Ngược thượng nguồn

“Nguồn than trắng” sông Gâm

Dòng sông Gâm (còn gọi là sông Gầm) là phụ lưu của sông Lô, bắt nguồn từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khi chảy vào Việt Nam tại xã biên giới Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng) thì được gọi là sông Gâm. Để ngắm hết được vẻ đẹp của sông Gâm, chúng ta hoặc là hóa thành chim bay lên cao hoặc hóa thành cá bơi ngược dòng. Nhưng hai cách đó đều bất khả kháng, vậy nên đi thuyền là hợp lý.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Gâm đoạn chảy qua thị trấn Bảo Lạc, Cao Bằng. Ảnh: ĐỨC SƠN
Sông Gâm đoạn chảy qua thị trấn Bảo Lạc, Cao Bằng. Ảnh: ĐỨC SƠN

Bóng núi nghiêng theo dòng

Dòng sông Gâm đoạn chảy qua hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) dài khoảng 55km. Sông Gâm nhập vào sông Lô ở làng Cửa Sông thuộc xã Tân Long, huyện Yên Sơn, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 10km về phía bắc. Sông Gâm có cá dầm xanh, cá anh vũ, cá chiên, cá bông, cá lăng. Đôi bờ sông Gâm là mạch sống của người Dao, H’Mông, Tày, Nùng...

Sông Gâm lọt thỏm giữa những triền núi thâm u, cao chất ngất, nhiều chỗ có độ dốc gần như thẳng đứng, vì vậy dòng sông cứ “một mình một cửa”, lững lờ xuôi. Từ đầu nguồn sông Gâm chảy vào đất Việt thuộc xã Cô Ba (Bảo Lạc), con nước phải luồn qua những ghềnh đá sừng sững như tòa nhà, nằm chềnh ềnh giữa dòng chảy. Mùa lũ, những mỏm đá chỉ lấp ló nhô lên mặt nước chút ít. Mùa cạn, du khách thoải mái trèo lên những tảng đá kếch sù để “seo-phì”; phải lắng tai thật kỹ, ngó xuống dưới các kẽ đá sâu hun hút, mới có thể nghe dòng nước bé tẹo rì rào và nhìn thấy dòng chảy mầu lam luồn lách qua gồ ghề đá!

Thị trấn Bảo Lạc nằm ở tả ngạn sông Gâm. Tại đây có thêm dòng sông Neo, bắt nguồn từ xã Đình Phùng (Bảo Lạc) chảy theo hướng bắc rồi đổ vào sông Gâm ở thị trấn Bảo Lạc. Nằm giữa nơi tiếp giáp hai dòng sông Gâm và sông Neo, thị trấn Bảo Lạc trở nên cảnh quan thơ mộng, nhiều ngôi nhà mới mọc lên san sát đôi bờ sông, xen lẫn những khóm tre già, những vòm cây cổ thụ la đà nơi đáy nước.

Nối liền hai bờ thị trấn, là cây cầu bê-tông vững chãi, ngày chợ phiên, bà con ngồi bán các loại hàng nông sản ngay cạnh lan can cầu - nơi dành cho người đi bộ; sông Gâm còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào khu vực thị trấn Bảo Lạc và người dân sinh sống dọc đôi bờ sông. Cũng bởi địa thế hiểm trở của núi non, đã tạo nên một dòng sông Gâm hoang dã, nhưng cũng rất thơ mộng.

Dọc triền sông từ Bảo Lạc sang Bảo Lâm, thưa thớt những thửa ruộng bậc thang sát chân núi, hầu như ruộng nương nơi đây, chủ yếu trông chờ vào mùa mưa, nên chỉ canh tác được một vụ, bởi dòng sông nằm dưới lũng núi, bờ vực thẳng, không thể lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng được. Duy nhất chỉ nơi ven sông thuộc xã Cô Ba, người dân trồng cây dâu tằm trên những vạt nương khá bằng phẳng, bãi dâu xanh mướt. Tuy vậy, hiện nay diện tích trồng cây dâu tằm nơi đây cũng không được mở rộng thêm, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn.

“Nguồn than trắng” sông Gâm ảnh 1

Sông Gâm trong phim “Cha cõng con” đoạn chảy qua huyện Bắc Mê, Hà Giang.

Nguồn thủy điện sông Gâm

Cánh cung sông Gâm là một nếp uốn phía tả ngạn của sông, dãy núi này thuộc địa phận ba tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Ở cánh cung này có các đỉnh núi Pu Ta Ca (cao 2.270m), núi Phia Bjoc (1.575m) và đèo Khế. Vào độ tháng ba âm lịch, dọc dòng sông Gâm chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng mùa hoa gạo đỏ rực.

