“Ngân hàng ngầm” rửa tiền lớn nhất châu Âu

Cảnh sát Tây Ban Nha vừa triệt phá thành công một tổ chức tội phạm tài chính được cho là lớn nhất ở châu Âu. Chiến dịch của lực lượng thực thi pháp luật đã làm lộ rõ hệ thống chuyển tiền ngầm “hawala”, vốn hoạt động cực kỳ tinh vi nhiều năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ một đối tượng thuộc mạng lưới hawala. Ảnh: AL ARABIYA
Cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ một đối tượng thuộc mạng lưới hawala. Ảnh: AL ARABIYA

Lượng “tiền bẩn” khổng lồ bị phát hiện

Ngày 14/10 vừa qua, CNN cho biết, cảnh sát Tây Ban Nha đã triệt phá một tổ chức tội phạm tài chính vận hành như một “ngân hàng” rửa tiền cho các băng nhóm tội phạm ma túy. Xét về lượng “tiền bẩn” có được từ ma túy mà các đối tượng này đã “hợp pháp hóa” so các tổ chức tương tự thuộc diện điều tra của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), đây được xem là tổ chức tội phạm tài chính lớn nhất ở châu Âu.

Trong một tuyên bố, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, hơn 200 nhân viên thực thi pháp luật đã đột kích 21 địa điểm tại các tỉnh Malaga và Toledo của Tây Ban Nha ngày 27/9. Tổng cộng 32 đối tượng bị bắt giữ cùng gần ba triệu euro tài sản phạm tội. Hơn 400.000 euro tiền mặt, 19 tài khoản tiền điện tử trị giá khoảng 1,5 triệu euro, 11 ô-tô hạng sang, 1,2 tấn cần sa, 70kg dầu cần sa hashish, cùng 995 cây cần sa bị thu giữ trong chiến dịch.

Các cơ quan chức năng Tây Ban Nha nhận được sự hỗ trợ của Europol và Cơ quan Hợp tác tư pháp hình sự (Eurojust) của Liên minh châu Âu (EU) trong quá trình điều tra vụ việc. Europol cho biết, mạng lưới tội phạm này đã cung cấp dịch vụ cho các tổ chức tội phạm liên quan buôn bán ma túy ở hơn 20 quốc gia. Hoạt động từ năm 2020, băng nhóm tội phạm này được cho là đã “rửa” hơn 300 triệu euro mỗi năm. Từ tháng 5/2020, Europol đã liên tục theo dõi, điều tra và phân tích thông tin tình báo để vạch ra hoạt động quốc tế của mạng lưới tội phạm này. Hai chuyên gia từ Trung tâm Tội phạm kinh tế và tài chính châu Âu của Europol đã được triển khai đến Madrid để hỗ trợ cuộc điều tra của Tây Ban Nha.

Theo Sunday World, chiến dịch kể trên diễn ra hai tuần sau vụ bắt giữ Morrissey - đối tượng được xác định liên quan các hệ thống tội phạm rửa tiền. Từ hồi tháng 4, giới chức Mỹ đã xác định được Morrissey là thành viên chủ chốt của băng nhóm tội phạm có tổ chức Kinahan. Đối tượng này bị bắt tại nhà riêng ở Costa del Sol hôm 14/9. Morrissey và các đồng phạm bị cáo buộc nhận những khoản tiền mặt lớn từ các tổ chức tội phạm, sau đó chuyển cho các tổ chức tội phạm ở các quốc gia khác qua hệ thống “ngân hàng ngầm” được gọi là “hawala”, hoạt động trên cơ sở các giao dịch trực tiếp.

Các nhóm tội phạm có tổ chức có thể thực hiện thanh toán, nhận tiền và thậm chí “rửa tiền” thu được bằng mạng lưới tài chính có cấu trúc quốc tế này. Thành phố Fuenlabrada của Tây Ban Nha được Europol xác định là một trong những trung tâm của thế giới “ngân hàng” ngầm. Nhóm tội phạm điều hành các hoạt động rửa tiền của chúng từ một nhà hàng địa phương, nơi khách hàng đến gửi tiền hoặc nhận tiền mặt số lượng lớn.

Cơ quan chống ma tuý của Mỹ (DEA) cho biết đã phát hiện ra hệ thống chuyển tiền “không thể theo dõi”, được Morrissey sử dụng để rửa tiền. Trước đó, DEA từng điều tra hệ thống chuyển tiền “hawala” ở châu Âu vào năm 2015, sau khi xác định rằng phong trào vũ trang Hezbollah ở Lebanon đã sử dụng hệ thống này để tạo điều kiện vận chuyển một lượng lớn cocaine vào châu Âu và Mỹ.

