Ngăn chặn bạo lực học đường

Chuyện bạo lực học đường lại tiếp tục nóng.
0:00 / 0:00
0:00

Tại Hà Nội, một học sinh lớp 9, Trường THCS Hà Hồi (huyện Thường Tín) mới đây bị bạn cùng khối đánh đến chấn thương. Tại Thừa Thiên Huế, từ đầu năm học đến nay liên tiếp xảy ra ba vụ nữ học sinh đánh nhau, có sự chứng kiến của… nhiều học sinh khác, cổ vũ và dùng điện thoại quay clip.

Nhiều vụ học sinh đánh nhau diễn ra bên ngoài trường học với những hình thức bạo lực có xu hướng mạnh hơn. Điều khiến nhiều người rất lo lắng là sự chứng kiến của nhiều bạn bè cùng trường, cùng lớp nhưng lại không can ngăn mà thản nhiên đứng quay video ghi lại sự việc bạo lực học đường.

Trường học an toàn là khẩu hiệu của nhiều cơ sở giáo dục. Nhiều phụ huynh gửi con đến trường, cũng mong ngoài học hỏi kiến thức, các con được sống trong môi trường an toàn. Trong xu thế phát triển, nhiều mô hình trường học hạnh phúc cũng được nêu ra, triển khai. Đó là điều không chỉ phụ huynh mà cả xã hội cùng mong muốn.

Ngăn chặn và giảm những vụ bạo lực học đường là mong muốn chung của gia đình - nhà trường - xã hội. Thế nhưng, bên cạnh sự chăm sóc, quan tâm, đồng hành với con từ phía gia đình, bản thân các cơ sở giáo dục, các nhà trường cũng cần quan tâm tới tâm sinh lý học sinh. Trường học là nơi không chỉ dạy cho các em về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, khi được giao phụ trách một lớp học với 55-60 học sinh, mà lại phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nữa, thì thầy cô khó mà có thể quan tâm đến vấn đề tâm sinh lý của tất cả học trò trong lớp.

Giảm bớt áp lực trong nhà trường, hỗ trợ giải quyết các khúc mắc tuổi học đường ngay từ lúc mới phát sinh, sẽ góp phần hóa giải nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra không chỉ ở phía học sinh với nhau mà còn cả từ phía thầy cô với các em.