Nhân sự chứng khoán

Việc nhân sự ngành chứng khoán, nếu có sụt giảm trong thời gian này có lẽ cũng là điều bình thường, vì không chỉ có ngành này đang cắt giảm nhân sự. Nhưng theo dõi chi tiết hơn về số lượng nhân sự ngành chứng khoán sẽ thấy nhiều điểm thú vị hơn là vài tín hiệu tiêu cực vốn không có bất ngờ.
0:00 / 0:00
0:00

Đầu tiên nhìn vào thống kê biến động nhân sự từ cuối năm 2022 đến hết quý I/2023 thì chỉ có duy nhất một công ty chứng khoán (CTCK) trong tốp 10 cắt giảm với tỷ lệ “2 con số” tức là từ mức hơn 10%, số còn lại nếu có cũng chỉ vài %. Nên vấn đề cắt giảm nhân sự hay nghỉ việc tại CTCK chỉ mang tính đơn lẻ hơn là tổng thể ngành. Ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3, CTCK Phú Hưng (PHS) cho biết, hiện nay ông vẫn đang tiếp tục tuyển dụng, chính sách đãi ngộ tương đương những năm trước, khi thị trường bùng nổ. “Giống như thị trường chứng khoán có lên có xuống, thì nhân sự chứng khoán cũng có người vào, người ra. Vấn đề là những người quản lý nhân sự phải tính toán được chiến lược dài hơi để tránh những biến động có thể tạo ra tình thế bị động”, ông Lê Anh Trí cho biết.

Thực tế cho thấy, thị trường giảm mạnh chưa bao giờ là vấn đề gây áp lực về mặt nhân sự cho CTCK, nếu nhìn vào những đợt điều chỉnh lớn nhất của thị trường là năm 2008 và 2022 cũng chưa bao giờ có cái gọi là “làn sóng sa thải”. Lý do cũng đơn giản, việc gia nhập ngành chứng khoán chưa bao giờ là đơn giản, một nhân viên để gọi là “thạo việc” thì thời gian được đào tạo, trải nghiệm phải được tính bằng năm. Vì vậy, tuyển dụng của CTCK sẽ không chỉ có việc tuyển mới, mà còn có sự dịch chuyển theo kiểu “lấy người của nhau”, mà những nhân sự có thể “nhảy việc” giữa các CTCK cũng thường “có nghề” và ít chịu áp lực thất nghiệp. Nói cách khác, dù có muốn thì CTCK cũng khó tuyển dụng ồ ạt để rồi ồ ạt cho nghỉ.

Một đặc thù khác của ngành chứng khoán cũng buộc nhân sự của các CTCK phải ổn định là tính chất dài hạn trong đầu tư. Hôm nay, hay tháng này khách hàng không giao dịch không có nghĩa là nghỉ ngơi, mà nhân viên sẽ phải chăm sóc cho khách hàng nếu vẫn có sự gắn bó với CTCK. Nên dù khách có giảm hay thậm chí không giao dịch thì CTCK cũng không thể cho nhân viên nghỉ, đó là điều chắc chắn. Thử nhìn thanh khoản của sàn HoSE hiện nay vào mức hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, thua giai đoạn cao điểm với tầm 20.000-30.000 tỷ đồng/phiên, nhưng tỷ lệ giảm nhân sự chung của ngành xét trên tổng thể vẫn là rất thấp.

Như vậy, có thể kết luận, một “cơn bão” cắt giảm nhân sự trong ngành chứng khoán là rất khó xảy ra, khi các CTCK, nhất là các đơn vị lớn vẫn đang tranh thủ những lúc này để củng cố lực lượng nhân sự. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt sẽ nằm ở việc các nhân viên phải hoàn thiện mình về nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc khách hàng, bảo vệ quyền lợi cho NĐT và mức độ cạnh tranh trong ngành cũng sẽ ngày một tăng cao.