Người Kazakhstan hướng tới lối sống lành mạnh

Các món ăn truyền thống tại Kazakhstan đều có hàm lượng muối cao, gây ra những tác động không tốt cho sức khỏe. Chính phủ nước này đang kêu gọi người dân thay đổi cách ăn uống để bảo vệ bản thân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Kazakhstan làm phô-mai kurt truyền thống. Ảnh: ALAMY
Người dân Kazakhstan làm phô-mai kurt truyền thống. Ảnh: ALAMY

“Ẩm thực truyền thống của Kazakhstan không thể thiếu muối. Nó có trong mọi thứ, từ kurt - một loại phô mai cứng làm từ sữa lên men đến beshbarmak - món thịt luộc với mì. Bạn không thể thay đổi những món mặn dân tộc của chúng tôi”, một người dân Kazakhstan từng chia sẻ với tờ The Guardian.

Chỉ một phần mì lagman - món ăn phổ biến khác ở quốc gia Trung Á nói trên, chứa khoảng 5gr muối, tương đương lượng muối được khuyến nghị sử dụng trong một ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ở một đất nước mà người dân thường tiêu thụ gần gấp bốn lần lượng muối đó mỗi ngày, các bác sĩ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về số lượng bệnh nhân bị đột quỵ và tăng huyết áp.

Bà của Daulet Askenovich Kultayev qua đời sau một cơn đột quỵ vào đầu năm 2022. Khi còn sống, bà rất thích các món ăn mặn. “Người dân Kazakhstan tiêu thụ rất nhiều muối. Trên thực tế, ẩm thực của chúng tôi bao gồm chủ yếu là muối”, Kultayev cho biết. Dù mới 24 tuổi, Kultayev từng bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ vào tháng 3/2022. Chàng trai trẻ này cũng bị huyết áp cao trong nhiều tháng trước đó, nhưng không có triệu chứng nghiêm trọng nào khác. Các bác sĩ chẩn đoán, cơn đột quỵ của Kultayev là do “lối sống không lành mạnh và do ăn nhiều muối”. Sau khi ngã bệnh, Kultayev đã điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình, giảm lượng muối và đường tiêu thụ và anh cảm thấy khỏe mạnh hơn.

TS Yerzhan Boranbayevich Adilbekov, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại trung tâm chuyên khoa quốc gia nơi Kultayev được điều trị cho biết, người Kazakhstan trung bình tiêu thụ hơn 17gr muối mỗi ngày. “Lượng muối tiêu thụ này là quá nhiều cho một ngày. Người dân Kazakhstan có truyền thống dự trữ thịt cho mùa đông và do đó thịt thường được ướp rất nhiều muối để không bị hỏng. Điều này dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh,” bác sĩ Adilbekov khẳng định.

Theo ông Adilbekov, tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao là một trong những bệnh không lây nhiễm (NCD) phổ biến nhất ở Kazakhstan. Những căn bệnh nói trên “chủ yếu liên quan lối sống” và là nguyên nhân gây ra 87% ca tử vong ở nước này, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 71%. Do đó, bác sĩ khuyến nghị người dân nước này nên “dùng gừng, chanh và các loại gia vị thay thế khác”.

Kazakhstan hiện thực hiện các chính sách tích cực để giảm tiêu thụ muối. Chính phủ đã xây dựng lộ trình dinh dưỡng với Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) giai đoạn 2022-2025. Giới chức nước này cũng đang xây dựng chính sách quốc gia nhằm giảm tiêu thụ muối, đường và chất béo chuyển hóa. Bà Laura Utemisova, đại diện WHO tại Kazakhstan cho biết, LHQ đã xác định giảm lượng muối là biện pháp hiệu quả nhất về chi phí để ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm ở Kazakhstan.

Một nghiên cứu năm 2017 của WHO tại châu Âu phối hợp Học viện Dinh dưỡng Kazakhstan cho thấy, hàm lượng muối trung bình cao nhất trong khẩu phần ăn được tìm thấy trong mì tự làm (5,6gr), cơm thịt cừu hoặc thịt bò (5,2gr) và bánh mì kẹp thịt kebab (4,3gr), với các khẩu phần tương ứng là 112,4%, 104,2% và 85,4% lượng muối tối đa khuyến nghị hằng ngày. Bà Utemisova cho biết: “Các nhà sản xuất được yêu cầu ghi rõ hàm lượng muối hơn 100gr trên bao bì trong quá trình ghi nhãn thực phẩm, song do người dân ít hiểu biết về hậu quả của việc ăn nhiều muối nên biện pháp này không có tác dụng”.

Trước tình hình đó, nhóm công tác về dinh dưỡng đã thực hiện các bước ban đầu để việc ghi nhãn thực phẩm ở Kazakhstan tuân thủ các khuyến nghị của WHO, qua đó thông báo cho người tiêu dùng về các sản phẩm có hàm lượng muối, đường và chất béo cao.

WHO cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là các chiến dịch thay đổi thói quen ăn uống của người dân Kazakhstan nên nhắm mục tiêu đến phụ nữ, bởi theo truyền thống của Kazakhstan, người dân thường ăn thức ăn tự nấu và đặc quyền nấu nướng cũng thường được trao cho phụ nữ. Chính phủ quốc gia này hy vọng các chiến dịch sẽ đem lại kết quả tích cực trong thời gian tới.