Kỳ 4: Cần xây dựng quy hoạch phù hợp & minh bạch
(Tiếp theo & hết)
Triệt căn bệnh “phình to”
Hiện nay, các kiến trúc sư, kỹ sư, các đơn vị tư vấn và xây dựng dường như lúng túng trong việc lựa chọn quy chuẩn phù hợp để áp dụng trong thực tế với tất cả các loại nhà cao tầng, dù đã phải tìm đến các tiêu chuẩn nước ngoài được công nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên, “sáng kiến” áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế nước ngoài lại gây rắc rối khi phải giải trình qua lại không biết bao nhiêu lần cho các cơ quan thẩm tra, thẩm duyệt, cấp phép xây dựng, bởi hồ sơ không được chấp thuận với lý do tiêu chuẩn áp dụng đã hết hiệu lực. Cũng vì chưa có các tiêu chuẩn xây dựng mới thay thế nên các bên không biết phải điều chỉnh thế nào cho phù hợp.
Đáng ngại hơn là tình trạng lợi dụng kẽ hở của việc thiếu tiêu chuẩn cao tầng và các quy chuẩn quy hoạch về môi trường cho khu cao tầng đô thị, dẫn tới việc buông lỏng quản lý để các chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch được duyệt, xây nhà cao tầng đi ngược quyền lợi của người dân. Hiện nay tồn tại một thực tế: tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam không đủ đánh giá tác động của nhà cao tầng lên môi trường sống của khu đô thị mới trong thành phố và quy định khoảng cách giữa các tòa nhà - vốn là hai quy định bắt buộc của tiêu chuẩn xây dựng nhà cao tầng.
Điều đó không chỉ khiến các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các trung tâm lịch sử bị gia tăng sức ép vào hạ tầng cũ vốn đã ọp ẹp thêm quá tải, mà còn khiến căn bệnh “phình to” ngày càng khó cứu chữa hơn. Nhiều lần các trung tâm lịch sử và không gian công cộng chung đã kêu cứu nhưng hiểm họa phá nát cấu trúc lịch sử và tự nhiên đó vẫn ngày càng tăng, một phần vì nhiều nơi không coi trọng tiêu chuẩn nhà cao tầng xây xen trong nội đô.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh: “Chỉ đạo “không” xây chung cư chọc trời ở trung tâm của Thủ tướng là giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, để giải quyết được định hướng này, TP Hà Nội cần rà soát lại các dự án cao tầng vừa qua trong nội đô để phân loại mức độ. Cụ thể, công trình nào mới có nhiệm vụ thiết kế, công trình nào đã được duyệt mặt bằng quy hoạch chi tiết, công trình nào duyệt dự án nhưng chưa đầu tư hay công trình nào có dự án nhưng chưa giải phóng mặt bằng?... Từ đó, có giải pháp tương ứng và công khai rộng rãi để dư luận quan tâm và tham vấn.
Chỉ điều chỉnh khi cần thiết
Theo quy hoạch chung, TP Hà Nội mở rộng về mọi mặt được mong chờ và hy vọng sẽ mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho Thủ đô. Sau quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cũng đã từng bước được triển khai. Nhưng chứng kiến tình hình thực tế hiện tại, không ít người đều lắc đầu ngao ngán. Nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, chính việc quy hoạch liên tục được điều chỉnh đã dẫn tới hệ lụy như hiện nay và đây là nguyên nhân chính khiến các đô thị bị “vỡ trận”. Lấy thí dụ, ngay cả bản quy hoạch TP Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 được đánh giá là rất quy mô, được Bộ Chính trị chỉ đạo, Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, những nội dung chính của bản quy hoạch như việc di dời các nhà máy, cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện ra các đô thị vệ tinh… vẫn chưa thực hiện được.
