Người Việt ăn nhiều thịt, trứng và giảm tinh bột

Năm 2020, mỗi người dân Việt Nam có thu nhập bình quân 4,23 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 2% so năm 2019. Việc tiêu thụ gạo trong mỗi hộ gia đình giảm nhưng lượng tiêu thụ thịt, trứng gia tăng. Đây là kết quả của cuộc khảo sát mức sống dân cư năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Do dịch bệnh nên các hộ gia đình tích trữ nhiều trứng cho bữa ăn.
Do dịch bệnh nên các hộ gia đình tích trữ nhiều trứng cho bữa ăn.

Khảo sát được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố bao gồm 46.995 hộ đại diện cho khu vực thành thị, nông thôn và sáu vùng địa lý, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, đáp ứng nhu cầu thông tin nhằm đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu - nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.

Theo đó, trong năm 2020, người dân ở khu vực thành thị có thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, cao gấp gần 1,6 lần người dân khu vực nông thôn (khoảng 3,48 triệu đồng/tháng). Nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số) có thu nhập bình quân người/tháng khoảng 9,1 triệu đồng, cao hơn tám lần so nhóm hộ nghèo nhất, với mức thu nhập khoảng 1,13 triệu đồng. Người dân vùng Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân cao nhất cả nước (khoảng 6,02 triệu đồng/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng trung du và miền núi phía bắc (khoảng 2,74 triệu đồng/tháng). Tỉnh Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước (7,019 triệu đồng/tháng). TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 6,537 triệu đồng/tháng và TP Hà Nội ở vị trí thứ ba với 5,981 triệu đồng/tháng. 

Do năm 2020 người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên chi tiêu chậm hơn so thời kỳ trước. Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng, trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần. Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng. Vùng trung du miền núi phía bắc có mức chi thấp nhất, khoảng 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo số liệu thu được, chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020, chi cho đời sống bình quân một người/tháng là 2,7 triệu đồng, chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong đó, chi cho ăn uống bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 1,69 triệu đồng và không phải ăn uống xấp xỉ 1,2 triệu đồng. Sự bất bình đẳng trong chi tiêu quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới 3,5 lần, với chi bình quân đầu người ở các hộ nhóm giàu xấp xỉ 4,8 triệu đồng/người/tháng, so gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm nghèo.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, việc sử dụng tinh bột của các hộ gia đình ở đô thị có xu hướng giảm dần. Tại các thành phố lớn, lượng tiêu thụ gạo từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 đã giảm xuống còn 7,6 kg/người/tháng trong năm 2020. Ngược lại, các hộ gia đình nông thôn tiêu thụ nhiều gạo hơn so các hộ gia đình thành thị. Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo ăn gạo nhiều hơn so những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả (9 kg so 6,6 kg/người/tháng). Trong khi đó, tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020. Tiêu thụ trứng trong năm 2020 tăng mạnh, nguyên do ảnh hưởng dịch bệnh nên các hộ gia đình tích trữ trứng để bổ sung dinh dưỡng thay các loại thực phẩm khác. 

Tổng cục Thống kê cho rằng, mặc dù thu nhập của dân cư có giảm so năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm, do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.