Cảnh báo đỏ
Theo IMB, cơ quan giám sát tội phạm hàng hải thế giới, vịnh Guinea gần bờ biển phía nam của Tây Phi là vùng biển có số tàu bị cướp nhiều nhất hiện nay, khiến nơi này ngày càng nguy hiểm đối với những người đi biển. Báo cáo của IMB cho thấy, năm 2018 các cuộc tiến công ở vùng biển giữa Bờ Biển Ngà và Congo, khu vực vịnh Guinea đã tăng gấp đôi. Nửa đầu năm nay, IMB đã ghi nhận xảy ra hơn 30 vụ cướp biển. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều so phản ánh trong các báo cáo.
Tổ chức Tư vấn rủi ro châu Phi (ARC) cho rằng, các vụ cướp biển được ghi nhận thường xuyên, song nhiều chủ tàu sợ phiền toái khi tàu của họ bị nhà chức trách giữ lại để phục vụ công tác điều tra nên đã không khai báo đầy đủ. Theo The Economist, ARC ước tính số vụ cướp biển trên vịnh Guinea vào năm 2018 có thể gấp đôi con số mà IMB công bố. Khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực đáng kể trong quý IV-2018. Cướp biển ở vịnh Guinea trước đây thường nhằm đến các tàu chở dầu, nhưng gần đây chúng còn bắt cóc đòi tiền chuộc. Điển hình như vụ việc ở Cameroon vừa qua, chín thủy thủ Trung Quốc và tám thủy thủ Ukraine bị hải tặc bắt ngày 15-8 sau các vụ tiến công hai tàu thương mại ngoài khơi cảng Douala của Cameroon.
Giới an ninh hàng hải lo ngại, tình trạng cướp biển trên vịnh Guinea có thể còn nguy hiểm hơn nữa trong nửa cuối năm nay nếu giới chức khu vực không có động thái ngăn chặn kịp thời những hành động nguy hiểm này. Số lượng các cuộc tiến công tại khu vực này chưa từng tăng cao như vậy trong vòng hai thập kỷ qua. Trước đây, những tên cướp biển ở Tây Phi thường tiến công các tàu chở dầu để bán lại trên “chợ đen”. Nhưng kể từ khi giá dầu thế giới giảm sâu vào thời điểm năm 2015, chúng đã chuyển sang cả hình thức bắt cóc tống tiền.
Trước đây, việc cướp biển bắt cóc đòi tiền chuộc thường gặp ở vùng biển Somalia, cũng là một trong những điểm nóng tập trung cướp biển trên thế giới. Các nhóm cướp biển ở Somalia thường bắt giữ từng con tàu để đòi tiền chuộc. Trái lại, cướp biển vịnh Guinea không giữ tàu lại vì không có nơi cất giấu. Thay vào đó, chúng sẵn sàng xông lên tàu để vây bắt thủy thủ đoàn. Chúng thường neo đậu tàu, thuyền tại một số đảo để hút dầu hoặc cất giấu hàng hóa cướp được, sau đó bắt thủy thủ làm con tin và giam giữ họ trên đất liền để đòi tiền chuộc.
Năm 2018, số liệu của IMB cho thấy có 193 người đã bị cướp biển bắt cóc trên vùng biển Tây Phi. Các vụ việc diễn ra khắp khu vực vịnh Guinea, tập trung chủ yếu ngoài khơi Nigeria. Ông Max Williams, Giám đốc ARC chỉ ra các hạn chế trong cuộc chiến chống cướp biển của Chính phủ Nigeria là do tình hình an ninh bất ổn ở quốc gia này. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn khi các nhóm nổi dậy hoành hành ở vùng đông bắc, nạn thổ phỉ phía tây bắc và đụng độ giữa các nhóm sắc tộc diễn ra ở nhiều nơi, các nhóm hải tặc đã ngang nhiên hoạt động mà không hề e ngại sự truy quét của lực lượng chính phủ.
Tăng cường nỗ lực chống cướp biển
Nạn cướp biển hoành hành ở vịnh Guinea được cho là bắt nguồn từ tình trạng kinh tế ảm đạm trong khu vực và an ninh bất ổn. Dù giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ, song tỷ lệ thất nghiệp ở một số nước Tây Phi đã vượt quá con số 20%.
