Vấn đề tham nhũng trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật đã được Đảng, Nhà nước ta đặt ra và nghiên cứu, tìm cách giải quyết từ lâu. Bộ Chính trị đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Đại hội XIII của Đảng đã xác định, hoàn thiện đồng bộ thể chế là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. Hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN bao gồm nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo khung pháp lý về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Ban hành các quy tắc, chuẩn mực xã hội khác... Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 “Về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, trong đó, một trong những yêu cầu đặt ra là phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tham nhũng có nhiều hình thức như tham nhũng tài sản vật chất, tham nhũng quyền lực và tham nhũng chính sách. Quá trình xây dựng chính sách, pháp luật là hệ thống các hoạt động phức hợp gồm các hành vi có quan hệ chặt chẽ với nhau do nhiều nhóm chủ thể có vị trí, chức năng, quyền hạn khác nhau thực hiện nhằm chuyển hóa lợi ích thành những quy tắc pháp lý và thể hiện chúng dưới các quy định của pháp luật. Tham nhũng chính sách là việc tác động đến các chủ thể tham gia vào quá trình chuẩn bị, soạn thảo, trình hoặc thông qua các chính sách, pháp luật nhằm mang lại lợi ích cho một nhóm đối tượng cụ thể. Do đó, tham nhũng chính sách thường diễn ra một cách có hệ thống, rất tinh vi và để lại những hậu quả lớn do khả năng tác động của chính sách, pháp luật ở phạm vi rất rộng.
Nhận diện nguy cơ tham nhũng chính sách
Quá trình xây dựng chính sách, pháp luật gồm nhiều giai đoạn như hoạch định chính sách (lựa chọn vấn đề, xác lập nghị trình, soạn thảo, xây dựng và thông qua chính sách...), thực thi chính sách và đánh giá hiệu quả... Trong mỗi giai đoạn đều tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện tham nhũng, đặc biệt là giai đoạn hoạch định chính sách.
Trong việc lựa chọn vấn đề để xây dựng chính sách: Tham nhũng trong xây dựng văn bản pháp luật có thể bắt đầu từ việc các “nhóm lợi ích” vận động các chủ thể xây dựng pháp luật để lợi ích của mình được “luật hóa” bằng các chính sách được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Tại nhiều nước trên thế giới, sự vận động của các nhóm lợi ích chủ yếu hướng vào các nhà hoạch định chính sách (các nghị sĩ quốc hội, hoặc các quan chức hành pháp). Ở Việt Nam, theo đánh giá của giới chuyên môn, “vận động hành lang” trong quá trình hoạch định chính sách chưa phải là hiện tượng phổ biến nhưng diễn ra không ít. Các nhóm lợi ích có thể tiếp cận các chủ thể có thẩm quyền hoạch định chính sách để vận động ban hành các chính sách có lợi cho họ, như thiết lập hệ thống rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa dịch vụ; trợ cấp, trợ giá hoặc duy trì vị thế độc quyền của sản phẩm...
Trong việc chuyển hóa chính sách thành pháp luật: Nhóm lợi ích có thể trực tiếp (nếu là tổ chức có trách nhiệm chủ trì soạn thảo) hoặc gián tiếp (tác động đến các cơ quan có trách nhiệm soạn thảo) đưa vào những nội dung có lợi cho mình vào dự thảo hoặc “cài cắm” các nội dung để duy trì lợi ích của mình hoặc gây khó khăn cho các chủ thể chịu tác động của chính sách. Các “nhóm lợi ích” có thể sử dụng các lý do “thích hợp” để biện minh cho những kiến nghị chủ quan và che đậy mục tiêu thật sự của các kiến nghị này. Mặc dù quá trình soạn thảo, ban hành luật bao gồm nhiều bước, có quy trình khá chặt chẽ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện lợi ích cục bộ từ công đoạn đưa ra ý kiến về luật đến soạn dự thảo, thẩm định, thẩm tra và cuối cùng là thông qua, ban hành luật.