Cảnh sát ước tính, số tiền mà đối tượng Morrissey “rửa” qua hệ thống “hawala” là 200 triệu euro chỉ trong 18 tháng, tương đương khoảng 350.000 euro mỗi ngày. Sau khi Morrissey bị bắt, hệ thống ngân hàng ngầm dường như sụp đổ. Morrissey hiện phải đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ. Các hình phạt đối với các hành vi rửa tiền ở Mỹ có thể cực kỳ khắc nghiệt. Morrissey có thể bị buộc tội về các hoạt động tạo điều kiện cho nhiều chuyến hàng ma túy quốc tế và hành vi rửa tiền. Những tội danh này có thể khiến đối tượng phải nhận án tù chung thân.

“Ngân hàng ngầm” rửa tiền lớn nhất châu Âu ảnh 1

Đối tượng Morrissey bị bắt giữ. Ảnh: SUNDAY WORLD

Hệ thống chuyển tiền “hawala”

Cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) định nghĩa “hawala” là “hình thức chuyển tiền mà tiền không cần di chuyển”. Giao dịch “hawala” được thực hiện mà không có giấy giao nhận vì hệ thống này chủ yếu dựa trên sự tin tưởng.

Theo Investopia, “hawala” được cho là xuất phát từ tiếng Arab, có nghĩa là “chuyển nhượng” hay “hối phiếu”, hoặc từ tiếng Hindi có nghĩa là “tham chiếu”. Hệ thống “hawala” có nguồn gốc từ Nam Á từ thế kỷ thứ 8 và được sử dụng trên khắp thế giới ngày nay, đặc biệt là trong cộng đồng Hồi giáo, như một phương tiện thay thế để thực hiện việc chuyển tiền.

Không giống như phương thức chuyển tiền thông thường xuyên biên giới thông qua chuyển khoản ngân hàng, chuyển tiền “hawala” được thực hiện thông qua mạng lưới các đại lý “hawala”, còn gọi là “hawaladar”. Một “hawaladar” ở một quốc gia có thể nhận tiền trước khi liên hệ với một “hawaladar” ở quốc gia khác, người mà sẽ thanh toán số tiền tương đương bằng tiền mặt hoặc hàng hóa cho khách hàng, như vậy số tiền đó không cần phải vượt qua biên giới. Không có tài liệu nào được lưu giữ hoặc ghi lại, bởi hệ thống này hoạt động hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng giữa những đối tượng giao dịch.

Ngoài sự thuận tiện và nhanh chóng, phí giao dịch “hawala” thường thấp hơn so mức phí của các ngân hàng. Để khuyến khích chuyển tiền thông qua “hawala”, các đại lý đôi khi miễn phí giao dịch cho người nước ngoài. Hệ thống này cũng dễ sử dụng, vì người ta chỉ cần tìm một “hawaladar” đáng tin cậy để chuyển tiền. Hawala cho phép chuyển tiền ngay cả khi một người không có tài khoản ngân hàng hoặc không có khả năng truy cập vào các mạng lưới tài chính chính thức. Đối với những người không có giấy tờ tuỳ thân do chính phủ cấp, mạng “hawala” có thể là cách duy nhất để gửi tiền, đặc biệt nếu điểm đến là ở một quốc gia khác. Vì lý do này, mạng lưới “hawala” thường được sử dụng ở các quốc gia có các biện pháp kiểm soát vốn hoặc trừng phạt nghiêm ngặt đối với dòng tiền.

Chính những đặc điểm trên khiến “hawala” trở thành công cụ hoàn hảo cho các mục đích chuyển tiền bất hợp pháp, nhất là đối với tội phạm rửa tiền và khủng bố. Ngoài ra, các đối tượng tham nhũng và những người giàu muốn trốn thuế thường sử dụng “hawala” để ẩn danh. Tiền mặt phát sinh từ các giao dịch không dấu vết này sẽ không bị đánh thuế. “Hawala” cũng thường được sử dụng để tài trợ hoạt động khủng bố và khiến việc ngăn chặn khủng bố trở nên đặc biệt khó khăn. Phần lớn việc phát hiện ra các chân rết khủng bố liên quan việc theo dõi dòng tiền, vì các tổ chức khủng bố được tài trợ cần tiền để mua vũ khí và phát triển lực lượng. Các giao dịch “hawala” làm cho việc chuyển tiền này trở nên dễ dàng vì không có dấu vết giấy tờ từ nguồn tiền đến tổ chức khủng bố.

Hầu hết các quốc gia đều ban hành luật về các hệ thống chuyển tiền không chính thức, như hawala, nhằm hạn chế các tác động tiêu cực do hệ thống như vậy tạo ra. Vì việc chuyển tiền thông qua “hawala” không được thực hiện qua ngân hàng, do đó không được quản lý bởi các cơ quan tài chính và chính phủ. Giao dịch “hawala” là bất hợp pháp tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, vì quy định tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiền tệ phải có giấy phép phù hợp và tuân theo luật chống rửa tiền. Ở Ấn Độ, Đạo luật Quản lý ngoại hối và Đạo luật Phòng, chống rửa tiền là hai văn bản pháp luật chính ngăn chặn việc sử dụng hawala ở nước này. Các giao dịch “hawala” không chính thức cũng bị cấm ở Pakistan.