Người trong sương gió Mẫu Sơn

Chúng tôi rời khu du lịch Mẫu Sơn, nơi có Trạm Khí tượng thủy văn Mẫu Sơn (nằm ở độ cao hơn 1.000 m) ngay trước thời điểm khu vực này được dự báo sẽ có tuyết vào hôm sau. Không phải vì không tò mò với cảnh tượng không dễ thấy ở một xứ nhiệt đới, mà bởi một điều chắc chắn, cuộc đổ bộ của du khách lên núi có thể sẽ phá vỡ phần nào ấn tượng nguyên vẹn về đỉnh núi lặng lẽ-nơi làm việc của những người kỹ sư canh trời.
0:00 / 0:00
0:00
Bà cụ người Dao bán hàng tại khu du lịch Mẫu Sơn.
Bà cụ người Dao bán hàng tại khu du lịch Mẫu Sơn.

Những chục năm đo mây, đếm gió, canh sương…

Trạm khí tượng Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, Huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) nằm trên độ cao 1.180 m, thuộc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc). Đây cũng là đỉnh núi Pà Sẳn (còn gọi là Núi Cháu thuộc vùng núi hùng vĩ Mẫu Sơn (trải trên ba xã của hai huyện là: Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Mẫu Sơn là vùng núi cao nhất với hàng chục ngọn núi (trung bình 800-1.000 m) của tỉnh Lạng Sơn. Ngoài đỉnh núi Pà Sẳn nơi có trạm khí tượng Mẫu Sơn, thì đỉnh núi cao nhất của vùng này là Phia Pò (Núi Cha) 1.541 m và sau đó là đỉnh Phia Mè (Núi Mẹ) cao 1.520 m.

Nằm trên đỉnh núi hơn 1.000 m, điểm đo gió, đo mưa của những người kỹ sư canh trời đặt ở ngay một đỉnh dốc nơi giao nhau của ba con đường trong trung tâm khu du lịch Mẫu Sơn. Những dãy hàng quán bán đồ nướng, các sản vật như chanh, gừng, dứa… rừng của bà con người Tày, Dao không làm nơi đây bớt lặng lẽ. Hôm trung tuần tháng Chạp năm vừa rồi, hơi nước giăng khắp những con đường lên đỉnh núi, công trình Trạm khí tượng Mẫu Sơn là hai dãy nhà phủ rêu xanh, đỏ cứ như thể một nơi… hoang phế.

12 giờ 57 phút, trong sân trạm, một kỹ sư thong thả bước ra từ phía cánh cửa kính nhôm trắng, tay xách tùng tằng một chiếc túi nylon có lẽ là đựng rau cỏ, rác bếp núc của bữa trưa. Đó là quan trắc viên Hoàng Mạnh Hùng, một trong ba cán bộ của trạm. Anh nói với tôi “Anh em của Trạm đang chuẩn bị vào ốp”. Hiên dãy nhà chính dẫn lên vườn khí tượng lõng bõng nước, phía trước hàng rào vườn khí tượng và các lều kế… mầu trắng đặc trưng hiện lên mờ mờ trong sương.

Vườn khí tượng của Trạm Khí tượng thủy văn Mẫu Sơn (là trạm cấp 3) rộng chừng 16x20 m, mang dáng dấp các vườn khí tượng nói chung với không gian xanh, tầm nhìn từ đỉnh núi, những lối đi nhỏ giữa nền cỏ dẫn tới các lều kế mầu trắng.

