Tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày UNESCO ra Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua ở Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azouley đã bày tỏ vui mừng khi có mặt tại Việt Nam để kỷ niệm quyết định lịch sử của UNESCO. Bà nhắc lại sự kiện Khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, đã quyết định tưởng niệm những nhân vật kiệt xuất đã để lại những dấu ấn rất mạnh mẽ, sâu sắc trong lịch sử nhân loại. Trong đó, Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO ghi nhận “năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
Những đóng góp và giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh và đề cao. “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, mà ảnh hưởng của Người còn vượt ra xa khỏi biên giới đất nước. Trong suốt cuộc đời, Người đã duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ, kết nối với nhiều nền văn hóa khắp nơi trên thế giới… Với UNESCO, giáo dục, văn hóa chính là trụ cột của một nền độc lập cũng như giải phóng phụ nữ. Về mặt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tầm nhìn sâu rộng và đúng đắn. Người đã chống lại những định kiến về giới, luôn nỗ lực để bảo đảm phụ nữ được đi học. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, phụ nữ được hưởng mọi quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, gia đình…”, bà Audrey nhấn mạnh.
Đại diện UNESCO đánh giá cao việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa giáo dục, văn hóa - cũng chính là những giá trị nền tảng của UNESCO, trở thành trọng tâm trong cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của mình: “Rất nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cho lý tưởng này. Những trích dẫn, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Thanh niên do Người thành lập năm 1925, đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử đất nước. Những di sản của Hồ Chí Minh chắc chắn đã đóng góp xây dựng một Việt Nam hiện đại ngày nay, coi trọng văn hóa, giáo dục trong những chính sách phát triển, như tôi đã được chứng kiến trong chuyến thăm của mình”.
Phái đoàn Việt Nam tại phiên họp Đại hội đồng UNESCO thế giới khóa 24 ở Paris năm 1987. Ảnh tư liệu |
Trọng tâm này được phản ánh trong mối quan hệ khăng khít ngày càng tăng giữa Việt Nam và UNESCO, những giá trị phổ quát được Việt Nam và UNESCO bảo vệ. Điều này cũng thể hiện qua những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên của mình. Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “UNESCO rất tự hào được tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong giáo dục thông qua cải cách hệ thống giáo dục, trong đó ưu tiên bình đẳng giới. Đây sẽ là một trong những cách tốt nhất để có thể tưởng nhớ và vinh danh di sản nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là liên tục phối hợp với nhau để có thể nâng cao vai trò của giáo dục, văn hóa và di sản”.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng UNESCO ở Paris năm 1987. Khi đó, ông là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Mặc dù ít lâu sau, ông nhận nhiệm vụ mới là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ ở Mỹ, song khi nhận được cuộc gọi của bà Phan Thị Phúc, lúc đó là Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhắn ông quay lại Pháp, ông đã lập tức thay đổi kế hoạch để trở lại Paris tham gia vận động.
“Do vậy, tôi bay sang Paris gặp Tổng Giám đốc UNESCO, ông Amadou-Mahtar M’Bow, cựu Thủ tướng Senegal, một người rất có cảm tình với Việt Nam. Khi gặp nhau, nhìn thấy vẻ tư lự, lo nghĩ của tôi, ông nói ngay: Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của Việt Nam mà còn là lãnh tụ của nhân dân các nước đang đấu tranh cho hòa bình và chiến đấu cho độc lập, tự do. Cho nên ông đừng lo, các nước Á, Phi, Mỹ Latin sẽ ủng hộ Việt Nam”.
Đúng như lời ông Tổng Giám đốc M’Bow nói, các nước hết sức có cảm tình với Việt Nam và đặc biệt rất tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Một đại biểu đến từ châu Phi nói với tôi rằng, chúng tôi phải cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì nếu các bạn không chiến đấu thắng lợi thì chúng tôi hôm nay không thể ngồi cùng với các nước tại diễn đàn này”, ông Niên nhớ lại. Với tình cảm của nhân dân, bạn bè thế giới, Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các đại biểu ủng hộ tuyệt đối, không có phiếu chống, không có phiếu trắng.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp Bộ Ngoại giao ra mắt sách song ngữ “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” cùng bản điện tử cuốn sách này. Ngoài bản song ngữ Việt-Anh, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sẽ tiếp tục xuất bản nhiều phiên bản tiếng nước ngoài để giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế giới.