Một nhà quy hoạch đô thị đã từng nói rằng, ở Hà Nội luôn xảy ra tình trạng dự án điều chỉnh quy hoạch, và đây là điều không thể chấp nhận được. Nếu không phải vậy thì đã chẳng có chuyện khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đang êm đềm với 80 ha hồ nước, cây xanh, được thiết kế nhiệt đới hóa và không gian kiểu phố - cộng đồng thân thiện… bỗng dưng bị “xâm lăng” bằng khu chung cư HH với 12 tòa liền kề, cao lừng lững 40 tầng dù không có giấy phép xây dựng và không bảo đảm tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy. Khu nhà cao tầng này không chỉ đưa dân số tại chỗ tăng lên gấp ba lần cùng với nạn kẹt xe, tắc đường mà còn chiếm trọn khu đất công cộng, phá vỡ thiết kế quy hoạch đẹp như mơ ở khu vực này.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy hoạch nhà cao tầng tại Hà Nội rất lộn xộn. Mặc dù không kém về quy hoạch, nhưng chúng ta lại rất thích điều chỉnh quy hoạch và đây là căn nguyên của vấn đề. Nhiều khi điều chỉnh chỉ bởi một lý do không chính đáng, thường là vì lợi ích của chủ đầu tư. Ở đây, chúng ta quá dễ dãi trong điều chỉnh quy hoạch và không giám sát điều chỉnh quy hoạch một cách chặt chẽ. Có thể nhận thấy rằng, việc dễ dàng điều chỉnh quy hoạch đã đẩy nhiều khu đô thị rơi vào tình trạng quá tải, tắc nghẽn. Ngoài ra, tình trạng buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý yếu kém nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan đã đẩy các khu đô thị vào cảnh hỗn loạn.
Định hướng rõ quy hoạch tương lai
Hiện nay, có rất nhiều dự án được xây lên chủ yếu với mục đích thương mại, không chú trọng đến chất lượng sống, môi trường khí hậu, trở thành những cỗ máy tiêu thụ năng lượng khủng khiếp trong tương lai. Nhiều nhà cao tầng dù xây cao nhưng chưa đáp ứng đầy đủ sự thuận tiện đi lại, giao lưu cộng đồng, các hoạt động giải trí, thể thao… khiến cư dân sống trong đó luôn cảm thấy thiếu thốn, ngột ngạt. Vấn đề vì khí hậu chưa được giải quyết tốt, khoảng cách giữa con người với thiên nhiên ngày càng xa bởi khoảng không gian xanh hiếm hoi đã bị lấp đầy bằng những bức tường bê-tông.
Đến nay, Hà Nội đã bảy lần lập Quy hoạch chung, cùng hàng trăm quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu… Và dù trên mỗi bản quy hoạch ấy luôn có các tuyến giao thông đô thị, hệ thống giao thông công cộng khá hoành tráng với tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, xe buýt thường... Thế nhưng, sự phát triển đô thị Hà Nội chưa bao giờ đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông. Bởi lẽ, Hà Nội là đô thị thường hay điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước, cho dù quy hoạch trước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngay như quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt chưa lâu, giờ cũng lại bị điều chỉnh bởi Quy hoạch chung Vùng Thủ đô… Việc hay thay đổi và điều chỉnh này ắt có lý do (khách quan và chủ quan), nhưng rõ ràng nó bộc lộ hai điểm yếu của phát triển đô thị, đó là tầm nhìn trong lập quy hoạch và khả năng quản lý quy hoạch. Và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến giao thông hỗn loạn, thậm chí còn mất kiểm soát như hiện nay ở Hà Nội, cho dù chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình hình.
Về vấn đề này, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất, để hạn chế được tình trạng phát triển chung cư tràn lan, phải tạo cơ chế yêu cầu chủ đầu tư chia sẻ minh bạch về đầu tư hạ tầng với Nhà nước. Thí dụ đoạn đường này chỉ có thể đáp ứng cho 10 người đi lại nhưng vì xuất hiện thêm chung cư, con số đó tăng lên thành 15 thì chủ đầu tư phải có sự chia sẻ giải quyết được vấn đề giao thông cho số người tăng thêm đó mới được phép đầu tư xây dựng. Để tình trạng như hiện nay là do quản lý, thực hiện quy hoạch còn yếu kém, còn nhiều lỗ hổng, chưa coi trọng những văn bản do chúng ta đưa ra. Phải coi quy hoạch như một pháp lệnh, vì lợi ích tương lai lâu dài chứ không chỉ trong một nhiệm kỳ hoặc vài năm trước mắt. Nếu không làm được thì TP Hà Nội còn phải chịu những hậu quả trầm trọng hơn thế này nhiều.