Người giải mã chữ viết Maya cổ đại

Năm 2022 kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học nổi tiếng người Nga Yuri Knorozov. Ông là người giải mã thành công chữ viết của người Maya cổ đại - tộc người bí ẩn sống ở vùng Trung Mỹ thời tiền Columbus.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà ngôn ngữ học Yuri Knorozov say mê giải mã bí ẩn chữ viết của người Maya. Ảnh: AP
Nhà ngôn ngữ học Yuri Knorozov say mê giải mã bí ẩn chữ viết của người Maya. Ảnh: AP

Thiên tài lập dị

Trong những ngày gần đây, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh thiên tài ngôn ngữ Yuri Knorozov (19/11/1922 - 19/11/2022), báo chí, truyền thông Nga liên tục đăng nhiều bài viết nói về con người, sự nghiệp và di sản của nhà khoa học nổi tiếng người Nga. Hãng Thông tấn Nhà nước Nga TASS mô tả, Yuri Knorozov đã làm được điều mà ít ai có thể làm được trong lĩnh vực ngôn ngữ học: Tìm ra chìa khóa để đọc chữ viết cổ của người Maya tại Trung Mỹ trong khi ông chưa một lần đặt chân đến thực địa thời điểm đó.

Trong khi đó, trang tin RG.RU đăng bài viết với tựa đề “Thiên tài mật mã” với lời dẫn là một câu hỏi: Làm thế nào mà Yuri Knorozov có thể giải mật được chữ viết của người Maya trong khi “đút chân gầm bàn”. Theo trang tin này, Yuri Knorozov được biết đến là người ít nói, thầm lặng. Dư luận thời điểm đó lan truyền nhiều tin đồn và câu chuyện mô tả ông là một thiên tài lập dị, thần bí. Với những người tiếp xúc đối diện, ông luôn để lại ấn tượng cho họ bằng cái nhìn sắc lẹm “gần như địa ngục” từ đôi mắt xanh và hai hàng lông mày rậm. Điều đặc biệt là Yuri Knorozov rất yêu mèo. Trong tất cả các bài báo khoa học của mình, ông luôn yêu cầu đăng bức chân dung mình cùng với chú mèo yêu quý Aspid trên tay, thậm chí trong một số tác phẩm ông còn ghi tên Aspid là đồng tác giả.

Theo mô tả của báo chí Nga, nhà dân tộc học Knorozov theo chủ nghĩa thần bí nên ông đã viết luận văn tốt nghiệp về Shaman giáo (một hình thức tín ngưỡng cổ xưa thông qua những người môi giới để giao tiếp với thần linh), đồng thời nghiên cứu mối liên hệ giữa người Ainu với thổ dân châu Mỹ, giải mã chữ viết của đảo Phục Sinh và ngôn ngữ nguyên sinh của người da đỏ.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Knorozov đã cao tuổi, lần đầu ông đến Mexico. Tại đây ông đã được chào đón như một “ngôi sao” đúng nghĩa. Hầu hết mọi người ở quốc gia châu Mỹ, đặc biệt là trẻ em vẫn nhớ ông, bởi lẽ Knorozov đã có thể giải được câu đố chính của châu Mỹ, điều mà tất cả các nhà khoa học của các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ không có lời giải thỏa đáng. Nói cách khác, Knorozov đã thành công khi đưa ra lời giải “mãn nhãn” đối với chữ viết của nền văn minh Maya cổ đại.

Người giải mã chữ viết Maya cổ đại ảnh 1

Mẫu chữ viết của người Maya. Ảnh: AP

Hành trình giải mã

Đầu thế kỷ 19, các nhà khoa học tại Mỹ và Đức cũng bắt tay nghiên cứu và giải mã chữ viết Maya, tuy nhiên những kết quả nghiên cứu của họ không thể lý giải nổi những bí ẩn chung quanh nền văn minh cổ đại này. Theo TASS, người đứng đầu trường phái nghiên cứu về người Maya tại Mỹ, ông Eric Thompson, có lẽ đã đi sai đường khi tuyên bố không thể đọc được chữ viết của các bộ lạc da đỏ bởi nó không có hệ thống, mà chỉ có các ký hiệu riêng biệt, thậm chí khuyến cáo giới khoa học không nên tiếp tục giải mã. Nhà nghiên cứu người Đức Paul Schellhas, trong cơn tuyệt vọng thậm chí đã viết một bài báo vào cuối đời với tựa đề “Giải mã chữ viết của người Maya - bài toán nan giải”.

Theo một số nhận định, chính những tuyên bố có vẻ thách đố này của giới khoa học quốc tế là động cơ khiến Yuri Knorozov - chàng sinh viên khoa Lịch sử của Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow - quyết tâm tìm ra lời giải cho bài toán khó. Yuri Knorozov phản biện lối tư duy của các nhà khoa học trước đó: “Tại sao đây lại là một vấn đề không thể giải quyết được? Những gì được tạo ra bởi bộ óc con người không phải luôn là ẩn số với những người khác. Xét theo quan điểm này, những vấn đề nan giải không tồn tại và không thể tồn tại trong bất kỳ lĩnh vực nào của khoa học”.

