Hiểm họa tiềm ẩn trong các “vựa” phế liệu…
Đi sâu vào ngõ 34 phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi thấy sau khu phố sầm uất lại có một dãy nhà tạm, lụp xụp, bên trong chất đầy phế liệu chạm đến những bảng điện, đường dây điện chằng chịt. Phế liệu ở đây tập kết nhiều đến mức không khí trong ngõ đặc quánh mùi nhựa, không gian ngột ngạt, bức bối! Tất cả tạo nên một cảm giác thiếu an toàn.
Ngõ 34 là nơi tập kết và cư trú của những người thu mua phế liệu trong nội thành Hà Nội, địa điểm này đã tồn tại khá lâu, xét về độ nổi tiếng chỉ xếp sau làng Triều Khúc (quận Thanh Xuân). Người dân trong xóm phần lớn là người ngoại tỉnh đến đây để buôn bán phế liệu. Họ dựng lên những ngôi nhà tạm bợ để chứa tất cả các loại phế liệu như nhựa, giấy... thậm chí cả các thiết bị dễ cháy, nổ như bình ắc-quy, bình gas, linh kiện điện tử.
Ngõ 34 Hoàng Cầu chỉ là một trong rất nhiều điểm tập kết phế liệu tự phát, phân tán và nằm trong các khu dân cư đông đúc trên địa bàn TP Hà Nội như Tân Triều (quận Thanh Xuân), Xa La (quận Hà Đông), Định Công (quận Hoàng Mai), Yên Hòa (quận Cầu Giấy)… Tất cả đều chung tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn các điểm kinh doanh phế liệu đều không bảo đảm tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn.
Đơn cử như làng Triều Khúc, trong tháng 3-2018, đã xảy ra liên tiếp hai vụ cháy lớn (ngày 4-3 và 16-3) gây ra thiệt hại hàng tỷ đồng. Vụ cháy ngày 4-3, ngọn lửa bùng phát từ xưởng chế biến phế liệu nhựa rồi lan rộng làm cháy sáu nhà xưởng và quán bên cạnh.
Tương tự, thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) cũng là một trong những “làng tái chế” rác thải lớn. Hằng ngày, hàng trăm lượt xe chở về đây đủ thứ phế liệu rồi chất thành đống trong làng. Thế nhưng, tất cả các hộ buôn bán phế liệu nơi đây đều không có bất cứ một dụng cụ, một phương án PCCC nào. Thậm chí, để phân loại và tái chế, người ta còn tiến hành đốt các loại phế liệu.
Bà Lê Kiều Thương (xã Quảng Phú Cầu) cho biết: “Ở đây lâu, ngửi khói nhiều nên quen vị, bớt giật mình hơn. Chứ trước kia, nửa đêm đang ngủ ngửi thấy mùi khét là tưởng cháy nhà. Dân buôn phế liệu ở đây họ liều lắm! Họ mang phế liệu về để lẫn lộn cả loại dễ phát lửa với loại dễ cháy. Nhưng kinh khủng hơn cả là khi phân loại phế liệu, có loại thì họ đốt để lấy lõi, rồi rác thải sau đó họ cũng đem đốt mà không cần phân loại xử lý. Nên việc cháy nổ cũng chỉ là sớm hay muộn thôi”.
Bà Thương cũng cho biết thêm: “Cách đây mấy tháng, cả xã phải nhốn nháo thức dậy lúc 2 giờ sáng vì họ đốt trộm rác thải. Dân làng bên (thôn Quảng Nguyên) bức xúc quá nên kéo ra quốc lộ 21B chặn các xe chở phế liệu của thôn Xà Cầu khiến giao thông ách tắc nhiều giờ...”.
Không chỉ TP Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đang phải đối mặt nguy cơ cháy, nổ từ các khu thu mua, chế xuất phế liệu không bảo đảm an toàn. Điển hình như vụ nổ kho phế liệu (ngày 3-1) tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) khiến cả một khu vực bị san phẳng, làm hai học sinh tử vong và chín người bị thương. Hay như vụ nổ ở xưởng thu gom và xử lý nhôm phế liệu ở phường Hải Thành (quận Dương Kinh, Hải Phòng) khiến hai người bỏng nặng và phá hủy nhiều nhà chung quanh.
Cả hai vụ cháy, nổ đều xuất phát từ việc người thu mua phế liệu không màng đến an toàn PCCC. Họ đã thu gom cả những loại vật liệu nguy hiểm như đạn. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn không quan tâm, không có phương án kiểm tra, xử lý để rồi khi xảy ra thì sự... đã muộn.
Những giọt nước mắt muộn màng
Không chỉ những khu tập kết, chế xuất phế liệu mới tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ mà ngay cả những khu chợ thương mại sầm uất giữa Thủ đô cũng đang bỏ ngỏ công tác PCCC.
