Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Để chuẩn bị cho lần hoạt động đầu tiên, sau gần ba tuần di chuyển trên biển, ngày 17-5 vừa qua, nhà máy điện hạt nhân nổi mang tên nhà khoa học, nhà thơ Nga thế kỷ 18 Akademik Lomonosov đã cập cảng Murmansk, phía bắc nước Nga. Đây được xem là nhà máy tiên phong cung cấp năng lượng cho các khu vực xa xôi, hẻo lánh trên hành tinh.

Nhà máy điện hạt nhân trên biển của Nga được lai dắt đến cảng Murmansk. Ảnh: ENGADGET
Nhà máy điện hạt nhân trên biển của Nga được lai dắt đến cảng Murmansk. Ảnh: ENGADGET

Lò phản ứng hạt nhân di động

Nhà máy điện hạt nhân di động này ra đời trong bối cảnh Nga buộc phải tiến xa hơn về phía bắc để tìm kiếm thêm dầu mỏ và khí đốt. Các hoạt động sử dụng máy móc diễn ra ở những nơi xa xôi đều cần đến năng lượng để vận hành. “Ý tưởng xuất phát từ việc cần phải có các nhà máy điện di động được sử dụng cho các hoạt động thăm dò dầu khí ở Bắc Cực, song việc xây dựng một nhà máy điện thông thường sẽ phức tạp, tốn kém”, ông Sergei Kondratyev thuộc Viện Năng lượng & Tài chính Moscow (Nga) cho biết.

Nhà máy điện hạt nhân Akademik Lomonosov được khởi công xây dựng ở St. Petersburg từ năm 2007 và hoàn thành năm 2010, với tổng chi phí khoảng 480 triệu USD. Nhà máy được xây dựng trên con tàu dài 144 m, rộng 30 m, nặng 21.000 tấn. Con tàu chứa hai lò phản ứng hạt nhân KLT-40S vốn được thiết kế cho tàu phá băng trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhà máy nổi có công suất phát điện 70 MW và tạo nhiệt lượng là 50 cal/giờ trong chế độ hoạt động bình thường. Rác thải hạt nhân sẽ được loại bỏ cẩn thận để tránh phóng xạ trong suốt quá trình hoạt động của lò phản ứng.

Theo thiết kế, nhà máy điện hạt nhân Akademik Lomonosov có các cơ sở trên bờ và ngoài khơi để truyền điện năng, nhiệt năng sinh ra từ nhà máy vào đất liền. Các cơ sở trên đất liền sẽ truyền nguồn điện năng và nhiệt năng này đi xa hơn.

Việc thử nghiệm nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov được tiến hành từ tháng 7-2016. Theo trang thông tin Nouvelobs.com, hôm 17-5 vừa qua, nhà máy điện hạt nhân nổi này được lai dắt đến Murmansk, cảng cực bắc của nước Nga, nằm sát bán đảo Scandinavie. Nhà máy sẽ được nạp đầy nhiên liệu hạt nhân tại Murmansk trước khi di chuyển đến vùng Viễn Đông, cách Bắc Cực khoảng 350 km vào mùa hè năm 2019.

Rosatom, Công ty điện hạt nhân quốc doanh Nga chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành Akademik Lomonosov cho biết, nhiệm vụ chính của Akademik Lomonosov là cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp vùng sâu vùng xa, thành phố cảng, giàn khoan dầu khí. Lý do xây dựng nhà máy này là các phương án cung cấp điện bằng than đá, khí tự nhiên hoặc dầu diesel có chi phí cao hơn so sử dụng năng lượng từ con tàu hạt nhân nổi. “Nhà máy điện hạt nhân này có thể sản xuất lượng điện đủ cung cấp cho một thị trấn gồm 200.000 dân. Bên cạnh đó, khi đi vào hoạt động, Akademik Lomonosov sẽ tiết kiệm 200.000 tấn than và 100.000 tấn nhiên liệu dầu mỗi năm, góp phần làm giảm 50.000 tấn carbon dioxide (CO2) phát thải mỗi năm”, một đại diện của Rosatom cho biết. Ngoài ra, Akademik Lomonosov cũng có thể được sử dụng như một nhà máy khử muối với công suất 240.000 m³ nước ngọt mỗi ngày.