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, Knorozov đã lục tung hàng đống tài liệu trong thư viện đại học. Kết quả, ông đã tìm thấy một cuốn sách có tên “Báo cáo về các vấn đề ở Yucatan” nói về cuộc sống của người Maya, được tu sĩ dòng Phanxicô Diego de Landa viết vào năm 1566 bằng tiếng Tây Ban Nha cổ. Thời điểm đó, có thông tin cho rằng, cuốn sách của de Landa dựa trên các bài viết của một người da đỏ được hưởng nền giáo dục châu Âu tên là Gaspar Antonio Chi. Có được cuốn sách, Knorozov đã dành nhiều thời gian để dịch sang tiếng Nga và nghiên cứu. Sau đó, ông đưa ra một số suy đoán ban đầu rằng, các ký hiệu của người Maya không phải là âm thanh, mà là tên của các chữ cái tiếng Tây Ban Nha và bảng chữ cái, gồm 29 ký tự trong “Báo cáo về các vấn đề ở Yucatan”, là chìa khóa để giải mã các chữ viết khó hiểu.

Trong cuộc phỏng vấn báo Leningrad buổi chiều về phương pháp toán học mà Knorozov ứng dụng trong giải mã ngôn ngữ, ông nói: “Bước đầu tiên của tôi là sử dụng cái gọi là thống kê vị trí. Bản chất của nó là đếm các ký hiệu ở một vị trí nhất định. Mục đích của phương pháp là tìm ra những ký hiệu và tần suất chúng được sử dụng ở những vị trí cụ thể, chẳng hạn như ở cuối hoặc đầu một từ chứ không phải số lượng của chúng nói chung...”. Sau khi nghiên cứu các tài liệu, ông nhận ra rằng mỗi ký hiệu của người Maya được đọc dưới dạng một âm tiết và đề xuất một hệ thống đọc toàn bộ ngôn ngữ.

Năm 1952, nhà khoa học Knorozov đã xuất bản bài báo “Chữ viết cổ của Trung Mỹ” trên tạp chí Dân tộc học, trong đó ông đã trình bày rất chi tiết các phương pháp giải mã của mình. Công trình đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học, trong đó có cả GS Sergey Tolstov. Chính GS là người đề nghị Knorozov viết luận án về đề tài này. Theo đó, sau khi bảo vệ thành công luận án, Knorozov đã được cấp bằng tiến sĩ, đặc cách bỏ qua cấp phó tiến sĩ, một điều rất hiếm trong ngành khoa học Liên Xô (trước đây).

Lúc này, tên tuổi của Knorozov bắt đầu nổi tiếng khắp nơi, ông được tôn kính như một thiên tài và được coi là niềm hy vọng lớn của đất nước. Để theo đuổi những đam mê của mình, Knorozov làm việc tại Bảo tàng Kunstkamera, nơi ông cống hiến đến cuối đời. Trong những năm công tác tại bảo tàng, Knorozov làm việc không ngừng nghỉ. Ông luôn đặt ra cho mình nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thành “tức tốc” như đọc các tài liệu Maya, giải mã các hệ thống chữ viết, phát triển các lý thuyết về tín hiệu liên quan đến não bộ…

Có thể nói, việc giải mã chữ viết của người Maya mà tác giả là Yuri Knorozov cho phép giới khoa học có cái nhìn mới về nền văn minh cổ đại và bí ẩn nhất của vùng Trung Mỹ, nghiên cứu sâu về văn hóa và lối sống của họ, vốn được cả thế giới, đặc biệt là người nói tiếng Tây Ban Nha, hết sức quan tâm.

Với những đóng góp vĩ đại của mình, năm 2018, Trường đại học San Carlos của Guatemala đã truy tặng Knorozov danh hiệu TS danh dự. Cùng năm này, tại Mexico đã xây dựng tượng đài nhà khoa học Liên Xô Yuri Knorozov. Tác phẩm điêu khắc hình tượng nhà khoa học ôm chú mèo yêu quý của mình trên tay. Cũng từ năm 2018, các nhà khoa học và nhân vật văn hóa bắt đầu được trao huy chương Yuri Knorozov vì những đóng góp của họ trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản của người Maya.

Đặc biệt, ngày 1/7/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tưởng nhớ và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Yuri Knorozov. Theo đó, nhân sự kiện này, tại “xứ sở Bạch dương” đã tổ chức nhiều buổi hội thảo khoa học quốc tế và toàn Nga, các dự án triển lãm và xuất bản, lễ trao học bổng mang tên Yuri Knorozov. Ngoài ra, ở nhiều nước Mỹ latin cũng diễn ra các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà khoa học vĩ đại người Nga Yuri Knorozov.