu có thể phục hồi kéo theo nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, kinh doanh tăng. Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng; theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách, quy định của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời, tránh để mất cơ hội xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu… vẫn là các giải pháp chính để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.