Nghĩa hiệp đưa thuyền đi biển cứu người trong lũ

Khi tạm bình tâm trở lại, người dân vùng lũ Lệ Thủy kể lại những câu chuyện nghĩa hiệp và ân tình mang đậm nghĩa đồng bào mà ngư dân trong huyện lần đầu tiên đưa những chiếc thuyền đi biển đến vùng đồng bằng cứu người đang chới với giữa dòng nước xiết. 

Ngư dân xã Ngư Thủy dùng thuyền đi biển để cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ Lệ Thủy.
Ngư dân xã Ngư Thủy dùng thuyền đi biển để cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ Lệ Thủy.

Thuyền nan vượt lũ cứu người trong đêm 

Dù đã kê kích, chằng buộc tài sản lên cao và sơ tán người lên vị trí cao nhất trong mỗi ngôi nhà song chiều và đêm 18-10, nước lũ tại Lệ Thủy (Quảng Bình) lên rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn ngôi nhà đã ngập lên gác tránh trú lũ, nhiều nhà ngập lên mái khiến người dân phải dỡ ngói cầu cứu. Với chút pin điện thoại cuối cùng, nhiều người gọi điện, nhắn tin cầu cứu qua mạng xã hội trong hoảng loạn. Lực lượng tại chỗ ở các xã phải dùng thuyền nhỏ, soi đèn tìm kiếm cứu nạn, sơ tán người dân ra khỏi các ngôi nhà ngập sâu. Tuy nhiên, lực lượng tại chỗ mỏng, số lượng người cần cứu quá đông nên không bao phủ hết được. Quảng Bình có một đêm không ngủ trong trạng thái lo lắng, sợ hãi. 

Đáp lại những lời cầu cứu thống thiết ấy của bà con vùng trũng, nhiều ngư dân Ngư Thủy quyết định dùng thuyền đi biển của mình để đi cứu người. Từ một, rồi hai và nhiều người khác nữa. Từ phong trào tốt bụng tự phát, chính quyền địa phương lựa chọn những chiếc thuyền tốt, người nam giới khỏe để lên đường đi cứu hộ. 

Nhưng ngặt nỗi, từ các làng biển, muốn đến vùng lũ thì phải vượt qua trảng cát mênh mông mà thuyền thì không thể đi được trên cát. Rồi có người lên mạng xã hội tìm người nào có xe cẩu tự hành đến trợ giúp. Ngay lập tức, nhiều chủ doanh nghiệp ở thành phố Đồng Hới vào lúc giữa đêm mưa gió đã đưa xe cẩu tự hành đến cùng với các chủ thuyền cẩu và chở thuyền từ Hải Ninh, Ngư Thủy đưa xuống bên QL 1A để từ đó hướng vào tâm lũ cứu người. Mỗi thuyền được phân công phụ trách một xã, số điện thoại người lái thuyền được chia sẻ rộng rãi trên mạng để ai cần thì gọi và hướng dẫn đường đi, điểm đến cho thuyền cứu hộ. 

Lũ lớn đi qua hơn 10 ngày nhưng anh Nguyễn Văn Thuy ở thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy vẫn chưa quên được đêm cứu hộ đáng nhớ đó. “Tui là người làng biển, chỉ bị bão thôi, ít có lũ lụt nhưng cũng thường xuyên đến vùng đồng bằng chơi nên cũng biết được ít nhiều về mưa lũ ở đó. Nhưng lần đầu tiên, chứng kiến lũ kinh hoàng như vậy. Tối 18-10, tui thấy bà con lên facebook kêu cứu rất nhiều mình cũng sốt ruột. Tui đội mưa sang bàn bạc với anh hàng xóm và cùng người thân đưa thuyền đánh cá của mình đến những vùng ngập sâu để cứu người. Khi được mọi người đồng ý, tui đi mua dầu đổ đầy rồi tìm xe cẩu, đưa thuyền nan của mình rời làng biển, tiến về vùng đồng bằng cùng một ít thức ăn, nước uống. Tui cho thuyền xuôi về mạn phải của sông Kiến Giang, bởi đó là vùng thấp nhất nên ngập sâu, sóng vỗ như ở giữa biển. Khi quét đèn pin tìm và gọi to thì tui thấy nhiều người ngồi trên mái nhà đang run lên vì đói rét. Anh em chuyển họ đến các ngôi nhà cao tầng, hoặc trụ sở xã”. 

Cũng như anh Thuy và các ngư dân của làng Tân Thuận, xã Ngư Thủy, trong đợt lũ qua, anh Nguyễn Văn Mại ở thôn Trung Thành, xã Ngư Thủy Bắc đã đưa cả hai chiếc thuyền nan đi biển lên cứu người dân. Anh Mại trực tiếp “chỉ huy” một chiếc, thuyền còn lại do con trai anh điều khiển cùng các ngư dân khác trong làng. Anh Mại chia sẻ: “Qua chính quyền địa phương và Đồn biên phòng Ngư Thủy, chúng tôi nhận được tin các xã vùng trũng bị ngập sâu rất nguy hiểm nên gọi nhau đưa thuyền đi cứu đồng bào. Thuyền nan của ngư dân là loại thuyền đi biển cỡ nhỏ, chuyên đánh cá vùng gần bờ. Nếu đi cứu nạn, mỗi thuyền có thể chở được 10 - 15 người, đặc biệt thuyền không tạo sóng nên phù hợp và an toàn cho nhà cửa người dân đang chìm trong nước. Trong đêm giữa biển lũ chảy xiết, gió mạnh tạo sóng cấp 4 - 5 nhưng vốn quen với sóng gió, chúng tôi không sợ, chỉ có điều khi đi vào khu dân cư có nhiều chướng ngại vật có thể đâm thủng thuyền, gây nguy hiểm cho những người đi sơ tán. Vượt qua tất cả, chúng tôi vẫn hoạt động xuyên đêm hỗ trợ bà con”. 