Từ thị trấn Bảo Lạc qua Bảo Lâm, sông Gâm khi ẩn, khi hiện dưới chân núi, khi khuất sau những tán lá chĩa ra lòng sông râm mát. Có lẽ do sông Gâm hoang dã là vậy, địa thế hiểm trở là vậy, nên các tỉnh có dòng sông Gâm chảy qua, đã lợi dụng dòng chảy đều đặn của con nước, mà xây dựng những đập thủy điện, phục vụ cuộc sống sinh hoạt của con người; như huyện Bảo Lâm, đã xây dựng các đập thủy điện: Bảo Lâm 1 công suất 30MW, tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng).

Nhân đây cũng tính đếm tuyến công trình trên sông. Nằm sau điểm hợp lưu giữa sông Nho Quế và sông Gâm, cách thượng lưu cầu Lý Bôn 500m, đập thủy điện Bảo Lâm 3 và thủy điện Bảo Lâm 3A (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Ngoài ra trên sông Gâm, tại địa phận các xã Yên Phong và Phú Nam, còn có đập thủy điện Bắc Mê, đây cũng là đập thủy điện bậc thang thứ 5 trong quy hoạch sông Gâm. Cách thị trấn Bắc Mê khoảng 7km về phía thượng lưu sông Gâm, thủy điện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), thủy điện Yên Sơn (Tuyên Quang) là thủy điện cuối cùng trên hệ thống bậc thang thủy điện của sông Gâm.

Sông Nho Quế từ Lũng Cú (Hà Giang) chảy đến Nà Phòng, xã Lý Bôn thì chảy vào sông Gâm, từ đây lòng sông dần mở rộng ra. Hay như sông Nậm Ma, bắt nguồn từ thung lũng xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên), theo hướng đông nam đổ vào sông Gâm tại xã Thượng Tân (Bắc Mê, Hà Giang), sông Năng từ hồ Ba Bể (Bắc Kạn) chảy vào sông Gâm tại xã Sơn Phú (huyện Na Hang, Tuyên Quang). Thêm một dòng phụ lưu, là dòng sông có nhiều tên như: Ngòi Ba, Ngòi Quang bắt nguồn từ núi Khau Den thuộc xã Liên Hiệp (huyện Bắc Quang, Hà Giang), rồi đổ vào sông Gâm ở thị trấn Vĩnh Lộc (Tuyên Quang).

Dọc theo triền sông Gâm, từ nơi xuất phát điểm tại xã Cô Ba (Bảo Lạc), dòng sông rất hẹp, nhưng từ thị trấn Bảo Lạc sang Bảo Lâm, đôi bờ sông cứ rộng dần ra, do các đập tràn thủy điện ngăn dòng chảy. Cách đây gần hai thập kỷ, nếu đi dọc sông Gâm, sẽ có rất nhiều bóng cây râm mát ven bờ sông, nhưng giờ đây, khá nhiều cây cối ven bờ bị ngập nước chết khô.

Có lẽ dòng sông Gâm hoang dã, nên cũng nuôi được rất nhiều loài tôm cá, có nơi nhiều tôm đến mức trở thành địa danh của địa phương như Bó Củng (Mỏ Tôm, Bảo Lạc), nhiều năm trước, dân câu cá còn câu được những chú cá chiên, nặng hơn 10 kg; có chú cá chép nặng tới 30 kg. Đến nay, sông Gâm vẫn là nguồn cung cấp tôm, cá cho đồng bào khu vực thị trấn và dọc triền sông. Bởi vì, ngoài mùa mưa lũ, dòng sông Gâm gầm gào, hung dữ như con thú hoang, nước dâng cao vài mét, sẵn sàng cuốn đi những ngôi nhà ven bờ, những mảnh ruộng đang thì con gái… thì mùa cạn, con nước lại hiền lành, xanh thăm thẳm, thơ mộng đẹp như bức tranh. Dưới cái nắng cuối hạ chói chang, dọc theo sông Gâm hoang dã và đầy ngẫu hứng.

Sông Gâm trong phim “Cha cõng con”

Năm 2016, bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng ra rạp và được đề cử tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế. Phim với bối cảnh sông nước núi đồi đẹp mê hồn và tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tìm đến sau khi đã xem phim. Bối cảnh trong phim thuộc địa bàn Bắc Mê (Hà Giang) bên bờ sông Gâm. Sông Gâm chảy trong lãnh thổ Việt Nam có độ dài khoảng 217km và chảy trong địa phận Bắc Mê khoảng 45km.

Trong phim “Cha cõng con” với bối cảnh dòng sông trong vắt, núi đồi gồ ghề nhấp nhô vô tận và hoàn cảnh sống của nhân vật trong phim dựa vào sông nước. Sau khi xem phim, chúng tôi đã nấn ná hỏi chuyện khán giả, nhiều người xem phim xong thì quên mất nội dung mà chỉ tán dương phong cảnh dòng sông trong phim. Có người chê phim lê thê tham kể nhưng bù lại, họ nói, dòng sông đó, tôi cần phải đến...