Nét phóng khoáng vùng cao
Những năm gần đây, dòng sông Trà Bồng chảy trước ngôi làng Trà Dòn trở nên hiền hòa hơn. Chỉ độ mươi năm về trước, bên này cát lở, bờ kia bồi đắp, sông luân phiên chuyển dòng. Ngược con dốc, cụm đồng bào Cor đã dời cây quế vào rừng sâu, vào khu quy hoạch riêng biệt. Cũng từ đó, trong ngõ xóm, mùi vỏ quế ít dần đi. Cây quế đến mùa mới thu hoạch, ngày tháng còn lại dân làng làm gì? Họ tập đánh chiêng, ôn 26 bài hát cổ truyền người Cor xưa để lại. Họ dàn dựng bài múa, họ đi lưu diễn. Dân làng yêu tiếng chiêng như dòng Trà Bồng yêu từng mạch đá, con khe. Chẳng rời xa, chẳng thể quên.
Năm nay, ông An vừa bước qua tuổi 68. Công việc hằng ngày của ông là lưu giữ văn hóa truyền thống của người Cor trong chính ngôi nhà của mình. Tuổi đã cao, ông An không còn đi lên rừng như hồi trẻ. Tuy nhiên, những ngày hội giao lưu, các buổi truyền dạy văn hóa Cor, người chủ trì chắc chắn là nghệ nhân Hồ Ngọc An. Chiêng ba (gồm hai chiêng, một trống) là bộ nhạc cụ mà người đàn ông Cor đều biết chơi. “Với người Cor, khi khách đến thăm nhà, chủ nhà mang chiêng ra đánh điệu đón khách. Khi khách về thì đánh điệu tiễn khách. Dịp hiến trâu còn đánh thêm điệu chiêng hội và chiêng cúng thần linh”, ông An nói.
Ngày hội hiến trâu, 10 bộ chiêng ba được mang ra sử dụng. Chính trong những dịp này, sự gắn kết cộng đồng càng thêm bền chặt. Từ thời xa xưa, tổ tiên người Cor dùng hình thức đấu chiêng để chọn ra từng người đàn ông khỏe mạnh, tài năng trong làng. Cách thể hiện bước đi, dáng đứng, phối hợp các nhạc cụ nhuần nhuyễn khi đấu chiêng mang đậm tinh thần phóng khoáng nơi vùng cao Trà Bồng.
Mới đây, dân làng Trà Dòn tổ chức ngày Tết ngã rạ. “Bây giờ vẫn làm Tết ngã rạ nhưng gọn hơn nhiều rồi!”, nghệ nhân An chỉ ra khoảng sân làng. Ngày xưa, lớp thế hệ ông bà nơi đây luôn tổ chức Tết ngã rạ có quy mô rất lớn. Hơn nửa tháng trời, nam nữ thanh niên lên rừng bắt con thú, tìm những đặc sản để mang về làm lễ cúng. Con heo, con mang, con chim, bầy sóc… bắt về được chế biến, phơi khô. Khi già làng chọn được ngày tốt nằm trong tháng 11 âm lịch, ngày hội lớn nhất trong năm được tiến hành. Thời kỳ đất nước còn chiến tranh, dù bom rơi đạn lạc, người Cor vẫn duy trì tục lệ Tết ngã rạ hằng năm. Mọi tâm tư, ước vọng của bà con sẽ được giãi bày trong ngày hội làng. Một năm lao động hăng say của người dân, vui có buồn có, được gì mất gì sẽ có thần linh chứng kiến.
Các anh làm trước, chúng tôi sẽ học theo
“Con một cha, nhà một nóc”, câu nói đã lưu truyền nhiều đời qua đủ để bao quát tập tục sinh sống của người Cor. Trong làng, nhiều lớp thế hệ từ ông bà đến con cháu đời sau đều ở chung trong một ngôi nhà dài. Ở chung một nhà là vậy, tuy nhiên, từng không gian nhỏ được ngăn bên trong nên ngôi nhà vẫn giữ được tính riêng tư cho mỗi gia đình nhỏ. Lùi về quá khứ khoảng 50 năm trước, ngày đó cây quế phát triển rất nhiều nên Trà Bồng có tên gọi miền đất quế. Sau ngày 30/4/1975, dân làng tập trung lại làm nhà, làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Ngôi nhà dài được dựng lại và đến năm 1986 thì bị hỏng. Kể từ đó, ký ức một ngôi nhà dài cả trăm mét dần mờ nhạt trong suy nghĩ của lớp trẻ.
Đại gia đình ông Hồ Ngọc An có bốn thế hệ sống chung một nhà. Cha ông An vừa mất nên hiện tại, người có trách nhiệm trụ cột, quyết định mọi việc trong nhà chính là ông An. Ông nói: “Xưa và nay vẫn vậy. Mọi tính toán làm ăn kinh tế trong nhà là do người đàn ông đi đầu. Mối đoàn kết thời cha ông chúng tôi rất chặt chẽ. Vì sống ở vùng núi cao, đi đâu làm gì cũng có nhiều người. Hiện nay đã phát triển thêm một xíu vì lớp trẻ được học hành lên cao. Cha, ông trong nhà càng phải tuyên truyền, dạy dỗ phù hợp với thực tế đời sống”.
