Không ai rõ Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn diễn ra từ bao giờ. Chỉ biết trong nhiều tích kể thì lễ chọi trâu đã xuất hiện từ thời nhà Trần. Tuy nhiên, dân gian vẫn truyền tai nhau những truyền thuyết và sự tích về lễ hội. Có khá nhiều dị bản, mỗi câu chuyện lại có những điểm thú vị riêng nhưng tựu chung là tập tục cổ có từ ngày xưa. Với tên gọi khác là đấu ngưu, lễ hội chọi trâu là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài ở vùng biển Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Từ năm 1990, hội được nhân dân cùng chính quyền thành phố khôi phục và diễn ra từ ngày 1/8 đến ngày 9/8 âm lịch (tức từ 27/8 đến hết ngày 5/9 dương lịch) với hàng loạt các nghi lễ được cử hành tại các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn và cử hành ngoài trời. Năm 2012, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vào ngày cuối 9/8 âm lịch, ngày thi đấu chính của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sẽ được diễn ra tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn (Hải Phòng). 16 trâu đến từ các phường trên địa bàn sẽ được Ban tổ chức bốc thăm thi đấu theo từng cặp. Theo quan niệm của người xưa, làng nào có con trâu thắng chung cuộc sẽ được bình an suốt năm tiếp theo, ngư dân đi biển may mắn không gặp phải thời tiết xấu nên dù thắng hay thua thì sau khi kết thúc hội, các trâu tham dự giải đấu đều được mổ lấy thịt làm lễ tế trời đất, cùng cầu mong mùa màng bội thu.
Ban tổ chức cho biết, Lễ hội năm nay có nhiều nét mới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, cho tới việc sắp xếp, bố trí lại khu vực giết mổ, kiểm soát thịt trâu chọi, giá vé trông coi xe. Đồng thời, sẽ không để xảy ra hiện tượng thương mại hóa, khai thác nguồn lợi kinh tế làm sai lệch bản chất, ý nghĩa, nội dung của lễ hội. Đặc biệt, sẽ kiểm soát lượng du khách, nhân dân vào xem bằng vé mời và giấy mời. Những người không có vé có thể xem truyền hình trực tiếp tại hai địa điểm gần khu vực thi đấu được quận bố trí lắp đặt màn hình lớn.