Nâng giá trị hạt gạo tím than
Cách phố cổ Hội An chưa đầy chục cây số, thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) là vùng quê thuần nông điển hình. Người làm nông trăn trở nỗi niềm được giá mất mùa, được mùa mất giá. Lê Thị Thanh Nga (sinh năm 1986), một cô gái Duy Xuyên có cơ hội học hành và đi nhiều nước, đã quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp “xanh”. Năm 2019, chị thuê 1,6 ha đất trồng thử nghiệm sáu giống lúa tím than và lúa đen từ nhiều vùng miền. Vụ đầu tiên, chỉ có ba giống sinh trưởng, phát triển tốt là lúa tím than ST (Sóc Trăng), lúa tím (Điện Biên), lúa thảo dược (Nghệ An). Từ những tìm tòi, chọn lọc, cơ sở của chị cho ra đời sản phẩm lúa tím than mang tên “Lò Gạch Cũ” từ năm 2020. Đặc biệt, phương thức hữu cơ được áp dụng thay cho canh tác truyền thống, chẳng hạn như bón bằng phân hữu cơ vi sinh và sử dụng chế phẩm từ ớt, tỏi, riềng… để phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, gạo tím than “Lò Gạch Cũ” được các đơn vị chức năng đánh giá là sản phẩm an toàn cho người dùng, thân thiện với môi trường, được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực.
Theo Thanh Nga, gạo tím than xốp, dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhu cầu về loại nông sản này lớn nhưng hầu hết sản phẩm nhập từ nước ngoài. Thấy vậy, chị tiếp tục chế biến gạo tím than thành trà, sữa, rượu, gạo lứt sấy rong biển… để phân phối tại nhiều đại lý nông sản và bán cho khách đến tham quan, thưởng thức trực tiếp tại cánh đồng. Năm 2021, Nga sản xuất, cung ứng ra thị trường 40 tấn gạo tím than và một số sản phẩm chế biến sẵn, doanh thu gần hai tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho sáu lao động địa phương.
Để có được thành quả đó, Nga cùng những người đồng hành cũng trải qua vô số khó khăn. Nhưng với ước mơ biến đồng hoang thành đồng “vàng”, chị đã vận dụng kiến thức và cả sự mạnh dạn để xây dựng mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch, đem lại sự phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm.
Hương đồng, gió nội bay xa
Khai trương giữa năm 2020 và nhiều lần phải đóng cửa do dịch Covid-19, quán cà-phê Lò Gạch Cũ vẫn là cái tên khá nổi tiếng trên các diễn đàn, mạng xã hội của cộng đồng du lịch, với hàng loạt bài viết và hình ảnh ấn tượng về một nơi để “đưa nhau đi trốn” độc đáo và đẹp mắt. Cô chủ Thanh Nga đã sơn, sửa một lò gạch bỏ hoang trở thành điểm nhấn giữa khung cảnh làng quê thanh bình. Một chiếc cầu tre mộc mạc uốn quanh, dẫn khách đi thăm đồng, hít hà hương lúa, sau khi đã thưởng thức nhiều món ngon làm từ chính gạo tím than gieo trồng tại đây, như sữa gạo, trà gạo. Bàn ghế, tường rào trong quán đều được làm từ tre, nứa, gỗ, rơm rạ, hài hòa với thiên nhiên. Khách vào cửa, chụp ảnh miễn phí.
Gần như mọi lúc, cô chủ quán luôn có mặt với nụ cười tươi tắn, hồn hậu, sẵn sàng tư vấn đồ ăn, thức uống và giới thiệu thêm nhiều đặc sản khác như bắp (ngô), chuối, khoai lang. “Bà chủ nông dân” xứ Quảng cũng không ngại đưa những ai có nhu cầu “check-in” ra tận lò gạch cũ, chỉ ra những góc lung linh nhất tùy vào buổi sớm mai hay buổi hoàng hôn. Hơn cả một quán cà-phê, ở đây còn nhiều lần tổ chức các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và văn hóa, như thử đi cấy, học làm xà bông hữu cơ, các khóa học yoga và thiền… Không chỉ du khách Quảng Nam, Đà Nẵng, ngày càng nhiều người Việt Nam và nước ngoài ở xa cũng tìm đến quán vì đáp ứng được nhiều tiêu chí du lịch xanh, an toàn và bền vững.
Nói thêm về ý tưởng này, Thanh Nga chia sẻ: “Nông dân hiểu rõ nhất ruộng vườn của mình và là “hướng dẫn viên” tốt nhất cho du khách. Việc cải tạo cảnh quan, mở dịch vụ ăn uống giúp tôi “xuất khẩu tại chỗ”, thu hút nhiều khách hơn, đồng thời tăng độ nhận diện của sản phẩm”. Dự định của chị trong năm 2022 là hợp tác với nông dân địa phương để tăng diện tích trồng lúa lên 5 ha, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, đưa lên các sàn thương mại điện tử. Song song với làm nông nghiệp, Nga cũng mong muốn tổ chức được chợ phiên nông sản sạch, các sự kiện nghệ thuật… để cái tên “Lò Gạch Cũ” sẽ ghi thêm nhiều dấu ấn.