Chuyên gia Cormac McGarry của IMB cho biết, nhiều tên cướp biển ở Tây Phi xuất phát là thành viên trong các nhóm Hồi giáo cực đoan hoặc đến từ các vùng ly khai. Không ít tay súng từng tham gia những băng đảng tội phạm và trở thành lính đánh thuê kiếm tiền trên biển. Chuyên gia của IMB còn ghi nhận số vụ cướp biển có chiều hướng gia tăng trong các năm diễn ra các cuộc bầu cử, do một số chính trị gia địa phương được cho là đã trả tiền và vũ trang cho các băng đảng để tiến công triệt hạ đối thủ.
Cuối tháng 7 vừa qua, chính phủ các nước Tây Phi đã nhóm họp để bàn về cách thức ngăn chặn nạn cướp biển. Tại cuộc họp, các quan chức hàng hải châu Phi cam kết tăng cường hợp tác để giải quyết nạn hải tặc ở vịnh Guinea. Theo đó, lực lượng hải quân các nước khu vực Tây Phi với sự trợ giúp của Mỹ và châu Âu khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ hơn, trao đổi thông tin về cướp biển, tăng cường tuần tra chung.
Báo cáo của IMB cũng cho biết, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia duyên hải ở vịnh Guinea là điều kiện tiên quyết và cấp bách trước khi có thể triển khai hành động chống cướp biển. Ngoài giải quyết tình trạng tội phạm trên biển, lực lượng an ninh cũng cần phải tập trung triệt phá các căn cứ của chúng trên bờ, vì các hoạt động như giấu con tin, hàng hóa hay nhận tiền chuộc đều diễn ra trên đất liền.
Theo World Maritime News, BIMCO, Hiệp hội lớn nhất đại diện cho các chủ tàu quốc tế cũng kiến nghị chính phủ các quốc gia trong khu vực Tây Phi, đặc biệt là Nigeria, cần tăng cường bảo an cho vùng biển này. Hải quân các nước hiện còn trang bị sơ sài và lực lượng quá mỏng, không đủ để ngăn chặn nạn cướp biển vốn diễn ra trên một khu vực rộng lớn và với nhiều hình thức tiến công bất ngờ rất khó đề phòng trước. BIMCO cũng cảnh báo có tình trạng “đi đêm” giữa quan chức địa phương với các nhóm tội phạm. Nhiều chủ tàu tố cáo những tên cướp biển đã nắm được thông tin tuần tra của quân đội, do đó đã chạy trốn trước khi hải quân đến. Trong một số trường hợp, bọn cướp biển còn biết chính xác số thủy thủ và hàng hóa trên tàu trước khi lên kế hoạch tiến công.
Trước đây, eo biển Malacca và vùng biển ngoài khơi Somalia là những điểm nóng của cướp biển lộng hành. Ước tính, cướp biển Somalia có thể đã kiếm được trung bình gần 5 triệu USD tiền chuộc cho mỗi con tàu bắt cóc. Do kiếm được số tiền lớn từ hoạt động cướp biển, nên số lượng các vụ tiến công không ngừng tăng trong suốt một thời gian dài. Song, nhờ nỗ lực hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng hải quân khu vực và quốc tế, nạn cướp biển đã được ngăn chặn hiệu quả hơn.
Theo chuyên gia Cormac McGarry của IMB, vịnh Guinea không phải là điểm sôi động trên tuyến đường thương mại hàng hải thế giới như eo biển Malacca hay vịnh Aden, do đó việc tập hợp lực lượng quốc tế trong cuộc chiến chống cướp biển tại đây cũng khó khăn hơn. Hiện nay, trước tình trạng cướp biển đã đến mức đáng báo động ở vịnh Guinea, các chuyên gia khuyến nghị tàu bè ngoài khơi khu vực này cần tăng cường các biện pháp tự bảo vệ, như quấn dây thép gai quanh boong tàu, đóng chặt cửa tàu và đào tạo thủy thủ đoàn đối phó cướp biển trong trường hợp bị tiến công.