Trước đây, vườn thực hiện nhiệm vụ đo tám nội dung như mưa, gió, nắng, nhiệt độ không khí, nhiệt độ mặt đất, độ ẩm, tầm nhìn…, nay có thêm đo khí áp. Đo khí áp là một chỉ số quan trọng để nhận diện các cơn bão. Sự phân chia cấp độ các trạm phụ thuộc vào số ốp mà các kỹ sư phải báo cáo số liệu về trung tâm. Cụ thể như ở Trạm Mẫu Sơn là 4 ốp vào: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ. Lại nhớ đến Trạm Khí tượng Sa Pa mà chúng tôi đã từng ghé thăm vài năm trước - một trong những nơi có nguyên mẫu đã đi vào tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Nhưng Trạm khí tượng Sa Pa là trạm lớn hơn với 8 ốp trực: 1 giờ, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ. Trần Tuyết Mai, cô quan trắc viên (sinh năm 1988) từng kể “trước đây, các cô chú đi ốp về giở chăn ra còn thấy con rắn cuộn tròn trong đó…”. Giữa hai đợt trực, Mai cũng đi đi về về 40 km từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa. Còn ở đây, tại Mẫu Sơn, quan trắc viên Hoàng Mạnh Hùng cũng đi đi về về 30 km mỗi chiều giữa nơi ở và nơi làm việc.

Chỉ vào dãy nhà bên cũng giống như một dãy nhà hoang phế, anh Hùng nói: “Gần như các phòng này không thể ở, phụ nữ cũng không thể làm việc được ở những nơi khắc nghiệt như vậy”. Chúng tôi đi về phía cổng trạm nơi có bức tường nhuốm rêu đỏ, nghe anh Hùng kể: “Chỉ độ hai tháng sau khi vệ sinh dọn dẹp là tường nhà lại phủ đầy rêu”. Thăm hỏi về việc truyền thông đã viết gì về Trạm Khí tượng thủy văn Mẫu Sơn, anh lại cười hiền, thủng thẳng: “Vâng, cũng là những chuyện vất vả, kể khổ thôi!”. Cái vất vả của những người làm việc trong điều kiện khắc nghiệt dần trở nên bình thường bởi 30 năm đi-về nơi núi non vắng vẻ, lặng lẽ.

Người trong sương gió Mẫu Sơn ảnh 1

Quan trắc viên Hoàng Mạnh Hùng tại Trạm khí tượng Mẫu Sơn trước thời điểm băng tuyết.

Lạnh giá theo người

Tôi nói tôi là khách du lịch đi qua đây và tôi luôn ấn tượng với các trạm khí tượng ở các vùng núi cao bởi tính khắc nghiệt và dáng vẻ đầy kỳ ảo của nó. Người quan trắc viên chỉ cười không nói gì, có lẽ anh đã quen với “sở thích” của những người khách ghé qua. Bởi lẽ, để gắn bó ở đây như một công việc, đi ốp vào nửa đêm về sáng trong hơi sương, trong gió, dưới tuyết hoàn toàn không phải là một thứ để vui thích.

Nhớ lại chặng chừng hơn chục cây số từ chân núi lên đỉnh Mẫu Sơn, những vòng xoáy ốc men theo vách núi với những khúc cua ngắn, mở ra những trập trùng núi đá, rừng cây, rặng phi lao và đôi khi là một mảnh trời xanh ngay trên trước kính xe. Độ dốc trung bình trên các con đường ở xã của huyện miền núi, biên giới Lộc Bình là 20 độ. Nhưng đáng chú ý nhất là sự thay đổi của trạng thái thời tiết. Vừa nắng nôi, sáng sủa, ấm áp ở những chặng phía chân và lưng núi, dần lên đỉnh là một bức tranh lặp lại chỉ với hai mầu duy nhất: sương trắng và lan can gỉ mầu vàng nâu uốn lượn theo cung đường. Một khung cảnh không thể “cinema” hơn nhưng đủ làm những tay lái không thể lơ là, buộc phải chuyển sang trạng thái tập trung cao độ.

Trước khi lên tới Trạm Khí tượng Mẫu Sơn, tại một điểm dừng trên đường, xuất hiện những bức tường đá phủ rêu xanh, rêu đỏ còn lại nằm chơ vơ trên một đỉnh đồi. Những bức tường đá dựng thành khối mầu xám lên nền trời, hẳn là phế tích một công trình kiến trúc vốn là khu nghỉ mát của người Pháp trên đỉnh Mẫu Sơn từ khoảng những năm 1930. Bên trong những bức tường hoang phế là những vườn rau xanh mướt. Người dân chắc tranh thủ từng khoảnh đất trên vùng núi cao này để đất không hoang phí mà xứ lạnh cũng ích lợi hơn là chỉ biết có sương mù, buốt giá.

Phải nói, thời điểm những thập niên đầu của thế kỷ XX, không chỉ có Mẫu Sơn mà hàng loạt địa điểm khác như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo… cũng lọt mắt người Pháp và dần trở thành những điểm nghỉ dưỡng cho quan chức cai trị thuộc địa. Dấu tích những biệt thự Pháp cổ vẫn còn cho đến nay trong khu vực này. Nhưng để khai thác hiệu quả chúng là việc không đơn giản. Biệt thự 9 gian của Pháp nổi tiếng trong câu chuyện du lịch Mẫu Sơn cũng vắng vẻ trong sương giá.

Khách sạn của ông Đặng Tăng Phúc, một người Dao bản địa nằm không xa khu vực biệt thự 9 gian, ngay trong khu du lịch. Số điện thoại trên bảng khách sạn “mách” cho tôi biết cơ sở này có ít nhất từ trước thời điểm 2017 bởi đầu số 025 được ghi trên biển thay vì 0205 như hiện nay. Đỉnh núi khắc nghiệt khiến cho khách sạn vào dịp vắng khách càng trở nên yên ắng lạ. Sương mù, gió buốt như muốn xóa hết những dấu chân và hơi ấm con người nơi đây.

Ngày 27/1/2024, từ trên đỉnh Pà Sẳn, anh Đặng Lợi, con trai ông Đặng Tăng Phúc cho hay, mặc dù đã hết băng tuyết, nhưng Mẫu Sơn vẫn chìm trong lạnh sâu từ 1oC đến âm 3oC. Và nếu khách du lịch muốn dùng bữa trong khách sạn và nhà hàng của gia đình anh thì nên đặt trước một ngày để kịp chuẩn bị thực phẩm chu đáo.

Tôi lại nhớ, phía dưới chân cầu thang khu vực biệt thự 9 gian, hai người Dao một trẻ, một già ngồi trong gió rét bán những sản vật địa phương, một vài cây thuốc những chai nhựa ngâm quả chanh rừng mầu vàng nhạt chỉ bằng đầu ngón tay… Một chiếc bao tải động đậy dưới chân bà cụ người Dao, bà cụ cười: “Con gà sáu cựa” - mới nhớ đây cũng là một đặc sản của Mẫu Sơn.

Tạm biệt xứ sương mù và gió lạnh, không chờ đợi băng tuyết, bởi những gì diễn ra nơi đây của đất và người Mẫu Sơn đã đủ khiến người lữ khách nhiều ngẫm ngợi. Nhấc một chiếc hoa chuối rừng và gửi tiền cho cô gái Dao mà tôi thoảng nghe là ở “làng Pặng Đay” đâu đó dưới lưng núi kia, rồi xuôi dốc. Sương giá như còn theo cho đến nhiều ngày sau đó ngay cả khi đã về thành phố.

Mẫu Sơn là vùng đất được xếp vào hàng có khí hậu khắc nghiệt nhất vùng núi phía bắc. Lượng mưa trung bình hơn 2.000 mm, sương giá, độ ẩm có thừa (nhiều khi lên tới 100%) khiến cho những căn phòng luôn thường trực ẩm ướt. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 biến nơi đây thành xứ sở của buốt giá và băng tuyết. Trong năm cũng có mùa hè với thời tiết mát mẻ nhưng cũng lại là thời điểm mưa nhiều.