Nghĩa vụ thuế và những yếu tố tác động

Nghiên cứu mới nhất từ Khoa Kinh tế, Học viện Tài chính Hà Nội cho thấy, có bảy nguyên nhân tác động đến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ việc nộp thuế một cách tự nguyện.
0:00 / 0:00
0:00
Kê khai và đăng ký tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NAM ANH
Kê khai và đăng ký tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NAM ANH

Tương tự một số nước đang phát triển khác, tình trạng không tuân thủ của người nộp thuế luôn là thách thức đối với Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, do chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Nghiên cứu mới nhất của Học viện Tài chính về “Tác động của các yếu tố phi kinh tế đối với hành vi tuân thủ thuế tự nguyện: Nghiên cứu điển hình về các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam” chỉ ra bảy nguyên nhân để giải quyết điều đó, là: Khả năng thanh tra, kiểm toán thuế; Các chuẩn mực xã hội; Kiến thức về thuế; Chuẩn mực cá nhân; Nhận thức về tính công bằng của hệ thống thuế; Chất lượng dịch vụ thuế và Nhân khẩu học.

Trong đó, thanh tra, kiểm toán thuế để đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá sự tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Kiểm tra thuế tích cực làm giảm gian lận thuế, góp phần ngăn chặn sớm các nỗ lực trốn thuế và buộc người nộp thuế phải tuân thủ thuế. Ngoài ra, tâm lý sợ bị kiểm toán có tác động mạnh hơn đến việc tuân thủ thuế so với mức phạt đối với việc trốn thuế. Tăng cường kiểm tra thuế cũng dẫn đến tăng cường tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.

Các chuẩn mực xã hội cũng có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng đến ý định, hành vi tuân thủ thuế. Do đó, áp lực xã hội có tác động mạnh mẽ đến hành vi tuân thủ thuế tự nguyện của người nộp thuế. Người nộp thuế theo đó sẽ hình thành ý định tuân thủ vì sự chấp nhận của xã hội, do nhận thức cũng như áp lực vô hình từ công chúng, rằng xã hội sẽ ảnh hưởng đến quyết định tuân thủ thuế hoặc không tuân thủ thuế của họ.

Thí dụ, nếu người nộp thuế coi việc không tuân thủ là hành vi phổ biến thì họ cũng có thể chọn không nộp thuế. Vì thế, mức độ sẵn sàng tuân thủ thuế của người nộp thuế phụ thuộc vào đặc điểm của môi trường kinh tế, chính trị và văn hóa tại một thời điểm và địa điểm cụ thể. Chuẩn mực xã hội được nâng lên đồng nghĩa các thành viên trong xã hội sẽ nhận thức được vai trò và trách nhiệm đối với việc nộp thuế.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã xem xét ảnh hưởng của kiến thức về thuế đối với hành vi tuân thủ nghĩa vụ thuế. Nó có mối quan hệ rất chặt chẽ với khả năng hiểu luật thuế và sự tuân thủ của người nộp thuế. Trình độ học vấn của người nộp thuế cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiểu biết chung của họ về thuế, đặc biệt là các luật và quy định về thuế. Thông tin thêm về thuế có thể cải thiện thái độ về chuyện nộp thuế theo hướng tăng cường tuân thủ và giảm xu hướng trốn thuế. Ngược lại, kiến thức về thuế thấp có tác động tiêu cực đến thuế và kiến thức về thuế là yếu tố dự báo mạnh nhất về việc tuân thủ thuế.

Để nâng cao nhận thức xã hội về tuân thủ thuế, các chương trình truyền thông đại chúng cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, cần đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp học với các kiến thức thuế phù hợp, tạo tiền đề cho việc tuân thủ thuế một cách tự nguyện. Người nộp thuế có hiểu biết về pháp luật thuế sẽ giúp họ thực hiện tốt các thủ tục đăng ký, kê khai, xác định số thuế phải nộp và hậu quả xấu của hành vi gian lận thuế.

Vấn đề ảnh hưởng tiếp theo tới việc tự nguyện đóng thuế là chuẩn mực cá nhân. Đây là những chuẩn mực về đạo đức của cá nhân và những mong đợi về hành vi của họ. Chuẩn mực cá nhân có thể phát triển bằng cách tích lũy các chuẩn mực xã hội mà cá nhân đó nhận thức được. Chuẩn mực cá nhân phản ánh niềm tin và ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế. Do đó, đạo đức về thuế mô tả các nguyên tắc hoặc giá trị đạo đức của một cá nhân đối với việc nộp thuế.

Đạo đức thuế cũng có thể được coi là nghĩa vụ đạo đức đối với việc nộp thuế hoặc niềm tin vào việc đóng góp cho xã hội bằng cách nộp thuế. Người nộp thuế có các chuẩn mực đạo đức tốt sẽ có xu hướng cư xử trung thực và tuân theo các quy tắc đã được thiết lập, điều này ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Do đó, đạo đức thuế là một yếu tố quan trọng trong việc giảm trốn thuế và tăng cường tuân thủ nộp thuế tự nguyện.

Nhận thức về tính công bằng của hệ thống thuế cũng là một yếu tố thiết yếu để người dân tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thuế. Đây là một yêu cầu khách quan khi mọi người cần những chia sẻ và giải quyết những lo ngại về tính công bằng của hệ thống thuế. Sự công bằng của hệ thống thuế ảnh hưởng đến xu hướng tránh hoặc trốn thuế. Một hệ thống thuế công bằng sẽ làm tăng niềm tin của người nộp thuế, làm tăng mức độ sẵn sàng tuân thủ các loại thuế tự nguyện.

Chất lượng dịch vụ thuế là một loại hình dịch vụ công điển hình do cơ quan thuế cung cấp. Nó bao gồm chất lượng dịch vụ hỗ trợ thuế, chất lượng đội ngũ thanh tra, kiểm tra, chất lượng hệ thống kê khai, nộp thuế... Trong xu hướng quản lý thuế hiện đại, người nộp thuế được coi là khách hàng. Do đó, dịch vụ thuế gắn với chất lượng cao là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế trong công tác quản lý thuế. Việc cơ quan thuế tạo được niềm tin và sự hài lòng cho người nộp thuế thông qua môi trường dịch vụ sẽ làm cho người nộp thuế cảm thấy hài lòng và sẵn sàng thực hiện các khuyến nghị.

Cuối cùng là vấn đề nhân khẩu học. Nhiều nghiên cứu trước đây ủng hộ sự tương quan tích cực giữa các đặc điểm nhân khẩu học như tuổi tác, giới tính, giáo dục và nghề nghiệp với việc tuân thủ thuế. Những người nộp thuế lớn tuổi, phụ nữ ít trốn thuế hơn nam giới. Những người nộp thuế có trình độ học vấn dễ dàng tuân thủ nghĩa vụ thuế hơn những người chưa có kiến thức. Và mức độ phát triển đạo đức cao hơn sẽ thúc đẩy thái độ của người nộp thuế tuân thủ hơn.