Ngõ cụt của tiến trình hòa bình Trung Đông

Cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn của Phong trào vũ trang Hamas ở dải Gaza của Palestine và động thái đáp trả cứng rắn của Israel đang đẩy an ninh khu vực vào vòng xoáy bạo lực và bất ổn mới. Bất chấp nỗ lực cứu vãn của cộng đồng quốc tế, tiến trình hòa bình Trung Đông do LHQ bảo trợ đang bị bóp nghẹt bởi cuộc xung đột đang có nguy cơ leo thang toàn diện hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Hamas phóng rocket gây nhiều thiệt hại trong lãnh thổ Israel. Ảnh: AFP
Hamas phóng rocket gây nhiều thiệt hại trong lãnh thổ Israel. Ảnh: AFP

Ngày 7/10, thủ lĩnh phong trào Hamas, Mohammed al-Deif, tuyên bố phát động chiến dịch quân sự mang tên “Al-Aqsa Flood” (tạm dịch là “Cơn lũ Al-Aqsa”) chống lại Israel trên bộ, trên biển và trên không. Nhóm này cho biết, đã phóng hơn 5.000 quả rocket vào lãnh thổ Israel trong khoảng 20 phút. Lực lượng Phòng vệ Israel đã tuyên bố “báo động tình trạng chiến tranh” và huy động lượng lớn binh sĩ trực chiến.

Tính đến tối 8/10 (giờ Việt Nam), theo CNN, số thương vong sau các cuộc tấn công và trả đũa của hai bên đã khiến ít nhất 350 người Israel thiệt mạng, gồm cả binh sĩ và dân thường, và hàng nghìn người khác bị thương. Trong khi đó, giới chức y tế ở dải Gaza cho biết, các cuộc không kích đáp trả của Israel đã khiến ít nhất 250 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương. Lữ đoàn cảm tử al-Qassam của Hamas tuyên bố đang bắt giữ một số lượng lớn binh sĩ Israel, trong đó có nhiều sĩ quan cấp cao.

Ngay sau khi phong trào Hamas mở cuộc tấn công vào quốc gia Do thái, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã triệu tập phiên họp khẩn về tình hình Israel. Thông báo của người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho hay, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi “tất cả nỗ lực ngoại giao nhằm tránh xung đột lan rộng”. Tuyên bố nêu rõ: “Tổng Thư ký vô cùng quan ngại cho tình hình người dân và kêu gọi kiềm chế tối đa. Người dân luôn phải được tôn trọng và bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế”.

Nhiều quốc gia vùng Vịnh đã lên tiếng cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay là hậu quả của các hành động chiếm đóng và bạo lực của Israel nhằm vào người Palestine. Bộ Ngoại giao Qatar ra thông báo kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, đồng thời cho rằng, cộng đồng quốc tế cần ngăn chặn Israel sử dụng diễn biến mới này làm cớ phát động chiến dịch nhằm vào dân thường Palestine tại Gaza. Tuyên bố của Chính phủ Iraq cho rằng, chiến dịch quân sự mà lực lượng Hamas tiến hành là hậu quả của hàng thập kỷ chiếm đóng có hệ thống của Israel đối với người Palestine. Bộ Ngoại giao Kuwait bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới tại Gaza và cho rằng, Israel phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực tiếp diễn tại đây.

Trong khi đó, các nước phương Tây đồng loạt lên tiếng lên án vụ tấn công bằng rocket từ dải Gaza, đồng thời bày tỏ đoàn kết với Israel. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Washington “dứt khoát lên án” cuộc tấn công của Hamas nhằm vào thường dân Israel và kiên quyết đứng về phía chính phủ và người dân Israel. Về phần mình, Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas khẳng định, người dân Palestine có quyền tự vệ trước các hành vi chiếm đóng. Cứng rắn hơn, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/10 tuyên bố sẽ “hủy diệt” Hamas sau cuộc tấn công của phong trào này vào lãnh thổ Israel.

Cuộc tấn công “Cơn lũ Al-Aqsa” của Hamas vào sâu trong lãnh thổ Israel được xem là động thái đáp trả những hành động đàn áp người Palestine tại đền thờ Al-Aqsa, mà phía Israel gọi là Núi Ðền ở Ðông Jerusalem - vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Từ đó, khu vực này là tâm điểm của nhiều làn sóng bạo lực giữa người Do thái tại Israel và người Hồi giáo. Sự phản kháng của người Paletine cũng liên tục diễn ra sau khi Israel mở rộng việc xây trái phép các khu định cư Do thái tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng như khu Bờ Tây hay dải Gaza.

Đợt leo thang căng thẳng gây thương vong nặng nề nhất trong cuộc xung đột hàng thập niên qua giữa người Palestine và Israel đang đe dọa đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông do LHQ bảo trợ lâm vào ngõ cụt. Vòng xoáy tấn công - đáp trả giữa hai bên sẽ ngày càng lan rộng nếu giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh vẫn chưa được các bên coi trọng.