Nghề mộc thu hút giới trẻ Pháp

Theo Le Monde, ngày càng nhiều thanh niên tại Pháp nộp hồ sơ đăng ký học nghề thợ mộc và có nguyện vọng gắn bó lâu dài với các công ty trong lĩnh vực này. Đây là tin vui cho ngành nghề yêu cầu sự tỉ mỉ và luôn “khát” lao động trong thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Nghề mộc đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ Pháp. Ảnh: LE MONDE
Nghề mộc đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ Pháp. Ảnh: LE MONDE

Trong ngôi nhà xưởng ở Gennevilliers (tỉnh Hauts-de-Seine), âm thanh từ những chiếc máy cưa vòng vang lên. Tại đây, 18 “sinh viên” được trang bị thiết bị bảo vệ thính giác chuyên nghiệp đang tập trung cao độ làm việc. Ông Luc Mabire, giảng viên đào tạo nghề thợ mộc tại nhà xưởng cho biết: “Thợ mộc có ngôn ngữ riêng của họ. Nghệ thuật đóng gỗ của Pháp đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghề này là một nghệ thuật yêu cầu sự tỉ mỉ tuyệt đối”.

Rita Beillevaire (30 tuổi) đã rời bỏ công việc quy hoạch đô thị để theo đuổi nghề mộc: “Tôi muốn kết nối lại với các vật liệu. Việc đào tạo phức tạp hơn tôi nghĩ rất nhiều, nó đòi hỏi phải có kỹ thuật. Cái khó của nghề này giúp tôi thử thách bản thân và có thể khám phá năng lực mà tôi chưa từng biết trước đây”. Trong khi đó, Duncan Driffort (25 tuổi) tốt nghiệp ngành kiến ​​trúc chia sẻ quan điểm của mình: “Công việc đòi hỏi kỹ năng vững về hình học. Ngay cả sau 5 năm học và thực tập trong ngành kiến ​​trúc, tôi vẫn chưa thấy hài lòng với bản vẽ kỹ thuật được thực hành ở đây”.

Ở Gennevilliers, hồ sơ của những người đăng ký học nghề mộc rất đa dạng. Đó là những người từ 24 đến 48 tuổi, từng làm trong rất nhiều ngành nghề như đầu bếp, kỹ sư hoặc nhà báo trước khi đăng ký theo khóa học nghề mộc. Tất cả đều thể hiện quyết tâm khi nói về việc đào tạo nghề mộc của mình. “Những gì chúng ta xây dựng sẽ vẫn còn đó trong 100 năm. Chúng tôi làm việc cho thế hệ tương lai. Nghề này sẽ không bị lỗi thời”, ông Luc Mabire nhấn mạnh. Từng có hơn 30 năm đào tạo trong nghề này, ông Luc cho biết, ngày càng nhiều thanh niên đăng ký học nghề mộc trong thời gian gần đây: “Trong ba năm, số lượng nhân viên của trung tâm học nghề đã tăng gấp ba lần. Năm nay tôi có 90 sinh viên. Đây là con số ấn tượng”.

Theo Le Monde, thời gian qua, thợ mộc là một trong những nghề thiếu lao động nhất tại Pháp. Nhiều cha mẹ không đồng ý cho con mình theo học ngành này vì cho rằng, đây không phải công việc cao quý, phải lao động chân tay nặng nhọc. Theo số liệu từ Chính phủ Pháp, năm 2021, hơn 83% số công ty trong lĩnh vực mộc gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Dù trên thực tế, nghề thợ mộc có triển vọng phát triển tốt và có khả năng giúp người lao động có mức thu nhập lên tới 2.500 euro/tháng.

Ông Jérôme Carraz, trưởng nhóm đào tạo của một công ty mộc lớn tại Pháp cho biết: “Năm 2004, tôi đào tạo trung bình 40 người trẻ. Năm 2016, tôi chỉ còn lại tám người. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ngành mộc bắt đầu phát triển mạnh. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, các công trình xây dựng và cải tạo ở nông thôn đang trải qua một sự bùng nổ mới. Ngành mộc tại Pháp vô cùng thiếu vắng lao động. Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành đã ghi nhận có sự gia tăng rõ ràng về số lượng người trẻ tham gia các khóa đào tạo sơ cấp và nâng cao”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một lý do khác khiến thanh niên ngày nay theo đuổi nghề mộc là do sự gia tăng mối quan tâm trong xã hội về những vấn đề liên quan sinh thái. Từ năm 2020 đã có sự chuyển đổi các quy định về môi trường khắt khe hơn đối với ngành xây dựng. “Gỗ là tài nguyên tái tạo khi rừng được quản lý hợp lý. Nó là một vật liệu bền vững, như khung gỗ của Nhà thờ Đức Bà Notre-Dame có tuổi đời tám thế kỷ. Và bằng cách sử dụng gỗ trong các tòa nhà, chúng tôi ngăn chặn sự giải phóng carbon. Sử dụng gỗ hợp lý cũng góp phần vào bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của chúng ta”, ông Carraz nhấn mạnh.