Hơn 1000 năm qua, người dân trên bán đảo Yamal, tây bắc Siberia của Nga đã thuần hóa thành công giống tuần lộc nhằm phục vụ mục đích nuôi lấy thịt, vận chuyển... Hiện nay, khoảng 10.000 người chăn nuôi tuần lộc du mục ở Yamal, chiếm một phần năm dân số người Nenet, chăn thả đàn tuần lộc suốt hơn 1.200 km mỗi năm trên vùng lãnh nguyên rộng lớn. Yamal trong tiếng của người bản địa Nenet nghĩa là “Tận cùng thế giới”. Dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Yamal vẫn là ngôi nhà của cộng đồng những người du mục Nenet.
Người Nenet có tập quán di chuyển theo mùa cùng đàn tuần lộc, dọc theo những tuyến đường di cư cổ đại. Khi nhiệt độ có thể xuống tới âm 50 độ C trong mùa đông, người Nenet sẽ đưa đàn tuần lộc tới những khu rừng phía nam trải đầy cỏ và địa y. Trong mùa hè, khi có ánh nắng mặt trời, họ tiến về phương bắc để tìm thêm thức ăn cho đàn gia súc.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng theo hướng bất lợi cho người Nenet. Hiện nay, các tuyến đường di chuyển của người Nenet bị thay đổi do ảnh hưởng bởi những cơ sở hạ tầng gắn với hoạt động khai thác tài nguyên. Các con đường trở nên khó đi hơn đối với đàn tuần lộc và tình trạng ô nhiễm đe dọa chất lượng đồng cỏ. Bên cạnh đó, vùng Siberia đang ngày càng ấm lên, khiến hiện tượng mưa tuyết trở nên phổ biến hơn trong khu vực, làm xuất hiện lớp băng cứng bao phủ trên bề mặt cỏ và địa y, vốn là thức ăn chủ yếu trong mùa đông của đàn tuần lộc. Các chuyên gia địa phương cho biết, thời tiết biến đổi đã làm mất đi hàng chục nghìn cá thể tuần lộc mỗi năm trong mùa thu và mùa đông.
Tuần lộc gắn bó với cuộc sống của người Nenet. Ảnh: REUTERS
Chưa hết, hiện tượng Trái đất ấm lên cũng dẫn đến đợt nắng nóng kỷ lục ở vùng Yamal, gây dịch bệnh khiến hàng nghìn con tuần lộc chết. Theo giới khoa học Nga, sự tan băng chưa từng có của dải băng vĩnh cửu đã giải phóng các vi khuẩn, gây nhiễm trùng chân tuần lộc dẫn đến hoại tử, khiến nhiều gia đình trong khu vực mất gần một phần ba đàn gia súc.
Ngoài các yếu tố tự nhiên, cuộc sống chăn nuôi du mục của người Nenet còn bị ảnh hưởng một phần bởi việc khai thác khí đốt. Năm 2019, một lượng lớn khí đốt nhập khẩu của Liên hiệp châu Âu (EU) đến từ Nga và phần lớn trong đó từ bán đảo Yamal, vốn được biết đến là một trong những khu vực có trữ lượng khí đốt nhiều nhất nước. Nga thời gian gần đây cũng đã đẩy mạnh các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực này.
Từ tháng 10-2019, chính quyền Yamal đã phân bổ khoảng 200.000 USD để xây dựng hai trang trại chăn thả khoảng 1.000 con tuần lộc, nhằm khắc phục những khó khăn trong tập tục chăn nuôi du mục. Ngoài ra, chính quyền cũng hỗ trợ tài chính cho những gia đình du mục bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nếu mang lại kết quả tích cực, biện pháp này có thể được triển khai tại những nơi khác trong khu vực, qua đó giảm tải cho các đồng cỏ vùng lãnh nguyên.
Serotetto, một người chăn nuôi du mục cho biết, anh hy vọng đứa con trai sáu tuổi có thể tiếp tục truyền thống chăn thả tuần lộc lâu đời từ cha ông. Serotetto khẳng định muốn phong tục tập quán của người bản địa kéo dài thêm 1000 năm nữa và họ sẽ nỗ lực để bảo tồn nét đẹp văn hóa của mình.