Đa số người dân làng Trà Dòn đều đi theo cách mạng từ sớm. Những người từng là bộ đội, công an luôn đi đầu trong các chương trình đổi mới, xây dựng quê hương. Điều đó được hình thành bởi lẽ dân làng luôn tin tưởng vào lớp người từng góp công đánh đuổi kẻ địch ra khỏi quê hương. Các anh làm trước, chúng tôi sẽ học theo là quan điểm rõ ràng của dân làng.
Câu chuyện dựng xây nhà riêng càng thấy rõ điều đó. Năm 1986, gia đình ông An là một trong các hộ đầu tiên làm nhà khung gỗ, tường vách kiên cố. Lựa chọn cây gỗ bền chắc, một bộ khung được dựng lên. Tường bao xây bằng gạch và nền móng bê-tông không bị mối mọt. Sau hai năm xây dựng, ngôi nhà khang trang đầu tiên của làng trở thành bài học quý giá. Kể từ đó, bộ mặt mới đến với Trà Dòn khi nhà cửa dần đi vào nền nếp, đường đi sạch sẽ. Ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng tung bay lá cờ Tổ quốc hiên ngang giữa đỉnh đồi.
Ở Trà Dòn, dân làng đánh giá đại gia đình của ông An thuộc dạng kiểu mẫu, tiến bộ. Sinh ra tám người con gồm năm người con trai và ba người con gái. Những tưởng cái nghèo sẽ vây lấy gia đình, vậy nhưng các con của ông hiện tại đều thành người, làm việc trong các cơ quan của địa phương. Một điều ông An luôn trăn trở chính là các cháu nhỏ trong làng, độ tuổi từ 15 tuổi trở lại có nắm và hiểu văn hóa Cor hay không. Mỗi lần tiễn đứa cháu từ làng ra phố học tập, các cụ già ở Trà Dòn rất tự hào. Và sau buổi đưa tiễn đó chính là nỗi lo cho tương lai khi các cháu trở về chẳng nói được tiếng dân tộc mình, không chơi được chiêng ba, đàn V’ró…
Để tiếng chiêng ngân vang
Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân mà Nhà nước trao cho ông An chính từ kết quả hăng say tìm tòi, bảo tồn văn hóa của ông. Tuổi ngày càng cao, ông An biết mình cần thực hiện bằng được mục tiêu thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cor. Cuối tháng 7/2022, hồ sơ Câu lạc bộ của ông An gồm 15 thành viên nòng cốt đã được đồng ý thông qua. “Tôi từng công tác ở mảng văn hóa - thông tin của xã 25 năm. Đó là điều kiện để tôi về từng làng sưu tầm lịch sử văn hóa, rồi lên huyện, tỉnh học hỏi, lưu diễn”, nghệ nhân An chia sẻ.
Thủ tục giấy tờ đã xong, người dân trong làng mừng vui. Họ cắt cử người trong nhà đến xem các con của ông An trình diễn chiêng, trống, múa hát. Được sống trong môi trường giáo dục nghiêm khắc của ông An từ nhỏ, năm người con trai gồm các anh Hồ Văn Vinh, Hồ Văn Minh, Hồ Văn Ninh, Hồ Văn Trinh và Hồ Văn Sinh đều giỏi đánh chiêng, chơi đàn V’ró. Nói được thì cần làm được cho bà con tin tưởng. Bài học đó được ông An tự răn chính mình.
Kinh nghiệm đưa tiếng chiêng sống lại với thời gian của nghệ nhân Hồ Ngọc An là điểm sáng của cả huyện Trà Bồng. Tôn trọng lịch sử cha ông, luôn đặt niềm tin nhất định vào các nghi lễ, cúng kính. Mặc dù vậy, việc kéo dài thời gian phần hội là điều “người đầu tàu” như ông An không đồng ý. Ở Trà Dòn từng tổ chức lễ hiến trâu trong tám ngày đêm. Khi chứng kiến dân làng tốn nhiều thời gian tập trung, bỏ dở công việc làm, ông An quyết định rút xuống còn năm ngày. Tới đây, ba ngày là con số ông An nghĩ rằng phù hợp nhất cho lễ hiến trâu và sẽ đặt vấn đề lên cấp huyện. Bảo tồn văn hóa nhưng không để sự lệch lạc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương.
Lễ hiến trâu cần có năm cây nêu gồm nêu Lớn, nêu Thượng, nêu Thường, nêu Ông bà và nêu Lá. “Báo với ông bà, cha mẹ. Bây giờ con có con trâu hiến ông bà, cha mẹ, cúng ông bà, cha mẹ. Mừng ông bà, cha mẹ đã sinh ra và giữ gìn con cháu phát triển, sức khỏe, thành đạt trên đường đời…”. Đó là một phần nhỏ trong bài cúng kéo dài gần hai giờ đồng hồ của các già làng người Cor.
Toàn xã Trà Thủy hiện có tổng 190 bộ chiêng ba. Tất cả đang được cộng đồng người Cor lưu giữ, xem như báu vật. Ngày hội làng chẳng cần loa đài, thanh âm trống chiêng, đàn V’ró đã đủ tạo nên tính huyền bí, mênh mông giữa đại ngàn. Sông Trà Bồng dội nước vào kẽ đá ào ạt, trai gái nắm tay nhau nhảy múa quanh sân làng.