Ngày 31-3, khu chợ Quang (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) bỗng bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa bắt đầu từ một cửa hàng chăn ga, gối đệm rồi nhanh chóng lan sang các ki-ốt khác, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động 10 xe cứu hỏa cùng 75 chiến sĩ kết hợp với người dân ngăn chặn đám cháy. Sau hơn một giờ ngọn lửa được khống chế và dập tắt, khu chợ rộng 1.600 m² tan hoang, mùi khét của nhựa bốc lên nồng nặc.
Chị Nguyễn Thúy Hồng, một tiểu thương trong chợ Quang ngồi một góc khóc ròng vì đám cháy đã thiêu rụi ba ki-ốt quần áo mà chị vừa nhập về. Bên cạnh đó còn có nhiều tiểu thương khác đang ôm mặt khóc. Mắt đỏ hoe, chị Lê Thị Thủy, huấn luyện viên phòng tập gym trong khu chợ cho biết: “Khi thấy mọi người hô cháy, chị chạy ra đến cầu thang thì thấy khói đã bốc lên nghi ngút. Chỉ vài phút sau lửa bắt đầu bén lên phòng gym và cháy dữ dội. Các trang thiết bị trong phòng tập có giá trị khoảng ba tỷ đồng cháy hết cả...”, chị Thủy nói.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Có một thực tế, các cảnh báo từ những vụ cháy chợ dường như không làm các tiểu thương cảm thấy lo lắng. Kết quả kiểm tra về an toàn phòng, chống cháy, nổ toàn bộ các chợ của Cảnh sát PCCC Hà Nội cho thấy: Trong 313 chợ trên địa bàn thành phố chỉ có 35 chợ bảo đảm các điều kiện an toàn; 278 chợ (chiếm hơn 80%) còn lại không bảo đảm các tiêu chí về PCCC.
Đã ba năm trôi qua sau vụ cháy ngày 18-5-2015 khiến một người chết và ba người bị thương, thế nhưng, công tác PCCC tại chợ Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn khá lỏng lẻo và tạm bợ.
Theo quan sát của phóng viên, chợ Phùng Khoang hoạt động từ 5 giờ sáng đến 23 giờ. Đặc biệt, từ 21 giờ trở đi, chợ luôn tấp nập người mua sắm. Tuy nhiên, tất cả những ki-ốt chất đầy quần áo, giày dép, vải vóc đều không có lấy một bình cứu hỏa. Trong chợ còn có những chiếc bếp than rực lửa của những người bán đồ nướng xen lẫn giữa những ki-ốt quần áo. Mỗi lần chiếc quạt nan phe phẩy, khói lửa từ bếp lò bốc lên nghi ngút nhưng không thấy bóng dáng Ban quản lý (BQL) chợ nhắc nhở, xử lý.
Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội nhưng tình trạng mất an toàn PCCC thường xuyên diễn ra. Thực tế khảo sát, hầu hết các lối đi lại đều được tiểu thương tận dụng xếp hàng hóa, ngay cả những cột cứu hỏa đặt dọc hành lang chợ cũng vậy.
Tại thời điểm cận Tết Nguyên đán, BQL chợ còn cho phép 14 ki-ốt hoạt động trong khi các ki-ốt này không bảo đảm các tiêu chuẩn PCCC. Việc này đã được Cảnh sát PCCC nhắc nhở nhiều lần nhưng BQL chợ vẫn không có biện pháp chấn chỉnh.
Tương tự, chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) là chợ loại một, có khoảng 1.200 hộ kinh doanh quần áo, vải vóc. Tuy nhiên, vấn đề PCCC tại đây chưa được bảo đảm khi mọi nơi đều được tận dụng để tích trữ hàng hóa; ổ cắm, đường dây điện được bố trí ngay sát hoặc chạy luồn dưới hàng hóa. Chung quanh chợ, nhiều hộ kinh doanh dựng lán tạm để bán hàng, không bảo đảm an toàn PCCC.
Các khu chợ Ngã Tư Sở, chợ sinh viên Cầu Giấy… cũng xuất hiện tình trạng lơ là, thiếu trang thiết bị và kỹ năng PCCC. Những điều đó vô hình trung đang làm gia tăng nguy cơ hỏa hoạn tại các khu chợ...
Phân tích về nguy cơ tiềm ẩn cháy chợ, Đại úy Đoàn Tiến Bắc, Đội trưởng Đội Kiểm tra, hướng dẫn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC quận Cầu Giấy cho biết: “Hầu hết các chợ tiềm ẩn nguy cơ cao hỏa hoạn bởi vì các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là vải vóc, đồ khô. Trong khi đó, hạ tầng nhiều chợ chưa đồng bộ, ý thức về an toàn PCCC của bà con tiểu thương chưa cao. Hỏa hoạn đôi khi xuất phát từ những lý do chủ quan, đơn giản và nhiều người khi phát hiện ra cháy không biết cách xử trí... Với những nguyên nhân đó, nguy có hỏa hoạn trở nên khó lường, nhiều vụ cháy trở nên phức tạp...”.