1/ FoodMap là nền tảng ứng dụng kết nối nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng, được vận hành trên nền tảng công nghệ nhằm minh bạch thông tin sản phẩm. Tùng kể, để tạo dựng được sàn thương mại đó, anh phải mất hai năm với rất nhiều khó khăn, trăn trở. Với anh, tốn kém tài chính và nguồn lực là chuyện tất yếu, nhưng nếu không có đam mê và tâm huyết thì mọi thứ sẽ không thành công. “Nói về sàn điện tử là chuyện đã khó, nhưng với một sàn chuyên về nông sản thì khó gấp nhiều lần. Bởi lẽ, vòng đời của sản phẩm nông sản thường rất ngắn, việc bảo quản và tìm kiếm nguồn cung cũng gặp rất nhiều khó khăn vì những yêu cầu gắt gao liên quan sức khỏe người tiêu dùng”, Tùng chia sẻ.
Bắt đầu câu chuyện như thế, nhưng ít ai biết rằng để theo đuổi đam mê, Tùng đã bỏ học giữa chừng khi đang là sinh viên lớp kỹ sư tài năng Khoa Điện tử - tự động, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trước khi đến với niềm đam mê nông sản, chàng trai có vẻ ngoài thư sinh ấy từng làm thuê cho nhiều công ty chuyên về sản xuất cà-phê ở Đà Lạt. Với chút ít kinh nghiệm cũng như vốn liếng, cuối năm 2018, sàn thương mại điện tử dành cho nông sản mang tên FoodMap ra đời, với mục tiêu nhà phân phối và nông dân cùng mang lại giá trị cho nhau, cùng xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Cứ thế, anh tìm đến các vùng nông sản khắp cả nước, nói chuyện với từng người nông dân để trao đổi kế hoạch hợp tác.
Trong quá trình đó, Tùng từng gặp rất nhiều hoài nghi nhưng tất cả đều được anh giải thích một cách cặn kẽ, rõ ràng. “FoodMap lập ra không ngoài mục tiêu giải bài toán đầu ra cho nông sản nói riêng và các ngành nghề liên quan nông nghiệp sạch nói chung”.
Trải qua hơn ba năm khởi nghiệp, đến thời điểm này FoodMap đã kết nối với hơn 500 nhà sản xuất, với khoảng 2.000 hộ nông dân khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bằng sự kết nối đó, hàng nghìn sản phẩm là nông sản tươi, trái cây, đặc sản vùng miền… đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử khác nhau. Những sản phẩm đó đều đạt các tiêu chí như sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có giấy chứng nhận uy tín, có phản hồi tốt từ khách hàng, người tiêu dùng uy tín.
2/ Dù lập nghiệp thành công ở TP Hồ Chí Minh nhưng chàng trai trẻ gốc Huế luôn đau đáu sẽ quay trở về để giúp quê hương quảng bá, phát triển một số món ngon, đặc sản địa phương.
Theo Tùng, mỗi vùng đất đều có loại nông sản đặc trưng phụ thuộc vào lịch sử, văn hóa, thổ nhưỡng, địa hình. Riêng với Huế, ngoài những yếu tố nói trên, vùng đất này còn là nơi đóng đô của triều đại phong kiến cuối cùng, vì thế hội tụ nhiều nét đặc sắc về ẩm thực lẫn sản phẩm nông nghiệp. “Bạn thấy đó, hằng ngày mỗi người nông dân Huế vẫn đang phát huy các giá trị đó bằng cách chế biến, trồng và đưa ra thị trường nhiều loại đặc sản được đánh giá cao. Có thể kể sơ qua như mứt gừng, mắm tôm chua, bánh bột lọc, hạt sen Huế, trái thanh trà… Vì thế, mình và FoodMap đang lên kế hoạch quảng bá chuỗi nông sản Huế một cách quy củ và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua kênh quảng bá này, mình sẽ kết nối nhiều nông sản các vùng miền khác đến với Huế để mọi người dân có thể tiếp cận, thưởng thức”.
Bằng tất cả niềm đam mê và tâm sức, Tùng và FoodMap đã được vinh danh bằng Giải thưởng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh hưởng nhất ở châu Á (Most Impactful Innovation) năm 2019 tại Malaysia, tốp 10 Công ty công nghệ nông nghiệp tiêu biểu khu vực châu Á - APAC năm 2020. Cuối năm 2020, FoodMap đã gọi vốn thành công với hơn nửa triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore). Mới đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, Tùng đã được vinh danh là một trong “10 gương mặt tiêu biểu của năm” do Trung ương Đoàn bình chọn.
“Không chỉ hướng đến mục tiêu FoodMap sẽ trở thành sàn thương mại điện tử dẫn dắt thị trường nông sản Việt, mà mình sẽ nỗ lực cho giấc mơ xây dựng nông nghiệp bền vững. Hành trình đó sẽ còn gian nan nhưng theo mình vẫn có rất nhiều cơ hội”, Tùng nói về mục tiêu bản thân cũng như điều mà FoodMap đang hướng đến.