Nguy cơ an ninh trên Biển Đỏ

Trước tình trạng báo động an ninh, Mỹ và các đối tác đã thiết lập liên minh an ninh gồm 10 quốc gia và khởi động chiến dịch bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải hàng hóa trên Biển Đỏ và Vịnh Aden. Động thái được khẩn cấp đưa ra sau một loạt vụ tấn công, bắt cóc tàu chở hàng đi qua các tuyến hàng hải huyết mạch này và được cho là do lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MAHMOUD RIFAI
Biếm họa: MAHMOUD RIFAI

Với nhiệm vụ tiến hành chiến dịch bảo đảm an toàn cho các tàu chở hàng hóa đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden, liên minh an ninh do Mỹ đứng đầu và có sự tham gia của Anh, Bahrain, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy và Seychells ngay khi thành lập hôm 18/12. Sau đó, nhiều nước tiếp tục thông báo tham gia nỗ lực bảo đảm an ninh cho tuyến vận tải hàng hóa đường biển này, như Anh, Hy Lạp, Ai Cập, Canada...

Sáng kiến an ninh đa quốc gia do Mỹ khởi xướng ngay sau khi hàng loạt vụ tấn công xảy ra nhằm vào các tàu chở hàng trên Biển Đỏ. Các vụ tấn công đầu tiên xảy ra hôm 15/12 nhằm vào hai tàu thương mại, gồm tàu container của Thụy Sĩ mang cờ Liberia và tàu vận tải biển của Đức. Cả hai tàu này đang di chuyển hướng về Israel và bị tấn công tại vị trí gần bờ biển Yemen.

Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều nước tiếp tục thông báo về tình hình mất an ninh trên Biển Đỏ. Cơ quan điều hành thương mại hàng hải Anh xác nhận tám sự cố an ninh ở khu vực phía nam Biển Đỏ, gần eo biển Bab al-Mandab. Lực lượng phòng không Ai Cập phát hiện và bắn hạ một thiết bị bay không người lái khả nghi ở khu vực ngoài khơi, gần thị trấn Dahab của Ai Cập. Mỹ cũng cho biết, tàu khu trục nước này đã bắn hạ 14 máy bay không người lái do lực lượng Houthi triển khai trên Biển Đỏ.

Trong khi đó, tàu treo cờ Malta thuộc quản lý của công ty hàng hải Bulgaria nghi bị cướp biển khống chế sau khi liên lạc lần cuối vào tối 18/12 và từ vị trí ngoài khơi Somalia. Đây có thể là vụ đầu tiên do cướp biển Somalia tiến hành kể từ năm 2017, càng dấy lên lo ngại về bất ổn an ninh trên biển sau nhiều vụ tấn công tàu chở hàng đến Israel trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas ở dải Gaza.

Lực lượng Houthi ở Yemen thừa nhận đã tấn công hai tàu thương mại trên Biển Đỏ, với lý do hai tàu này từ chối cuộc gọi báo hiệu từ Houthi. Đồng thời, Houthi tuyên bố tiếp tục ngăn chặn tất cả các tàu hàng tới cảng của Israel cho đến khi có thêm thực phẩm và thuốc chữa bệnh được đưa vào Gaza. Kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hôm 7/10, Houthi nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công các tàu thương mại hướng đến và rời Israel, bất kể tàu của nước nào, đồng thời cảnh báo các hãng vận tải quốc tế không giao dịch với các cảng Israel.

Lo ngại an ninh tác động mạnh tới hoạt động vận tải trên Biển Đỏ, khi nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu, hoặc tắt hệ thống định vị, nhiều hãng vận tải điều chỉnh lịch trình, trong khi chi phí vận chuyển tăng cao, kéo theo giá dầu và chứng khoán biến động. Các cảng của Israel chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lời đe dọa của Houthi. Cảnh Asdod ở miền nam Israel ghi nhận doanh thu giảm tới 80%, do lượng tàu cập bến giảm đột biến. Lo sợ bị tấn công, nhiều tàu quốc tế đã bỏ qua lộ trình qua kênh đào Suez mà đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, qua eo biển Gibranta vào Địa Trung Hải rồi mới vào cảng Asdod của Israel, khiến hải trình tăng thêm 20 ngày và chi phí đội lên nhiều lần.

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, tạo nên tuyến vận tải biển huyết mạch Đông - Tây của thế giới, tuyến ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Ước tính, 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua tuyến đường này. Các vụ tấn công tàu thương mại những ngày qua làm gia tăng tâm lý lo ngại thương mại quốc tế tiếp tục gián đoạn khi chỉ vừa chớm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Phối hợp hành động giữa các nước và liên minh an ninh đa quốc gia do Mỹ đứng đầu là giải pháp khẩn cấp giúp bảo đảm an toàn cho các tàu thương mại. Các chuyên gia cũng cho rằng, nguy cơ an ninh bất ổn trên Biển Đỏ còn liên quan xung đột tại dải Gaza, cũng như tiến trình hòa bình ở Trung Đông.