Nguy cơ xung đột lan rộng

Xung đột có khả năng lan rộng tại Trung Đông sau vụ tấn công đẫm máu tại Iran mới đây, giữa lúc giao tranh giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Căng thẳng trên Biển Đỏ cũng như giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon cũng là những yếu tố gây nhiều rủi ro an ninh cho khu vực.
Biếm họa: THIAGO LUCAS
Biếm họa: THIAGO LUCAS

Theo CNN, trên các kênh mạng xã hội Telegram, Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thừa nhận việc tiến hành hai vụ nổ hôm 3/1 khiến gần 100 người chết và hàng chục người khác bị thương tại một buổi lễ ở Iran tưởng niệm Tướng Qassem Soleimani, thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi năm 2020. Đây được coi là vụ tấn công lớn nhất và đẫm máu nhất tại Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Iran tuyên bố nước này sẽ sớm đưa ra “phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ” đối với các đối tượng đứng sau vụ tấn công khủng bố.

Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã lên án hai vụ tấn công. Tuyên bố của HĐBA LHQ nêu rõ: “Các thành viên HĐBA nhấn mạnh cần phải quy trách nhiệm cho những thủ phạm, những kẻ đã tổ chức, cung cấp tài chính và bảo trợ cho những hành động khủng bố đáng lên án này, cũng như đưa chúng ra trước công lý”.

Trong khi đó, căng thẳng vẫn gia tăng trên Biển Đỏ sau khi lực lượng Houthi ở Yemen đã bắt giữ một tàu thương mại và thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái nhằm vào nhiều tàu thương mại và tàu hải quân ở Biển Đỏ, đe dọa an ninh của tuyến hàng hải quan trọng này. Hành động của Houthi nhằm thể hiện sự ủng hộ với Phong trào Hồi giáo Hamas trong cuộc xung đột với Israel.

Ngày 4/1, Hội đồng Tổng thống Yemen (PLC) kêu gọi lực lượng Houthi ở nước này không đẩy Yemen vào một cuộc xung đột với các cường quốc quốc tế, đồng thời cảnh báo Houthi về những hậu quả nghiêm trọng của các cuộc tấn công do lực lượng này thực hiện nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ. Hiện nay, các tàu thuyền đã không chọn lộ trình qua kênh đào Suez tới Eilat mà sẽ vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, qua eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải rồi tới cảng Haifa hay Asdod nhằm tránh bị tấn công, khiến hải trình phải tăng thêm tới 20 ngày. Việc này khiến chi phí vận tải tăng thêm khoảng 400.000 đến 1 triệu USD cho mỗi chuyến tàu.

Giới chức Anh và Mỹ cảnh báo, các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ nguy cơ tác động xấu đến kinh tế và thương mại thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lên án các cuộc tấn công “chưa từng có” của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ, cho rằng hành động “chưa từng có và không thể chấp nhận được” này đe dọa dòng chảy thương mại toàn cầu. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cũng cho rằng, những vụ tấn công này là mối đe dọa “không thể chấp nhận được” đối với kinh tế toàn cầu, tác động xấu đến an ninh khu vực và nguy cơ đẩy giá nhiên liệu tăng cao.

Lo ngại về xung đột leo thang ở Trung Đông còn đến từ tuyên bố mới đây của lực lượng Hezbollah, rằng sẽ không ngần ngại tiến hành một “cuộc chiến tổng lực” với Israel nếu Tel Aviv phát động chiến tranh chống Beirut. Tuyên bố được đưa ra ngày 4/1 sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Israel vào Thủ đô Beirut của Lebanon, khiến một thủ lĩnh cấp cao Hamas thiệt mạng. Các cuộc giao tranh qua biên giới diễn ra liên tiếp giữa các lực lượng Israel và Hezbollah kể từ tháng 12/2023.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến công du một loạt nước ở Trung Đông trong một tuần nhằm thúc đẩy các giải pháp cho cuộc xung đột tại dải Gaza và giảm căng thẳng ở khu vực. Đây là chuyến công du thứ tư của ông Blinken đến khu vực này kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10 vừa qua. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chỉ nỗ lực của riêng Mỹ là chưa đủ hạ nhiệt căng thẳng hiện nay tại Trung Đông, mà cần có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao hơn nữa của cộng đồng quốc tế mới có thể ngăn chặn xung đột lan rộng.