Trong việc lợi dụng “lỗ hổng” hiện hữu của cơ chế, chính sách: Trong nhiều trường hợp, tham nhũng có thể xuất hiện do các “lỗ hổng” không chủ đích của các nhà hoạch định chính sách. Các nhà hoạch định chính sách luôn mong muốn xây dựng những chính sách tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân và giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực, về thông tin cũng như cách tiếp cận vấn đề thiếu góc nhìn đa chiều khiến chính sách được ban hành có “lỗ hổng”, không đem lại kết quả như mong đợi. Các nhóm lợi ích có thể lợi dụng những “kẽ hở” này để trục lợi. Chẳng hạn, về Luật Doanh nghiệp, theo ý kiến của Bộ Tài chính, một số nội dung hiện nay khá thông thoáng (như việc đăng ký thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, không yêu cầu thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần vào công ty Việt Nam...). Các doanh nghiệp nước ngoài có thể lợi dụng kẽ hở này để đầu tư “núp bóng” dưới danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam, gây khó khăn cho công tác quản lý, làm thất thu ngân sách nhà nước. Đối với Luật Tổ chức tín dụng, mặc dù đã có các quy định khá chặt chẽ nhằm ngăn chặn cổ đông/nhóm cổ đông thâu tóm, kiểm soát, chi phối hoạt động ngân hàng để trục lợi nhưng hiện tượng này vẫn đang âm thầm diễn ra mà chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để, dẫn tới tình trạng yếu kém trong hoạt động của một vài ngân hàng hiện nay.
Ngăn chặn bằng nêu cao sự liêm chính
Nhận thức con người là nhân tố quyết định cho sự phát triển của đất nước, Đảng ta luôn coi trọng việc phát huy nhân tố con người, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, nhờ đó mà “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trên nền tảng đó, để ngăn chặn nguy cơ “tham nhũng chính sách”, trước hết, các chủ thể tham gia quá trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật phải nêu cao sự liêm chính thông qua những hành động cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Sự liêm chính là “tấm khiên” bảo vệ uy tín, phẩm giá, danh dự của người cán bộ cách mạng, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và đất nước. Rất quan tâm đến vấn đề này, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý đối với đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức khối các cơ quan pháp luật, tư pháp, nghiên cứu lập pháp tại Quốc hội: “Đã là cán bộ làm công tác pháp luật, hơn ai hết phải là những người làm rất chuyên nghiệp và cũng phải rất bản lĩnh... Hơn ai hết, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có bản lĩnh dám nói thẳng. Luật pháp chỉ là đúng, sai chứ không có khái niệm ở giữa”.
Để ngăn chặn những “lỗ hổng” trong chính sách hiện hữu, cần có một cơ quan chuyên môn sâu, tính độc lập cao để rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật. Cơ quan này có nhiệm vụ phát hiện và tham mưu cấp thẩm quyền bịt những “lỗ hổng” chính sách, vô hiệu hóa các lợi ích được “cài cắm”, loại bỏ các nội dung bất hợp lý trong các chính sách hiện hữu. Đây cũng là một công cụ quan trọng để kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa lợi ích nhóm.
Để tăng tính minh bạch và tính phản biện trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, cần có các quy định cụ thể đối với quy trình, cách thức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến phản biện của nhân dân đối với các dự thảo chính sách trước khi ban hành. Thời gian qua, việc lấy ý kiến người dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được đông đảo nhân dân ủng hộ và nhiệt tình tham gia với những ý kiến đóng góp quý báu. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát huy vai trò phản biện chính sách của các cơ quan truyền thông, báo chí. Với vai trò là một trong những kênh quan trọng để giám sát quyền lực và chống tham nhũng hiệu quả, báo chí không chỉ cung cấp thông tin, định hướng dư luận mà còn tham gia vào quá trình phản biện chính sách, phát hiện các hành vi tham nhũng trong quá trình hoạch định chính sách.
Để nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạch định chính sách, cần quy định rõ trách nhiệm phải giải trình đối với việc ban hành chính sách; đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các quy định về trách nhiệm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các chủ thể trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong bộ máy nhà nước; hoàn thiện hệ thống kiểm tra, giám sát, cảnh báo và các chế tài, các hình thức xử lý vi phạm phù hợp.