Nhân rộng mô hình “Dạy bơi an toàn”

Nhằm nâng cao kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước cho trẻ em, hàng loạt lớp dạy bơi miễn phí được các cấp bộ đoàn, trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng tổ chức xuyên suốt trong kỳ nghỉ hè, thu hút đông đảo học sinh, thiếu nhi tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp dạy bơi miễn phí tại Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ mở cửa hằng ngày.
Lớp dạy bơi miễn phí tại Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ mở cửa hằng ngày.

Nhiều lớp dạy bơi miễn phí

Từ giữa tháng 6 đến nay, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi TP Đà Nẵng phối hợp Câu lạc bộ Bơi DAT tổ chức mô hình “Dạy bơi an toàn”. Các lớp dạy bơi mở cửa hằng ngày, thu hút hàng trăm em học sinh, thiếu nhi từ 4-15 tuổi tham gia học bơi. Song song học bơi, các em còn được tập huấn cách xử lý tình huống khi bị rơi xuống nước. Qua đó giúp các em nâng cao kỹ năng bơi, bảo đảm an toàn cho bản thân khi rơi xuống nước, đồng thời biết cách sơ cấp cứu ban đầu, cứu người bị đuối nước. Anh Nguyễn Viết Vỹ, huấn luyện viên Câu lạc bộ Bơi DAT cho biết, trong thời gian học bơi, các em được học kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất là cách tự nổi ngửa khi bị rơi xuống nước để thở và kêu cứu hoặc bơi vào bờ. Bên cạnh đó, các em được học các kỹ năng bơi trườn sấp, bơi ngửa, bơi ếch, cách lên bờ an toàn, bài tập đứng nước, nổi nước, thở nước.

Đầu tháng 7 vừa qua, Đoàn Thanh niên Trường đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng phối hợp Quận đoàn Liên Chiểu mở lớp “Dạy bơi 0 đồng” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tuần các em được học bơi 3 buổi, mỗi buổi kéo dài 1 giờ. Trong các buổi học, học sinh được dạy cách khởi động trước khi bơi, kỹ năng bơi lội, cách tự nổi trong nước để an toàn, cách sơ cấp cứu người bị đuối nước. Để lớp dạy bơi đạt hiệu quả, Trường đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng bố trí 5 giáo viên dày dạn kinh nghiệm để hỗ trợ các em học sinh tập bơi đúng phương pháp, kỹ thuật phòng tránh các sự cố khi bơi như bị chuột rút, bơi vào vùng nước xoáy.

Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP Đà Nẵng với các giải pháp được đưa ra gồm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em và mọi người. Vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ gây tai nạn, thương tích và đuối nước, bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là trong thời gian nghỉ hè. Các ngành, địa phương cần rà soát, kiểm tra, phát hiện, cảnh báo kịp thời các khu vực nguy hiểm, thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước để có biện pháp phòng ngừa. Tăng cường tổ chức các lớp dạy, học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và học sinh.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Thực hiện phong trào “Dạy - Học bơi hè 2024” của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, từ đầu tháng 6, hàng loạt trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đã tái khởi động các lớp dạy bơi miễn phí. Tại Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, đều đặn 6 giờ sáng hằng ngày, các thầy giáo bắt đầu lớp dạy bơi. Thầy Lưu Văn Thường cho biết, mỗi lớp nhiều nhất 12 học sinh, do 2 giáo viên phụ trách. Trong mỗi tiết học kéo dài 45 phút, các em được học các kỹ năng an toàn trong nước, nổi ngửa trên nước 30 giây. Khi tham gia học bơi, các em được miễn hoàn toàn học phí, chỉ cần trang bị những vật dụng cá nhân như: trang phục, kính bơi. Sau hơn 1 tháng học bơi, em Lê Minh Hải (lớp 5/4), từ một học sinh sợ nước nay đã chiến thắng nỗi sợ, tự tin bơi lội. Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, từ năm 2013 đến nay, nhà trường duy trì các lớp dạy bơi miễn phí. Đối tượng tham gia học bơi không chỉ là học sinh của trường mà là tất cả các em trong độ tuổi tiểu học trên địa bàn và khu vực lân cận có nhu cầu.

Trong kỳ nghỉ hè năm 2024, toàn quận Thanh Khê có 9 trường tiểu học tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em, tổng số học sinh tham gia hơn 3.490 em. Tương tự, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cũng hướng dẫn 19 trường tiểu học và 9 trường THCS trên địa bàn huyện tổ chức và phân công giáo viên dạy bơi hè. Các trường cũng đã tu bổ cơ sở vật chất tại bể bơi, lắp camera quan sát bảo đảm an toàn, đồng thời kiểm tra chứng nhận sức khỏe, chứng nhận đã qua các khóa tập huấn bơi, năng lực thực tế của từng giáo viên để phân chia thời khóa biểu hợp lý, tổ chức dạy bơi theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho học sinh.