Nao nao nhớ người ăn trầu...

Quê tôi, vốn rất quen thuộc với hình ảnh những bà cụ tám mươi nhưng hàm răng vẫn đều đủ và chắc khỏe, óng lên đen nhức. Đó chính là khách hàng chủ lực của quả cau và lá trầu.

Nao nao nhớ người ăn trầu...

Ngày nào ít nhất mỗi bà cũng phải ăn trầu ba lượt sau mỗi bữa cơm. Thậm chí có bà nghiện trầu, thì môi lúc nào cũng thắm đỏ, và miệng luôn bỏm bẻm. Trong tôi vẫn đậm hình ảnh thân thương của bà nội, thỉnh thoảng đưa ngón tay cái và ngón giữa lên quệt nhẹ hai bên mép lau nước trầu.

Bây giờ, những bà cụ răng đen miệng nhai trầu cứ dần ít đi theo thời gian. Tôi vẫn nhớ tiếc hình ảnh đặc trưng đáng yêu ấy của làng quê, nên cứ mỗi dịp Tết đến, về làng, thường mang máy ảnh đi vẩn vơ, gặp bà cụ răng đen nào là xin chụp ảnh. Lòng nao nao biết rằng một ngày nào đó không xa nữa, làng sẽ không còn một bà cụ răng đen nào. Dẫu tiếc dẫu nhớ đến thế nào thì cũng không thể làm gì được để níu giữ những bà cụ ấy ở lại mãi với cuộc đời này.

Những bà cụ răng đen nhai trầu cứ ít dần đi, thì cau, trầu cũng dần bị ế. Hàng bán quả cau, lá trầu, vỏ quạch thường ngồi cạnh hàng xén ở chợ làng bây giờ không thấy mấy nữa, vì có bán cũng chẳng ai ăn. Làng Thanh quê tôi bây giờ các bà cụ răng đen không còn nhiều, vì thế trầu cau không bán được cho ai nữa vào ngày thường, hàng cũng dẹp luôn. Các cụ khi thèm trầu cau, thì chịu khó đi quanh làng, xem nhà nào có buồng cau, nhà nào còn giàn trầu thì xin vài quả, dăm lá để dùng.

Trầu, cau chỉ còn bán được cho đám cưới, đám giỗ, và bán trong dịp Tết. Làng tôi vẫn còn giữ được lệ vào dịp Tết, trên bàn thờ nhà nào cũng có một đĩa nhỏ bày ba lá trầu thật tươi, dăm ba quả cau thật mẩy. Thương nhớ ngày xưa, nên gần đây nhiều nhà quê tôi dù không ăn trầu cau nữa, nhưng bắt đầu trồng lại cây cau làm cảnh. Nguyên tắc trồng cau vẫn theo các cụ xưa, đó là “chuối sau, cau trước”. Cây cau luôn được trồng ở vườn trước nhà, bên cạnh là dây trầu leo lên cây cau vấn vít, cạnh đó nữa là tảng đá vôi to, chum nước lớn để hứng nước mưa từ thân cau chảy xuống. Cây cau, dây trầu, hòn đá và chum nước “về” bên nhau, dựng lại hình ảnh nghệ thuật truyền thống rất đáng nhớ với cảnh quê.

Chỉ có những bà cụ răng đen nhai trầu thì sẽ không còn mấy ở trong làng nữa…