Có những người không có cũng quyết định thuê thuyền để đi cứu hộ. Đó là anh Nguyễn Văn Kiên ở thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc. Anh Kiên kể lại: “Trong đêm, nghe tiếng kêu cứu thất thanh của bà con ở vùng giữa bị lũ bao vây mà tui nóng ruột, nghĩ rằng, chắc rồi chính quyền sẽ cử thuyền tới cứu bà con nhưng càng khuya việc kêu cứu càng nhiều hơn. Tui gọi điện hỏi thăm người quen rồi nảy ra ý định thuê thuyền đánh cá đi cứu người đang gặp nguy hiểm. Khi tui nói ra thì chủ thuyền không lấy tiền mà cùng với tui đưa thuyền đi cứu hộ không chút chần chừ. Anh em tui cũng cứu được chừng 50 người trong đêm lũ kinh hoàng ấy”. 

Khi chồng đưa thuyền đi cứu hộ, những phụ nữ ở hai xã Ngư Thủy góp lương thực, thực phẩm, chung sức nấu cơm chuyển vào cho bà con các vùng đang bị nước lũ chia cắt. Chỉ trong bốn ngày, phụ nữ Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc đã nấu hơn 6.000 suất cơm hỗ trợ đồng bào vùng lũ. 

Vượt qua cấm kỵ

Những ngày sau lũ dữ, chúng tôi về với xã bãi ngang Ngư Thủy Bắc khi người dân vẫn đang bàn tán về trận lũ lịch sử, về những câu chuyện cứu người và cả những điều cấm kỵ đã bị phá bỏ trong trận lũ vừa qua. Ngư dân Nguyễn Văn Thuy đang sửa thuyền, thấy chúng tôi hỏi thăm, dừng tay trò chuyện. Anh nói: “Cứ nghĩ cũng ít người dùng thuyền nan đi cứu hộ, không ngờ vào đó mới thấy, từng đoàn thuyền đánh cá của hai xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy nối đuôi nhau tiến về vùng lũ. Tui mừng đến chảy nước mắt, vì giữa lũ lớn như rứa, càng nhiều thuyền cứu hộ thì càng có nhiều người cứu, nhiều người được an toàn”. 

Những chiếc thuyền đánh cá này còn kịp thời đưa các đoàn cứu trợ, lương thực, nước uống về các vùng cô lập, tiếp tế cho bà con nhân dân. Khi lũ rút, ngư dân lại lặng lẽ đưa thuyền về với biển. Nhiều chiếc thuyền đã hư hỏng mà ít ai biết tới, nhiều điều cấm kỵ của ngư dân đối với thuyền đánh cá đã bị phá bỏ, vì mạng sống của hàng nghìn bà con. Ít ai biết rằng, ngư dân có điều kiêng kỵ là không để phụ nữ mang bầu hoặc vừa sinh lên thuyền. Thế nhưng trong trận lũ vừa qua, cứu người là cấp thiết, nhiều ngư dân đã phá bỏ điều kiêng kỵ đó. 

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình tâm sự, nhờ hàng trăm chiếc thuyền nan đánh cá và những ngư dân dũng cảm này, công tác cứu người trong lũ tại địa phương đã phát huy hiệu quả cao. Có thể nói, ngư dân vùng bãi ngang đã mang tới sự an toàn cho hàng nghìn người dân trong trận lũ lịch sử vừa qua. Chính quyền và nhân dân vùng lũ luôn ghi nhớ và tri ân sự cứu trợ kịp thời, dũng cảm và sáng tạo ấy. Ngay khi lũ rút, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy ký quyết định khen thưởng thành tích đột xuất cho 123 chủ thuyền đánh cá ở xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc có thành tích trong công tác cứu hộ, cứu nạn trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua. Trong 123 chủ thuyền, có 59 người ở xã Ngư Thủy Bắc và 64 người ở xã Ngư Thủy. Phần thưởng cho mỗi chủ thuyền ngư dân dũng cảm và sáng tạo đó là giấy khen của UBND huyện kèm tiền thưởng 500 nghìn đồng.

Trên bãi biển Ngư Thủy những ngày này, nhiều ngư dân đang phải sửa chữa lại những chiếc thuyền bị hư hỏng nhiều chỗ, chân vịt bị gãy sứt mẻ vì vướng vào bờ tường, bụi cây trong khi đi cứu hộ trong lũ, để rồi lại chờ ra khơi. Bão, lũ liên miên, nên cuộc sống ngư dân bãi ngang này khá chật vật, nhiều phần lương thực, thực phẩm dồn hết để nấu cơm chuyển đến cứu trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ nên càng khó hơn. Vì vậy huyện Lệ Thủy đã xuất cấp 30 tấn gạo hỗ trợ cho người dân hai xã vùng biển và giới thiệu một số đoàn thiện nguyện tặng quà chia sẻ khó khăn với bà con. 

Tri ân với những ngư dân nghĩa hiệp hiện đang gặp khó, người dân vùng lũ Lệ Thủy đang tự tổ chức quyên góp, bớt đi những phần quà được cứu trợ để chuyển đến hỗ trợ cho bà con ngư dân vùng biển trong mùa gió chướng. Nhiều chuyến xe thiện nguyện được chính người dân vùng lũ tổ chức mang theo nhiều hàng hóa và cả sự trân quý những hành động cứu hộ dũng cảm và sáng tạo đến với vùng biển bãi ngang. Tất cả đó đều thấm đẫm nghĩa đồng bào trong khó khăn, hoạn nạn. 

Có thể bạn quan tâm