Một lợi ích khác khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển là chi phí xây dựng và lắp đặt rẻ hơn các nhà máy điện hạt nhân trên bờ, hoạt động cũng an toàn hơn. Vì các nhà máy này có thể được di chuyển, đặt xa các khu dân cư trong đất liền, và nằm sẵn ngoài biển nơi luôn có nước lạnh để bơm vào làm nguội các lò hạt nhân. Việc nổi trên mặt biển ngoài khơi cũng giảm nguy cơ bị sóng thần tiến công gây thiệt hại. “Nhà máy điện hạt nhân kiểu này có tuổi thọ là 40 năm, thậm chí có thể kéo dài tới 50 năm và có thể hoạt động không ngừng trong 3-5 năm mà không cần tiếp nhiên liệu”, Rosatom cho biết.

Mối quan ngại về môi trường

Tuy nhiên, từ khi kế hoạch xây dựng nhà máy Akademik Lomonosov còn ở trên giấy, rất nhiều câu hỏi liên quan rủi ro về môi trường đã được giới khoa học đặt ra. Mối quan tâm chủ yếu là nhà máy này có thể phát ra một lượng lớn phơi nhiễm phóng xạ gây ảnh hưởng xấu tới các khu vực dân cư chung quanh. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cảnh báo, một trận động đất gây ra sóng thần có thể phá hủy nhà máy điện hạt nhân nổi gần bờ, gây ra rò rỉ vật liệu phóng xạ và nhiên liệu từ rác thải hạt nhân.

Lấy thí dụ từ một số tai nạn của tàu ngầm năng lượng hạt nhân, trong đó có vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân lớp Echo II năm 1985 khiến gần 60 người thương vong và hàng trăm người bị phơi nhiễm phóng xạ, Greenpeace cho rằng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển sẽ tạo ra sự phơi nhiễm phóng xạ từ các sự cố nhiều hơn so các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền và cũng gây ra mối đe dọa tới môi trường biển. “Các lò phản ứng hạt nhân di chuyển quanh Bắc Băng Dương đặt ra mối đe dọa lớn đối với một môi trường vốn đã chịu áp lực từ biến đổi khí hậu”, chuyên gia Jan Haverkamp của Greenpeace nói. Đó là lý do vì sao nhà máy điện hạt nhân Akademik Lomonosov còn bị gọi là “Titanic hạt nhân” hay “Chernobyl nổi”, nhằm ám chỉ vụ chìm tàu Titanic năm 1912 và thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Bác bỏ những quan ngại trên, Công ty Rosatom cho rằng Akademik Lomonosov được thiết kế có thể chịu được động đất với cường độ 10-12 độ richter và sóng thần. Điều này khiến các lò phản ứng hạt nhân trở nên “bất khả chiến bại” trước sóng thần và các thảm họa thiên nhiên khác. Ngoài ra, quy trình hoạt động của nó đáp ứng tất cả các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và không đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với môi trường. Dẫn thống kê của Hiệp hội Hạt nhân thế giới, Rosatom cho biết, hiện nay có khoảng 140 chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, chủ yếu là tàu ngầm, tàu phá băng và tàu sân bay quân sự. Trong đó, tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên được đưa vào vận hành từ năm 1955. Tuy nhiên, chẳng mấy ai phải quan tâm đến độ an toàn của các con tàu trên.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đang quan tâm tới việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi giống như nhà máy Akademik Lomonosov của Nga. Năm 2015, tại Jakarta (Indonesia), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Indonesia (BATAN) và Nga đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất cao và các nhà máy điện hạt nhân nổi tại Indonesia.

Trước đó, năm 2014, Công ty Rousatom Overseas của Nga và Công ty Năng lượng mới (CNNC) của Trung Quốc đã ký ý định thư về việc hợp tác phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi.