Trong ngôi nhà 17 Phan Đình Phùng, hồi ức những ngày gian khổ mà vinh quang bùng lên trong trí nhớ khi bà lần giở từng trang album ảnh xưa, từ Hội nghị Paris đến Hà Nội tháng Chạp năm 1972.
Sinh năm 1929 ở Hà Nội, bà Dương Thị Duyên được giác ngộ và hoạt động cho Việt Minh khi Trường nữ sinh Đồng Khánh sơ tán về thị xã Hưng Yên (niên khóa 1943-1944). Sau đó, từ nơi tản cư, bà trở về Hà Nội; thi đỗ bằng diplome, rồi vào học tú tài ở Trường Đỗ Hữu Vị hè năm 1946.
Gần đến ngày Hà Nội có chiến tranh, bà cùng gia đình đi tản cư về quê Mễ Sở rồi lại lên tiếp Vĩnh Yên. Bà học tiếp lớp Đệ nhất ban Tú Tài ở Trường Chu Văn An sơ tán lên Đào Giã, nơi anh trai bà là Dương Trọng Bái đang dạy học. Trường lấy tên mới là Trung học kháng chiến Đào Giã. Vừa học tập, vừa tích cực tham gia công tác xã hội của Đoàn học sinh cứu quốc, tháng 10-1948, bà được kết nạp vào Đảng. Tốt nghiệp loại ưu, năm 1949, bà công tác ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lúc này, Đài Phát thanh và TTXVN cùng chung cơ quan do ông Trần Văn Giàu làm giám đốc. Năm 1953, TTXVN tách khỏi nhà đài, bà chuyển sang cơ quan mới do ông Hoàng Tuấn là giám đốc và chuyên mảng tin bài của TTXVN. Bà gắn bó hơn 20 năm ở TTXVN với bao vui buồn của nghiệp làm báo, mà kỷ niệm không bao giờ quên là khi bà được làm nhiệm vụ của đoàn 37.
Năm 1968, để đánh địch trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris, một đoàn cán bộ 37 người được tuyển chọn đi đợt đầu tiên nên gọi bí số là đoàn 37. Bà Duyên ở trong đoàn tiền trạm sang Paris vào tháng 5-1968. Chưa liên hệ được chỗ ở, đoàn tiền trạm ở khách sạn loại xoàng cho đỡ tốn kém, nhưng vất vả nhất là luôn phải tìm cách thoát khỏi sự đeo bám của phóng viên báo chí các nước tập trung rất đông ở Paris để “moi tin”, vì lúc đó cuộc đàm phán giữa VNDCCH và Mỹ là một trọng tâm chú ý của dư luận thế giới. Bà nhớ lại: “Trong phòng khách sạn, chúng tôi trao đổi về công tác với nhau phải viết ra giấy vì sợ có máy ghi âm nghe trộm được giấu trong phòng; sau đó, Đảng Cộng sản Pháp nhường cho đoàn ta địa điểm Trường Đảng ở Choisy le Roi, ta mới có chỗ ở ổn định, kín đáo, làm công tác huy động bà con Việt kiều yêu nước đón tiếp tưng bừng đồng chí Bộ trưởng Xuân Thủy, dẫn đầu đoàn đàm phán đến Paris”. Đoàn 37 lúc đó có các đồng chí Hà Văn Lâu, Phó Trưởng đoàn; Phan Văn Xoàn, phụ trách công tác bảo vệ; các luật sư Trần Công Tường và Phan Hiền; các cán bộ nghiên cứu và chuyên viên về nhiều mặt; các nhà báo có: Lê Chân - Phó Tổng Biên tập TTXVN; Nguyễn Hữu Chỉnh, sau đó thêm Hồng Hà của Báo Nhân Dân; nhà báo Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của đoàn; nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, chuyên theo dõi vấn đề miền nam,…
Trong những năm công tác tại Paris, bà Duyên đã hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ: vừa làm phóng viên TTXVN thường xuyên gửi tin, bài kịp thời về Tổng xã ở Hà Nội; vừa làm thành viên đóng góp tích cực vào công tác của Đoàn 37. Bà nói: Đó là nhờ tác phong sâu sát của đồng chí Trưởng đoàn Xuân Thủy, hiểu rõ trình độ, sở trường của từng cán bộ, phân công đúng người, đúng việc để tạo điều kiện cho bà có thể kết hợp tốt hai nhiệm vụ nói trên.
Công tác trong đoàn 37, bà được phân công tham gia vận động quần chúng: tiếp các đoàn khách, nhất là phụ nữ, từ các địa phương của nước Pháp và các nước khác đến trụ sở đoàn để tìm hiểu tình hình Việt Nam và đi nói chuyện tại nhiều địa phương khắp các vùng, miền của nước Pháp và đến cả một số nước lân cận như Italia, Bỉ , Thụy Điển, CHLB Đức… Sau bao năm tháng gió bụi thời gian, nhưng kỷ niệm sâu sắc còn lắng đọng lại đến nay bà vẫn nhớ mãi, là tình cảm nồng hậu của nhân dân thế giới dành cho Việt Nam. Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức ngày hội báo, đã dành hẳn một gian cho đoàn ta trưng bày Báo Nhân Dân. Đó là điều chưa từng có của báo giới Pháp. Báo của Đảng Cộng sản Pháp và báo của Hội Phụ nữ Pháp thường xuyên đăng bài ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Từ khi có đoàn ta ở Paris, không khí chính trị ở châu Âu đã được hâm nóng lên qua những hoạt động vì Việt Nam của những người tiến bộ, dân chủ, hòa bình. Cuốn đi trong công việc sôi nổi, vô cùng thú vị; nên mùa thu năm 1970, bà được về nước. Từ đó, bà phụ trách bộ phận biên tập Tin thế giới của TTXVN.
Những ngày đế quốc Mỹ rải thảm bom B52 xuống thành phố Hà Nội, bà cùng nhiều đồng nghiệp vẫn bám trụ tại số 5 Lý Thường Kiệt. Bản tin phổ biến và tham khảo vẫn ra đều đặn; sáng sớm đã có báo. Riêng Tin nhanh có thể ra bất cứ lúc nào. Con đi sơ tán, bà ăn ngủ tại hầm cơ quan, viết và duyệt tin, bài. Bánh mì, cốc nước, trang báo… đó là chuyện bình thường để sống và chiến đấu trên mặt trận báo chí. Vốn tiếng Pháp và tiếng Anh thông thạo của bà thật đắc dụng trong những ngày này. Kẻ thù muốn hủy diệt Hà Nội, muốn bưng bít bằng được tiếng nói của nước Việt Nam DCCH thì Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phát sóng; báo chí vẫn ra đều đặn, thông tin và định hướng kịp thời cho nhân dân, cung cấp tin tức cho bạn bè quốc tế... không thể kể hết những việc thầm lặng bà đã làm ở căn hầm số 5 Lý Thường Kiệt cùng anh em TTXVN, mà đến hôm nay, trong trí nhớ của bà, “Tiếng bom giội ùng oàng trên đầu, còn tôi vẫn phải làm việc đêm đêm, đáp ứng yêu cầu gấp rút của cấp trên”.
Đất nước hòa bình thống nhất, bà làm Trưởng ban Quốc tế ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho đến ngày nghỉ công tác.